|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Hé lộ thương vụ đại gia Singapore quản lí quĩ gần 600.000 tỉ đồng sắp thâu tóm VAM Vietnam Fund Management

16:58 | 03/12/2019
Chia sẻ
Với tiềm lực mạnh, tài sản đang quản lí 35,1 tỉ đô la Singapore (tương đương 597.168 tỉ đồng), UOB Asset Management "mạnh tay" chi gần 114 tỉ đồng mua lại Quản lý quỹ VAM Việt Nam khi công ty này đang thua lỗ.

UOB Asset Management thâu tóm công ty quản lí quĩ Việt Nam

Thông tin mới nhất, Công ty Quản lí tài sản UOB (UOB Asset Management) – công ty con của United Overseas Bank (UOB) muốn chi 113,68 tỉ đồng (tương đương 6,7 triệu Đô la Singapore) để mua cổ phần của Công ty Cổ phần Quản lý quỹ VAM Việt Nam (VAM Vietnam Fund Management JSC).

Quản lý quỹ VAM Việt Nam tiền thân là CTCP Quản lý quỹ đầu tư VIPC được thành lập năm 2009. Vốn điều lệ của công ty hiện là 46 tỉ đồng.

Theo công bố, việc mua cổ phần tại Quản lý quỹ VAM Việt Nam được tiến hành trong hai đợt.

Trong đợt đầu, UOB Asset Management kí thỏa thuận mua 1,13 triệu cổ phần phổ thông trong đợt đầu từ cá nhân ông Nguyễn Xuân Minh tại Quản lý quỹ VAM Việt Nam, tương đương 24,53% vốn điều lệ công ty. Việc mua cổ phần dựa trên qui định tại Việt Nam và Singapore.

Sau khi được phê duyệt, UOB Asset Management mua thêm 3,47 triệu cổ phần của Quản lý quỹ VAM Việt Nam, tương đương 75,47% vốn điều lệ từ các cổ đông còn lại.

Sau thương vụ này, Quản lý quỹ VAM Việt Nam sẽ trở thành công ty con của UOB Asset Management.

Thông tin thêm, thương vụ thâu tóm Quản lý quỹ VAM Việt Nam được thực hiện bằng nguồn lực tài chính của UOB Asset Management. Giá trị thương vụ 113,68 tỉ đồng bao gồm vốn, giá trị tài sản ròng và tài sản thuộc quyền quản lí của Quản lý quỹ VAM Việt Nam.

Tại ngày 31/10, giá trị tài sản ròng của Quản lý quỹ VAM Việt Nam đạt khoảng 26 tỉ đồng và tài sản dưới quyền quản lý (AuM) khoảng 114 tỉ đồng.

A12

Tiềm lực tài chính lớn của UOB Asset Management

Theo đánh giá, việc thâu tóm Quản lý quỹ VAM Việt Nam không có tác động lớn đến lợi nhuận hoặc tài sản hữu hình của UOB. Việc mua lại sẽ tăng cường hình ảnh của UOB Asset Management  tại thị trường châu Á, phù hợp với kế hoạch của công ty.

Về UOB Asset Management, đây là công ty quản lí quĩ được thành lập năm 1986 có trụ sở tại Singapore và hoạt động tại hàng loạt thị trường tài chính châu Á như Malaysia, Thái Lan, Brunei, Nhật Bản, Đài Loan và Trung Quốc. 

Trước thương vụ mua công ty quản lí quĩ tại Việt Nam, trong tháng 9 năm nay, UOB Asset Management đã hoàn tất việc mua 75% cổ phần của PT PG Asset Management (PGAM) của Indonesia. Theo đó, mạng lưới của UOB Asset Management đã mở rộng ra hầu hết các quốc gia ASEAN và Đông Á.

Tính đến ngày 31/12/2018, tổng tài sản thuộc quyền quản lí của UOB Asset Management (bao gồm các công ty con) đạt 35,1 tỉ đô la Singapore (tương đương 597.168 tỉ đồng).

A

Các kênh đầu tư của UOB Asset Management. Nguồn: Website công ty

Về danh mục, ngoài cổ phiếu, kênh đầu tư của UOB Asset Management rất đa dạng, với việc phân bổ vào một số tài sản khác như trái phiếu, bất động sản, tiền tệ, đầu tư mạo hiểm và ETF. 

UOB Asset Management đang là đơn vị quản lí United SSE 50 China ETF với quy mô tổng tài sản khoảng 27,1 triệu đô la Singapore. Đây là ETF được UOB Asset Management vận hành từ năm 2009.

Ngày 17/6, UOB Asset Management ra mắt United Global Innovation Fund (UGIF) để cung cấp sản phẩm cho nhà đầu tư cá nhân đầu tư vào các doanh nghiệp sáng tạo với qui mô vốn hóa khác nhau tại các thị trường.

Quản lý quỹ VAM Việt Nam kinh doanh ra sao trước khi bị thâu tóm

Theo dõi kết quả kinh doanh của Quản lý quỹ VAM Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy tín hiệu không mấy khả quan. 

A111

Nguồn: Phan Quân tổng hợp

Từ năm 2016 đến nay, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Quản lý quỹ VAM Việt Nam liên tục sụt giảm. Cụ thể, năm 2016 doanh thu đạt 14,6 tỉ đồng và lãi sau thuế 2 tỉ đồng, giảm xuống còn 7,7 tỉ đồng doanh thu và 85 triệu đồng lãi sau thuế năm ngoái.

Thông tin trên báo cáo tài chính, trong 3 quí đầu năm nay, công ty tiếp tục kinh doanh không mấy khả quan với doanh thu 2,07 tỉ đồng trong khi cùng kì năm ngoái là 5,92 tỉ đồng. Đáng chú ý, công ty báo lỗ 2,06 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm nay.

Với kết quả kém khởi sắc trong 3 quí đầu năm nay, lỗ lũy kế của Quản lý quỹ VAM Việt Nam tăng lên 20,2 tỉ đồng tính đến 30/9.

AAM

Quản lý quỹ VAM Việt Nam bị rút ròng mạnh trước thời điểm bị UOB Asset Management thâu tóm. Nguồn: BCTC của Quản lý quỹ VAM Việt Nam

Song song với hiệu suất đầu tư không mấy tích cực, Quản lý quỹ VAM Việt Nam bị rút ròng mạnh kể từ đầu năm 2019. Giá trị danh mục đầu tư của nhà ủy thác (nước ngoài) gồm cổ phiếu và trái phiếu giảm xuống từ 377,85 tỉ đồng đầu năm xuống còn 73,2 tỉ đồng tại ngày 30/9.

Trong đó, giá trị cổ phiếu niêm yết là 31 tỉ đồng, giảm mạnh so với mức 270 tỉ đồng đầu kì. Danh mục cổ phiếu hiện tại của Quản lý quỹ VAM Việt Nam tập trung vào một số cổ phiếu như AST, VNM, PPC, HDB, PVS, VHC, DXG và DRC.

1

Vietnam Emergin Market Fund SICAV rút ròng 28 tỉ đồng tại Quản lý quỹ VAM Việt Nam kể từ đầu năm. Nguồn

Lí lịch "khủng" của Chủ tịch Quản lý quỹ VAM Việt Nam

Về đội ngũ quản trị của công ty, ông Nguyễn Xuân Minh giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Quản lý quỹ VAM Việt Nam. Ông Nguyễn Xuân Tùng và ông Nguyễn Xuân Hùng với là thành viên HĐQT.

A21

Ông Nguyễn Xuân Minh

Với "deal" bán công ty khủng cho đối tác đến từ Singapore trong bối cảnh công ty quản lí quỹ đang thua lỗ, nhiều nhà đầu tư không khỏi tò mò về ông chủ của Quản lý quỹ VAM Việt Nam.

Trong giới tài chính, ông Minh được biết đến với vị một lí lịch khủng với nhiều vị trí cấp cao đã từng đảm nhiệm như Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Chứng khoán Kỹ thương - Techcom Securities (TCBS), Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (Mã: NVT), Thành viên Hội đồng Quản trị Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP.

Trước đó, ông Nguyễn Xuân Minh từng có kinh nghiệm quản lý quĩ đầu tư tại Công ty Franklin Templeton Investments. Tại Franklin Templeton Investments, ông Minh tham gia hội đồng quản lí một số quĩ đầu tư chứng khoán đại chúng và riêng lẻ tại các thị trường trong khu vực.

Với kinh nghiệm lâu năm, thương vụ bán công ty cho công ty con của UOB trong bối cảnh đang thua lỗ cũng phần nào cho thấy khả năng tài chính của "ông chủ" Quản lý quỹ VAM Việt Nam.

Phan Quân

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.