|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường không còn thuận lợi nhưng TCBS, VNDirect, SSI vẫn kiếm hơn nghìn tỷ nửa đầu năm, nhóm lãi lỗ đậm nhất còn có cái tên nào?

15:00 | 29/07/2022
Chia sẻ
Ngành chứng khoán tưởng chừng có một năm thuận lợi khi khởi đầu với kết quả tích cực quý đầu năm. Nhưng đợt điều chỉnh trong quý thứ hai khiến nhiều công ty chuyển trạng thái từ lãi sang lỗ đậm do đánh giá giảm danh mục tự doanh.

Thống kê từ 73 công ty chứng khoán, tổng lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm nay là 10.540 tỷ đồng, giảm so với quy mô gần 13.670 tỷ đồng nửa đầu năm 2021. Việc nhiều công ty báo lỗ trong quý II dẫn đến sự suy giảm trên.

Tại nhóm công ty chứng khoán lớn, mặc dù giữ được đà tăng trưởng nhưng tốc độ có phần chậm lại so với giai đoạn trước đó. Nếu so sánh, tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận ở các công ty chứng khoán thấp hơn đáng kể mức tăng vốn của các công ty hay một số trường hợp tăng trưởng đột biến không đến từ các nghiệp vụ cốt lõi.

Hơn nữa, sự tăng trưởng của các công ty trong ngành trong nửa đầu năm nay là hệ quả của quý I. Bóc tách riêng quý II, bức tranh kinh doanh lại không mấy sáng sủa như đề cập trong bài viết trước đó.

Ghi nhận tại 10 đơn vị có lợi nhuận cao nhất ngành, có 3 đơn vị tăng trưởng âm trong khi ba công ty dẫn đầu đều có sự có mức lãi cao hơn so với cùng kỳ. 

 10 công ty chứng khoán có lợi nhuận trước thuế cao nhất nửa đầu 2022. Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp.

Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) tiếp tục là công ty chứng khoán có lợi nhuận trước thuế cao nhất trong nửa đầu năm nay, đạt 2.007 tỷ đồng, tăng 8,9% so với nửa đầu năm 2021. Chứng khoán VNDirect (mã: VND, công ty mẹ) và Chứng khoán SSI (mã: SSI, công ty mẹ) ghi nhận lợi nhuận trước thuế là 1.603 tỷ đồng và 1.376 tỷ đồng, tăng lần lượt 41,13% và 11,68%.

Cũng như nửa đầu năm ngoái, đây là ba công ty chứng khoán có lợi nhuận nghìn tỷ trên thị trường. Tổng số lãi của TCBS, SSI, VNDirect chiếm hơn 47% lợi nhuận của cả ngành chứng khoán.

Chứng khoán HSC (Mã: HCM) báo cáo lợi nhuận sụt giảm 6,78%, xuống còn 702,6 tỷ đồng. Một công ty có thị phần môi giới lớn nhất là VPS ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng gần 30% lên gần 583 tỷ đồng.

Tại nhóm công ty chứng khoán ngoại, Mirae Asset có lợi nhuận cao nhất, đạt 579,4 tỷ đồng, tăng trưởng 36%. Chứng khoán KB cũng ghi nhận sự mức tăng 34% nửa đầu năm nay, báo lãi trước thuế gần 200 tỷ đồng.

Những công ty chứng khoán ngoại khác cũng có sự tăng trưởng như Maybank, Yuanta Việt Nam, Shinhan, trong khi đó các đơn vị khác lại đi lùi do tác động từ mảng tự doanh như KIS Việt Nam, Goutai Junan (Việt Nam).

Trở lại trong nhóm tư nhân, hai công ty nằm trong Top10 có VIX và FPTS báo lãi thấp hơn so với nửa đầu năm ngoái. Những công ty có quy mô lợi nhuận trên 100 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm có một số cái tên như MBS, Tân Việt, Smart Invest, Everest, HDBS, VCBS, TPBS và Asean.

KS Securities và Smart Invest có sự tăng trưởng đột biến về lợi nhuận. Sau khi đổi chủ về nhóm Sunshine, Chứng khoán KS ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 248 tỷ đồng, gấp 7 lần nửa đầu năm ngoái.

Một công ty khác cũng khởi sắc sau khi đổi chủ là VPBank Securities với mức lãi 92,6 tỷ đồng, gấp 26 lần khi công ty còn hoạt động với cái tên cũ là Chứng khoán ASC.

 10 công ty chứng khoán lỗ đậm nhất nửa đầu năm. Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp.

Không còn đua nhau báo lãi đột biến như thời gian trước, câu chuyện chủ đạo của ngành chứng khoán trong quý II là các đơn vị thua lỗ bao nhiêu. Thậm chí lợi nhuận của quý I chỉ đủ bù đắp một phần số lỗ của quý thứ hai.

Thống kê cho thấy có 14 công ty báo lỗ, trong khi nửa đầu năm 2021 có 9 đơn vị. Đáng nói nếu như nửa đầu năm trước các đơn vị chỉ báo lỗ nhẹ dưới 5 tỷ đồng. Sang đến năm nay các con số có phần tiêu cực hơn với tổng mức lỗ của các đơn vị lên đến hơn 800 tỷ đồng.

Chứng khoán APEC (Mã: APS) dẫn đầu về mức lỗ trước thuế trong ngành với gần 384 tỷ đồng. Chứng khoán Rồng Việt (Mã: VDS) báo lỗ hơn 136 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 310 tỷ đồng.

Các đơn vị chuyển từ lãi đột biến sang lỗ còn có Chứng khoán Bảo Minh (Mã: BMS), Thiên Việt (Mã: TVS), Chứng khoán Hải Phòng (Mã: HAC), Chứng khoán Funan, Chứng khoán Beta. Mức lỗ của các công ty trong khoảng 10 – 70 tỷ đồng.

Lợi Hoàng