|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Heo không đeo vòng truy xuất nguồn gốc sẽ bị “cấm cửa” vào TPHCM

08:19 | 19/03/2017
Chia sẻ
Dù đang điêu đứng vì giá heo “lao dốc”, người nuôi heo Đồng Nai lại phải chịu thêm phí 6.000 đồng/1 con heo/đeo vòng truy xuất nguồn gốc để được vào thị trường TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Một con heo vào TPHCM “cõng” thêm 16.000 đồng

Ngày 17.3, tại Đồng Nai, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa đại diện Sở Công Thương TPHCM, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai và khoảng 100 hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi heo khi đưa heo thịt vào thị trường TPHCM. Theo đó, mỗi con heo khi đưa vào thị trường TPHCM để tiêu thụ thì phải được đeo vòng ở hai chân sau để nhằm truy xuất nguồn gốc thịt heo.

Hiệp hội đã cung cấp danh sách cũng như địa chỉ của các trang trại heo đạt chuẩn VietGAP và mã số các trang trại tham gia chương trình. Sở Công Thương TPHCM đã cung cấp các vòng code để Hiệp hội phân phối lại cho thương lái và các trang trại trong tỉnh với giá 3.000 đồng/vòng phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc heo. Tuy nhiên, đề án này xuống tới người chăn nuôi heo thì gặp phải sự phản ứng của người dân.

Bà Bùi Thị Thủy (hộ nuôi heo tại P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa) cho rằng: Một con heo từ trang trại ra ngoài thị trường đã được cơ quan thú y kiểm tra, kiểm dịch, đến khi vận chuyển lên TPHCM phải kiểm tra qua nhiều chốt, đến lò mổ phải lăn cả đống con dấu của cơ quan chức năng. Nay lại bắt đeo vòng với chi phí mua vòng 6.000 đồng/vòng, chi phí thuê người đeo là 10.000 đồng/con, như vậy mỗi con heo phải cõng theo 16.000 đồng/con, cả trang trại có 1.000 con thì số tiền mua vòng 16 triệu đồng là không hề nhỏ trong lúc người nuôi heo đang lỗ, chờ chực phá sản vì giá heo xuống thấp. Còn ông Trần Văn Trung (hộ chăn nuôi heo xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất) phản ánh: “Chúng tôi đã bị thương lái ép giá đủ đường, đừng bắt người nông dân chúng tôi phải gánh thêm chi phí nữa”. Trong khi đó, ông Trần Văn Phúc - thương lái chợ đầu mối Tân Xuân, TPHCM - thì cho rằng, chưa chắc đã truy xuất được đúng nguồn gốc heo và đảm bảo VSATTP khi heo được đeo vòng (?).

Truy xuất nguồn gốc để cạnh tranh với heo Mỹ, heo Thái

Dù bức xúc của người nuôi heo là khá nhiều, tuy nhiên, ông Nguyễn Nguyên Phương - đại diện Sở Công Thương TPHCM - vẫn khẳng định: Nếu heo Đồng Nai không đeo vòng truy xuất nguồn gốc thì sẽ không được vào thị trường TPHCM. Không chỉ ông Phương mà lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cũng ủng hộ việc truy xuất nguồn gốc heo để bảo vệ người tiêu dùng. Ông Phan Minh Báu - PGĐ Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai - cho biết: Để bảo vệ người tiêu dùng, sắp tới ngay cả thị trường Đồng Nai nếu heo không được truy xuất nguồn gốc cũng không được tiêu thụ. Không chỉ vậy, mà còn đối với heo con phải bấm lỗ tai để khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng họ biết được heo đó nuôi bao lâu, bằng phương thức nào, đã tiêm vaccine chưa… để hướng tới việc cạnh tranh với heo Mỹ, heo Thái sắp tới khi vào thị trường Việt Nam.

Ông Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội Công nghệ cao TPHCM - chia sẻ: Vòng đeo cho heo mới là một trong các bước ban đầu để khi sản phẩm tới tay người tiêu dùng là một tem giấy có đầy đủ thông tin về heo sạch. Hiện nay, TPHCM mua heo của 15 tỉnh, thành trên cả nước và 2/3 số heo vào TPHCM đã được nhận diện thì Đồng Nai cũng thực hiện được.

Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi heo Đồng Nai - cho rằng: Người nuôi heo Đồng Nai hoàn toàn ủng hộ việc đeo vòng cho heo. Tuy nhiên, ông Công lại lập luận: Người tiêu dùng TPHCM muốn được ăn heo ngon thì phải móc hầu bao ra. Chúng tôi sẽ tạo ra thương hiệu về một vùng heo an toàn như tại huyện Thống Nhất, Đồng Nai, nhưng yêu cầu người tiêu dùng phải trả phí đeo vòng cho heo, để giảm bớt gánh nặng chi phí cho người chăn nuôi, tránh tình trạng kìm hãm sự phát triển của ngành chăn nuôi heo. Từ đó, ông Công đề xuất, trước mắt TPHCM có thể giảm 50% chi phí vòng nhận diện truy xuất để hỗ trợ cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, về lâu dài, khi các địa phương tham gia vào đề án tạo vùng thực phẩm an toàn cho TPHCM thì phải nhận được giá bán tương xứng. Do vậy, trong thời gian tới, các đơn vị tiêu thụ nên đưa chi phí đeo vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc vào giá bán sản phẩm, thay vì để người nuôi phải tự chi trả như hiện nay.