|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hết năm 2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt 77,3%

22:12 | 31/12/2021
Chia sẻ
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân 12 tháng của năm 2021 đạt 77,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (thấp hơn mức 82,66% cùng kỳ của năm 2020); trong đó, vốn trong nước đạt 83,66%; vốn nước ngoài đạt 26,77%.
Hết năm 2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt 77,3% - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Tạp chí Tài chính).

Đáng chú ý, ước đến hết tháng 12/2021 có 7 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm Hội Nhà báo Việt Nam đạt 100%, Ngân hàng Phát triển 100%, Bà Rịa - Vũng Tàu 95,7%, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 92,04%, tỉnh Hải Dương 91,6%, tỉnh Long An 91,4%.

Ngoài ra, có 30/50 bộ và 16/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 65%; trong đó, có 20 bộ và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50%.

Theo Bộ Tài chính, đến thời điểm này vẫn còn một số tồn tại, gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công như việc giao kế hoạch còn chậm. Đối với các dự án khởi công mới, đến tháng 7, Quốc hội mới thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. 

Tháng 9, Thủ tướng Chính phủ mới giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nên cuối tháng 9, đầu tháng 10 các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương mới phân bổ và giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương cho các dự án khởi công mới.

Mặt khác, một số đơn vị có nhiều dự án khởi công mới vẫn đang phải chờ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được thông qua theo quy định tại Nghị quyết số 129/2020/QH14 của Quốc hội với tỷ lệ kế hoạch vốn năm 2021 bố trí cho các dự án này rất lớn như: Bộ Thông tin và Truyền thông 95% kế hoạch; Bộ Nội vụ 87%; Bộ Ngoại giao 86%.

Nguyên nhân khác đến từ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng do việc tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chưa đầy đủ. Vẫn còn tình trạng thiếu minh bạch và công bằng trong lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng gây tâm lý không tin tưởng trong người dân. 

Từ đó, dẫn tới người dân cố tình không di dời hoặc khiếu kiện vượt cấp để mong được hưởng thêm quyền lợi trong đền bù giải phóng mặt bằng.

Hơn nữa, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, việc khống chế khó khăn hơn nhiều so với năm 2020. Nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài để phòng, chống đại dịch làm ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động đầu tư công nói riêng.

Bên cạnh đó, việc triển khai phòng, chống dịch bệnh tại một số địa phương còn thiếu thống nhất, đồng bộ làm ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu xây dựng, chậm tiến độ triển khai dự án, hầu hết các công trình xây dựng phải tạm dừng thi công tại khu vực có mức nguy cơ rất cao.

Cùng với đó, các dự án ODA cũng chịu tác động nặng nề của dịch bệnh do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát,... 

Nhiều dự án phải thực hiện điều chỉnh hiệp định vay, gia hạn thời gian thực hiện dự án, thống nhất với nhà tài trợ về kế hoạch thực hiện, đấu thầu,...

Bộ Tài chính cũng cho rằng, giá các vật liệu xây dựng trên thị trường tăng mạnh, nhất là sắt, thép xây dựng, xi măng, cát, sỏi,... tác động trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công dự án.

Ngoài ra, tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện ở một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt, sâu sát, cụ thể, thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy. Việc phối hợp giữa các ngành, các cấp và chủ đầu tư chưa tốt trong quá trình liên thông giải quyết thủ tục hành chính và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư.

Công tác chuẩn bị dự án còn sơ sài, chất lượng kém, năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu,... còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu nên dự án phải thực hiện điều chỉnh, làm chậm tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, công tác thẩm định, tư vấn còn chậm...

Trước tình trạng này, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị các bộ, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục có giải pháp thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các Đoàn kiểm tra của Chính phủ nhằm thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 đạt ở mức cao nhất theo chỉ đạo của Chính phủ.

Đối với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương được điều chỉnh tăng kế hoạch vốn năm 2021 khẩn trương phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án để triển khai ngay, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Thùy Dương

ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.