|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Hé lộ tổng tiền phí giao dịch NĐT trả nửa đầu 2022, công ty chứng khoán nào thu nhiều nhất?

11:23 | 01/08/2022
Chia sẻ
Cùng với cho vay margin, thu phí giao dịch từ nhà đầu tư cũng là một mảng kiếm bộn tiền của các công ty chứng khoán. Câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm đó là các công ty chứng khoán thu về bao nhiêu tiền từ hoạt động này trong bối cảnh thanh khoản thị trường giảm sâu trong quý II.

 Doanh thu từ mảng môi giới của ngành chứng khoán theo quý. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Ngành chứng khoán thu hơn 9.700 tỷ đồng từ hoạt động môi giới nửa đầu năm

Quan sát báo cáo tài chính cho thấy nguồn thu từ hoạt động môi giới đóng góp đáng kể trong cơ cấu doanh thu của các công ty chứng khoán. Sự sụt giảm về thanh khoản trong quý II khiến nguồn thu từ nghiệp vụ này có phần thu hẹp, nhưng vẫn chiếm phần lớn. Tại nhiều đơn vị, đây là mảng thu mang về lợi nhuận lớn nhất trong quý vừa qua.

Đáng nói, hoạt động tự doanh kém sắc khi giao dịch có lãi không còn dễ dàng, việc đánh giá giảm danh mục đầu tư tạo ra khoản lỗ kỹ thuật, đây lại là mảng lãi thực của các công ty chứng khoán cùng với hoạt động cho vay.

Theo dữ liệu mà phóng viên tổng hợp, doanh thu từ hoạt động môi giới của các công ty chứng khoán đạt hơn 9.700 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022. Nguồn thu chủ yếu đến từ phí giao dịch của nhà đầu tư, trong đó phần đông là cá nhân bởi đây là bộ phận tích cực giao dịch nhất hơn 2 năm trở lại đây.

Số tiền thu từ giao dịch của các nhà đầu tư tương đương với khoản lãi margin mà nhà đầu tư đã chi trả cho các công ty chứng khoán. Phân tích chi tiết được thể hiện trong bài viết trước đó.

Trong quý II, doanh thu từ mảng môi giới giảm đáng kể xuống còn hơn 4.100 tỷ đồng, mất 1.500 tỷ đồng so với quý I.

Theo dõi kể từ khi thị trường bùng nổ đầu năm 2020, thu từ hoạt động môi giới của các công ty chứng khoán tăng mạnh theo cấp số nhân từ mức gần 1.100 tỷ đồng quý đầu 2020 lên đỉnh điểm gần 7.100 tỷ đồng vào quý IV/2021. 6 tháng cuối năm 2021, doanh thu từ hoạt động môi giới của ngành chứng khoán vượt ngưỡng nửa tỷ USD, gấp đôi cả năm 2020.

Dòng tiền lớn đổ vào thị trường và tích cực giao dịch, nguồn thu phí của các công ty tăng lên là điều dễ hiểu. Và khi thanh khoản giảm từ ngưỡng trên 1 tỷ USD mỗi phiên xuống khoảng dao động 14.000 – 15.000 tỷ đồng/phiên như hiện nay thì việc giảm thu môi giới cũng là điều tất yếu.

 Doanh thu từ môi giới của 10 CTCK lớn nhất. Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp.

Công ty nào thu phí giao dịch nhiều nhất?

Với từng đơn vị, sự hấp dẫn từ mảng môi giới khi thị trường bùng nổ từng tạo ra cuộc cạnh tranh gay gắt về mức phí giao dịch trong ngành chứng khoán. Song, cho đến thời điểm hiện tại, dường như trật tự đã được thiết lập ở dẫn đầu. Sự thay đổi lớn chủ yếu đến từ những cái tên mới hậu đổi chủ như KS Securities, VPBank Securities, DNSE, TPS…

Nửa đầu 2022, Chứng khoán VPS ghi nhận doanh thu từ hoạt động môi giới 1.667 tỷ đồng, tăng 40,7% so với nửa đầu năm ngoái, nhưng giảm 14,5% so với 6 tháng liền kề trước đó.

Với việc thống trị thị phần môi giới trên cả hai sàn, thị trường UPCoM và giao dịch chứng khoán phái sinh thì VPS thu môi giới lớn nhất khá dễ hiểu. Trong quý II, thu từ mảng môi giới của VPS đạt 715,2 tỷ đồng, giảm 237 tỷ đồng so với quý trước đó.

Một đơn vị khác cũng thu nghìn tỷ từ nghiệp vụ môi giới là Chứng khoán SSI (Mã: SSI). Doanh thu của SSI trong nửa đầu năm nay đạt gần 1.050 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong quý II, thu từ hoạt động môi giới của công ty gần 450 tỷ đồng.

Đứng thứ ba là Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) với doanh thu nửa đầu năm và quý II là 791,3 tỷ đồng và 329,7 tỷ đồng.

Chứng khoán Bản Việt có sự hồi phục trong nghiệp vụ môi giới sau khi mất phần lớn thị phần giai đoạn trước đó. Tổng thu 6 tháng đầu năm 2022 là 661,5 tỷ đồng, tăng 77,5% so cùng kỳ năm ngoái và 36,5% so 6 tháng liền trước. Đây là đơn vị duy nhất trong Top10 đạt được sự tăng trưởng như trên.

Với việc mất dần thị phần, doanh thu môi giới của Chứng khoán HSC (Mã: HCM) nửa đầu năm nay đạt 519 tỷ đồng, giảm 20,8% so với cùng kỳ và thấp hơn 29,41% nửa cuối 2021.

Nhóm công ty thu từ nghiệp vụ môi giới lớn nhất thị trường còn có TCBS, MBS, Mirae Asset (Việt Nam), Tân Việt, MBS. Cũng như các công ty chứng khoán dẫn đầu, các đơn vị này đều chứng kiến sự sụt giảm trong quý II, nhưng vẫn duy trì nguồn thu trên 100 tỷ đồng.

Tuy vậy, như đã đề cập bên trên, sự cạnh tranh lớn trong hoạt động môi giới giữa các công ty dẫn đến việc đơn vị thu nhiều từ môi giới nhưng không đồng nghĩa đó là công ty có biên lợi nhuận cao nhất trong mảng này.

Chiến lược trả lại phí giao dịch cho nhà đầu tư, chiết khấu hoa hồng cao cho nhân viên tư vấn đầu tư, nhân viên môi giới, miễn phí giao dịch… đã bào mòn lớn nhuận của các công ty. Không ít đơn vị rơi vào cảnh “có tiếng nhưng không có miếng” trong mảng này. Bài viết tiếp theo sẽ phân tích sâu hơn về câu chuyện này.

Lợi Hoàng

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.