|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ Ngoại giao nói về quan hệ Đức - Việt sau vụ việc Trịnh Xuân Thanh

21:02 | 17/08/2017
Chia sẻ
Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn duy trì, phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức, vì lợi ích của nhân dân hai nước vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển khu vực và trên thế giới. 
bo ngoai giao noi ve quan he duc viet sau vu viec trinh xuan thanh
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ẢNH: NGỌC THẮNG

Đó là lời khẳng định của bà Lê Thị Thu Hằng - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao trước câu hỏi về mối quan hệ Việt Nam và Đức sau vụ việc Trịnh Xuân Thanh, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao diễn ra vào chiều ngày 17.8.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến thông tin Việt Nam nhận lô tên lửa Brahmos của Ấn Độ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ đã và đang phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, an ninh quốc phòng. Hợp tác quốc phòng an ninh giữa hai nước đóng góp tích cực cho hòa bình ổn định hợp tác và phát triển khu vực cũng như trên toàn thế giới.

Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, Việt Nam kiên trì chính sách quốc phòng hòa bình, vì vậy việc mua sắm các trang thiết bị quốc phòng của Việt Nam là phù hợp với chính sách quốc phòng hoà bình, và là việc làm bình thường để bảo vệ đất nước.

Khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam trước báo cáo mới đây của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình trạng tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Điều này được ghi rõ trong hiến pháp và pháp luật của Việt Nam, và được bảo đảm tôn trọng như trên thực tế. Những điều này đã tạo nên đời sống tin ngưỡng, tôn giáo hết sức phong phú và sinh động ở Việt Nam, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Người phát ngôn khẳng định, Nhà nước Việt Nam đã và đang thực thi nhiều biện pháp, chính sách cụ thể để đảm bảo người dân được thụ hưởng đầy đủ tự do tôn giáo, tín ngưỡng trong đó có luật tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội thông qua vào tháng 11.2016 vừa qua và dự kiến có hiệu lực vào tháng 1.2018 sắp tới.

Bà Hằng nói: “Chúng tôi ghi nhận về báo cáo về tín ngưỡng tôn giáo quốc tế 2016 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã có những điều chỉnh sát với tình hình thực tế của Việt Nam, song thật đáng tiếc trong báo cáo vẫn đưa ra những thông tin không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam”.

Ngọc An