Hiệp định giữa Việt Nam và Đức về Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư
Thông tin cơ bản về Hiệp định giữa Việt Nam và Đức về Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư
Thời gian kí kết: 3/4/1993
Địa điểm kí kết: Hà Nội, Việt Nam.
Hiệp định giữa Việt Nam và Đức về Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư được kí kết với mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư của công dân, hay công ty của nước này trên lãnh thổ của nước kia.
Việt Nam và Đức nhận thức rằng việc khuyến khích và bảo hộ bằng Hiệp định các khoản đầu tư này là thích hợp để làm sống động các hoạt động kinh tế, kể cả sáng kiến kinh tế tư nhân và tăng cường sự phồn thịnh của nhân dân hai nước.
Khuyến khích và bảo hộ đầu tư
Mỗi Bên kí kết sẽ khuyến khích việc đầu tư của công dân, hay công ty của Bên kí kết kia trên lãnh thổ của nước mình và sẽ cho phép việc đầu tư đó được thực hiện phù hợp với luật pháp của nước mình. Các đầu tư sẽ được hưởng sự đối xử công bằng và thỏa đáng trong mọi trường hợp.
Đầu tư của các công dân hoặc công ty của một Bên kí kết đã được phép thực hiện trên lãnh thổ của Bên kí kết kia, phù hợp với luật pháp ở đó sẽ được Hiệp định này bảo hộ đầy đủ.
Mỗi Bên kí kết hoàn toàn không tiến hành các biện pháp tuỳ tiện hay phân biệt đối xử làm ảnh hưởng đến việc quản lí, chi dùng, sử dụng hoặc tận dụng khoản vốn đầu tư của công dân hay công ty của Bên kí kết kia trên lãnh thổ nước mình.
Đối xử tối huệ quốc theo Hiệp định
Mỗi bên kí kết đối xử với đầu tư thuộc sở hữu hoặc thuộc sự chi phối của công dân, hay công ty của Bên kí kết kia trên lãnh thổ nước mình không kém thuận lợi hơn so với đầu tư của công dân và công ty nước mình, hay so với đầu tư của công dân và công ty nước thứ ba.
Đối với các hoạt động liên quan tới đầu tư trên lãnh thổ của mình, mỗi Bên kí kết đối xử với công dân hay công ty của Bên kí kết kia không kém thuận lợi hơn so với công dân và công ty của mình, hay so với công dân và công ty nước thứ ba.
Đức sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam
Năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 12,6 tỉ USD và năm 2017 ở mức trên dưới 10 tỉ. Con số này là 12 tỉ USD theo thống kê của phía Đức.
Bốn tháng đầu năm 2018, xuất nhập khẩu song phương đạt 3,321 tỉ USD. Nếu tính từ thời điểm 2008 với mức kim ngạch là 3,55 tỉ USD thì sau 10 năm, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đã tăng gấp ba lần.
Bốn tháng đầu năm 2018, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Đức cũng thay đổi, với hàng hóa từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài như điện thoại và linh kiện điện tử tăng mạnh (685 triệu USD), sau đó là các mặt hàng truyền thống như giày dép (279 triệu USD), hàng dệt may (217 triệu USD), cà phê (176 triệu USD) và thủy sản (61 triệu USD).
Nếu chỉ tính riêng cà phê nguyên liệu thì Việt Nam đứng đầu danh sách nước xuất sang Đức với mức ổn định khoảng 500 triệu USD. Do một số yếu tố ngoại cảnh tác động nên mặt hàng thủy sản, nhất là cá tra, có xu hướng giảm hơn so với trước kia.
Về đầu tư trực tiếp từ Đức vào Việt Nam, Đức vẫn đứng ở vị trí khá khiêm tốn so với tiềm năng to lớn của hai nước. Đến tháng 4/2018, Đức có 286 dự án FDI tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng kí hơn 1,4 tỉ USD, đứng thứ 20 trong tổng số 116 nước có đầu tư ở Việt Nam.
Trong 4 tháng đầu năm 2018, có 14 dự án mới được đăng kí với số vốn khoảng 40 triệu. Đầu tư từ Việt Nam sang Đức đạt mức 21,44 triệu USD với 11 dự án.
Chi tiết về Hiệp định giữa Việt Nam và Đức về Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư