|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tập trung tự doanh cổ phiếu GEX, TCB và nhóm Bamboo Capital, SHS lỗ hơn 370 tỷ đồng

08:26 | 21/07/2022
Chia sẻ
Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (mã: SHS) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II với mức lỗ sâu nhất trong lịch sử hoạt động. Nguyên nhân chính khiến công ty báo lỗ trước thuế 371 tỷ đồng là hoạt động tự doanh chứng khoán.

 

 Kết quả kinh doanh quý II và tháng 6 của Chứng khoán SHS. Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp.

 

Theo báo cáo tài chính công bố, tổng doanh thu hoạt động của SHS trong quý II là số âm do công ty hạch toán lãi tài các tài sản tài chính FVTPL là âm 309,5 tỷ đồng. Trong đó, chênh lệch tăng đánh giá lại FVTPL là âm 435,9 tỷ đồng. Việc hạch toán như vậy khiến nhà đầu tư đặt câu hỏi SHS đang tự doanh những cổ phiếu nào dẫn đến danh mục lỗ như vậy.

Tại ngày 30/6, danh mục tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ của Chứng khoán SHS có giá gốc và giá trị thị trường là 3.616,8 tỷ đồng với giá trị hợp lý là 3.643 tỷ đồng. Tài sản tài chính sẵn sáng để bán (AFS) có giá trị ghi sổ và thị trường là 1.145 tỷ đồng và 1.101 tỷ đồng.

 

 Danh mục tự doanh của Chứng khoán SHS. Nguồn: BCTC.

 

Với danh mục FVTPL, cổ phiếu và trái phiếu có quy mô tương đương, trong đó giá mua trái phiếu (1.990 tỷ đồng) và cổ phiếu (1.626) tỷ đồng. Những mã chứng khoán trong danh mục FVTPL là GEX, TCB, PET, PMC, SIP và các cổ phiếu khác. Những mã được đánh giá chênh lệch tăng trong quý II là TCB, PET, PMC trong khi GEX, SIP giảm giá so với cuối quý trước.

Danh mục trái phiếu của SHS chủ yếu là các trái phiếu chưa niêm yết. Trong dó trái phiếu của nhóm Bamboo Capital là gần 560 tỷ đồng. Những trái phiếu khác có giá trị hơn 1.129 tỷ đồng không được thuyết minh cụ thể.

Về phần danh mục AFS, công ty đang nắm giữ hàng trăm tỷ đồng các mã SHB, BCG, TCD, GEX, TCB. Đây là danh mục bị đánh giá giảm hơn 300 tỷ đồng trong kỳ. Ngoài SHB, các mã còn lại đều bị đánh giá giảm.

Đó là danh mục đang nắm giữ, trong quý II Chứng khoán SHS đã bán ra hơn 18,7 triệu cổ phiếu niêm yết và chịu mức lỗ 45,3 tỷ đồng. Trong khi đó, việc bán ra gần 5.500 tỷ đồng trái phiếu đem về khoản lãi 63 tỷ đồng.

Về phần các hoạt động kinh doanh khác, nguồn thu từ cbo vay trong quý II của SHS hạch toán 137 tỷ đồng, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Khi thanh khoản của thị trường lao dốc, thu từ hoạt động môi giới cũng giảm 41,8% xuống còn 84,7 tỷ đồng.

Việc lỗ đậm trong hoạt động tự doanh đi cùng sự suy giảm về nguồn thu từ cho vay margin, phí giao dịch là tình trạng chung của nhiều công ty trong ngành. Hệ quả nhiều công ty báo mức lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động như TPS, Rồng Việt, và SHS không phải ngoại lệ.

Kết quả là, Chứng khoán SHS báo lãi trước thuế và sau thuế trong quý II lần lượt là 518,1 tỷ đồng và 416 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế và sau thuế là 1.375,6 tỷ đồng và 1.100,1 tỷ đồng, tăng lần lượt 11,7% và 10,9% so với 6 tháng đầu năm 2021.

 Quy mô cho vay margin của Chứng khoán SHS. Nguồn: Thu Hà tổng hợp.

Thông tin về quy mô, tại ngày 30/6, tổng tài sản của Chứng khoán SHS là 11.203 tỷ đồng, tăng nhẹ so với quy mô 10.911 tỷ đồng đầu năm. Cùng xu hướng với nhiều công ty chứng khoán lớn trên thị trường, quy mô cho vay ký quỹ của công ty điều chỉnh giảm trong quý II xuống còn 2.632 tỷ đồng. Quy mô này giảm 2.231 tỷ đồng so với đầu năm. 

Bên kia bảng cân đối kế toán, quy mô vay ngắn hạn của SHS giảm mạnh trong quý II khi công ty không còn sử dụng nguồn vay từ Ngân hàng SHB. Thời điểm đầu năm, dư nợ vay ngân hàng của SHS là 2.748 tỷ đồng, trong đó vay SHB là 1.848 tỷ đồng với lãi suất 5 – 8,5%.

Hoàng Linh