Hệ lụy can thiệp phi thị trường
Thậm chí, đối tượng giải cứu không dừng ở trái dưa, con gà, con vịt, con heo của nhà nông, mà lan đến cả núi than ế của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, lên tới 9,3 triệu tấn.
Hay các doanh nghiệp taxi truyền thống thì “kêu rống”, đề nghị cơ quan chức năng can thiệp dẹp ngay Uber, Grab. Và mới đây là việc 1 doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ cũng xin được giải cứu, khi đề nghị Chính phủ trả nợ thay cho mình… Liệu việc giải cứu nêu trên có đúng bản chất nền kinh tế thị trường? Kinh tế thị trường tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho mọi người, về cơ hội và cả rủi ro, tức cơ hội để thành đạt ngang nhau, và nếu có biến cố việc chịu rủi ro cũng ngang nhau. Trong môi trường đó, ai nhạy bén nắm bắt cơ hội sẽ đi lên, bằng không phải chấp nhận thua thiệt; ai biết lo xa sẽ giữ được thành quả, không đề phòng được rủi ro phải chấp nhận trắng tay.
Vì thế, bản chất kinh tế thị trường là tự điều tiết, tự điều chỉnh. Cùng với đó, các nhà khoa học, cơ quan quản lý hoạch định chính sách phải có dự báo sớm về thị trường, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm; Nhà nước hỗ trợ về cơ chế. Vì vậy việc “người người cùng làm, nhà nhà cùng làm” một sản phẩm, dẫn đến cung vượt cầu là hệ lụy tất yếu, giá bán thấp hơn giá thành là điều tất nhiên. Đặc biệt, quy luật kinh tế thị trường không thể vận hành trơn tru nếu có sự can thiệp phi thị trường. Thử hỏi cùng một mặt hàng tiêu dùng, cùng một mức giá bán nhưng chất lượng hàng ngoại tốt hơn, người tiêu dùng không thể yêu hàng nội được. Chỉ đến khi nào hàng nội và hàng ngoại ngang nhau về giá cả và có cùng chất lượng, người tiêu dùng mới chọn mua hàng nội. Thái độ rõ ràng, rạch ròi của người tiêu dùng được xem là “thuốc đắng dã tật” để doanh nghiệp trong nước phải phấn đấu vươn lên, đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại. Bản chất thị trường là vậy. Việt Nam là thành viên của WTO, cũng như ký kết hàng loạt hiệp định thương mại đa phương và song phương, do vậy phải tuân thủ các cam kết chung. Theo đó, bất cứ đơn vị, tổ chức kinh tế nào cũng phải dựa trên các quy định liên quan để phát triển, nhằm tạo sự minh bạch, công bằng trong cạnh tranh.
Chẳng hạn, thay vì đổ lỗi cho sự xuất hiện của taxi công nghệ để xin giải cứu, taxi truyền thống phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đem lại sự hài lòng cho khách hàng. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tự hoàn thiện chất lượng, dịch vụ và đây chính là đòn bẩy giúp kinh tế phát triển. Hay việc doanh nghiệp cứ thua lỗ lại kêu cứu Chính phủ với những lý do không chính đáng, đã biểu hiện vi phạm Luật Cạnh tranh, không chấp hành quy luật nền kinh tế thị trường ở khía cạnh phát triển công bằng. Trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh là điều không tránh khỏi. Nhưng khi trong xã hội còn những người yếu thế, thiếu vốn không thể tự mình vươn lên nắm bắt cơ hội… Nhà nước cần có chính sách thích hợp giúp họ đối phó với các rủi ro. Song điều này không có nghĩa Nhà nước sẽ đứng ra bảo hộ, can thiệp bằng những mệnh lệnh, hay gọi kêu giải cứu những đơn vị, doanh nghiệp làm ăn bết bát.
Vấn đề đặt ra ở đây là cần tách bạch các chính sách an sinh xã hội để đảm bảo những yếu tố mang tính quy luật thị trường. Một nền kinh tế hội nhập, bước vào cuộc chơi chung của thế giới buộc phải tuân thủ các quy luật cung cầu, nhất là không thể trông chờ vào lòng từ thiện của người tiêu dùng cũng như các cuộc giải cứu. Các mệnh lệnh mang tính hành chính chỉ làm méo mó bản chất thị trường của nền kinh tế.