|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hiệp định CPTPP: Việt Nam tăng cơ hội thu hút đầu tư ở mọi lĩnh vực

20:41 | 08/03/2018
Chia sẻ
Áp lực từ Hiệp định CPTPP phần lớn tập trung vào mặt hàng nông sản, sản phẩm chăn nuôi vì năng lực cạnh tranh của các sản phẩm này chưa cao.
hiep dinh cptpp viet nam tang co hoi thu hut dau tu o moi linh vuc Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Sẽ dịch chuyển vì CPTPP?
hiep dinh cptpp viet nam tang co hoi thu hut dau tu o moi linh vuc Hiệp định CPTPP chuẩn bị được ký kết chính thức
hiep dinh cptpp viet nam tang co hoi thu hut dau tu o moi linh vuc CPTPP sẽ có hiệu lực trong thời gian sớm nhất

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bao gồm 11 nước tham gia trong đó có Việt Nam sẽ được ký kết vào chiều 8/3 tại Santiago de Chile (tức 1 giờ sáng 9/3 theo giờ Việt Nam). Mặc dù không có sự tham gia của Mỹ, nhưng Hiệp định CPTPP vẫn được coi là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất, dự kiến sẽ đem lại lợi ích cụ thể cho các nước tham gia.

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên, Bộ Công Thương phân tích về những lợi ích, tác động cụ thể của Hiệp định CPTPP tới nền kinh tế Việt Nam.

hiep dinh cptpp viet nam tang co hoi thu hut dau tu o moi linh vuc
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên, Bộ Công Thương.

PV: Thưa ông, Hiệp định CPTPP sẽ mang lại những lợi ích và thách thức nào trong việc mở cửa thị trường xuất - nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam?

Ông Lương Hoàng Thái: Hiệp định CPTPP kế thừa toàn bộ cam kết mở cửa thị trường, đầu tư, mua sắm công của Hiệp định TPP trước đây. Hàng hóa xuất khẩu về cơ bản 100% dòng thuế sẽ giảm về 0%. Các nước tham gia CPTPP mở cửa cho Việt Nam và ngược lại, nhưng lộ trình thực hiện của Việt Nam tương đối dài hơn các nước khác và cơ bản là hướng tới quá trình mở cửa và cạnh tranh.

Trước đó, trong quá trình đàm phán CPTPP, Chính phủ đã chỉ đạo phải đảm bảo lợi ích cốt lõi của Việt Nam, đặc biệt lưu ý những ngành ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân như nông nghiệp, thủy sản, nghề muối… Tham gia hiệp định một mặt tạo cơ hội mở thị trường mới cho những ngành này, giúp người dân xóa đói giảm nghèo tốt hơn, đáp ứng lợi ích cốt lõi và cải cách cơ cấu xuất nhập khẩu phù hợp hơn, từ đó dịch chuyển lao động từ những ngành không có khả năng cạnh tranh sang ngành có năng lực cạnh tranh tốt hơn, có lợi thế so sánh để tăng năng suất lao động.

Trong cam kết mở cửa thị trường, các nước tham gia CPTPP dành cho Việt Nam sự ưu đãi ở mức độ rất cao ở nhiều dòng thuế. Ví dụ trước đây Nhật Bản chưa mở cửa thị trường cá ngừ, nay với cam kết của Hiệp định CPTPP, Việt Nam đã có thêm những cam kết tốt hơn. Tương tự, nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản và đặc biệt là sản phẩm công nghiệp của Việt Nam thông qua CPTPP sẽ có thêm nhiều thế mạnh.

Ngược lại, đối với lĩnh vực nhập khẩu, khi mở cửa thị trường theo cam kết của Hiệp định CPTPP, thách thức lớn nhất phải kể đến là lĩnh vực chăn nuôi như sản phẩm thịt gà, thịt lợn và phần nào đó của sản phẩm thịt bò. Đây là những ngành có đánh giá tiên liệu từ quá trình đàm phán trước đây, Việt Nam đã có những cân nhắc cũng như có lộ trình tương đối phù hợp để giúp chuyển đổi cơ cấu.

Có thể nói, cam kết của Hiệp định CPTPP phải được đặt trong bối cảnh động. Ví dụ như trước đây, khi Việt Nam tham gia FTA với ASEAN, Australia, nhiều người lo lắng vì năng lực cạnh tranh sản phẩm sữa của Việt Nam còn yếu, nhưng thông qua môi trường cạnh tranh và quá trình thực hiện, doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chủ động vươn lên, sản phẩm sữa của Việt Nam đã có bước phát triển lên tầm cao mới. Chính vì thế, hi vọng trong quá trình thực thi Hiệp định CPTPP, những ngành nào có bước chuyển đổi mạnh sẽ sớm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cụ thể trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp, CPTPP sẽ có tác động như thế nào đối với Việt Nam?

Đối với lĩnh vực công nghiệp, các nước tham gia CPTPP đang áp dụng mức thuế đối với sản phẩm công nghiệp trung bình là 1,9%. Nhưng khi tham gia Hiệp định CPTPP, thuế nhập khẩu ở các thị trường đối với hàng công nghiệp sẽ giảm về mức 0% theo lộ trình, có những nước dành cho Việt Nam trên 90% thuế về 0% ngay từ khi hiệp định có hiệu lực như Canada và Nhật Bản.

Ngoài hàng rào thuế quan còn có hàng rào phi thuế quan, nhưng khi tham gia CPTPP, các nước sẽ có lợi thế tốt hơn, đặc biệt trong đấu tranh khi có một hàng rào thương mại được dựng lên hoặc những cân nhắc để vượt qua rào cản thương mại đó. Ví dụ như rào cản kiểm dịch động, thực vật để xem xét sản phẩm nông sản nhập khẩu, với các nước tham gia CPTPP có tiêu chuẩn chung, thời gian để công nhận sản phẩm đó sẽ nhanh hơn nhiều, rút ngắn từ 7 năm còn khoảng 2 năm.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, lộ trình thực thi cam kết CPTPP sẽ kéo dài hơn, tập trung vào mặt hàng nông sản nhiệt đới mà Việt Nam có lợi thế trong khi các nước tham gia CPTPP không có sản phẩm cùng loại.

Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh từ hiệp định CPTPP phần lớn tập trung vào mặt hàng nông sản, sản phẩm chăn nuôi như sản phẩm thịt gà và thịt lợn vì năng lực cạnh tranh của Việt Nam chưa cao. Việt Nam cần có bước chuẩn bị tốt hơn đối với các sản phẩm này để đối phó và vươn lên đáp ứng tiêu chuẩn chung của hiệp định.

Đối với lĩnh vực đầu tư và dịch vụ, Việt Nam sẽ có được những lợi ích gì khi tham gia Hiệp định CPTPP?

Lợi ích lớn nhất từ việc tham gia CPTPP là thông qua việc các nước cùng thực hiện tiêu chuẩn cao về thương mại và đầu tư theo hướng cởi mở, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, từ đó nâng cao khả năng thu hút đầu tư nước ngoài.

Mặc dù khó dự báo trước được làn sóng đầu tư sẽ tập trung vào ngành nào nhưng nhìn chung, nhiều ngành sản xuất đều có thể tận dụng lợi thế phát triển khi thuế nhập khẩu được giảm xuống và quy mô thị trường lớn hơn, từ đó tạo ưu thế trong thu hút đầu tư.

Trước đây, một số nhà quan sát dự kiến ngành hưởng lợi từ TPP sẽ là dệt may, giày dép vì có đầu tư nước ngoài lớn hơn thì đến nay nhận định này vẫn đúng. Hoặc như như ngành chế biến thực phẩm dự kiến cũng sẽ có lợi ích tương đối thiết thực khi tham gia CPTPP. Điểm lớn căn bản ở hiệp định này là sẽ tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn, giúp tăng thu hút đầu tư ở tất cả các lĩnh vực./.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Quỳnh