|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán SHS lãi đậm nhờ gom đúng sóng cổ phiếu VRC

14:33 | 03/12/2019
Chia sẻ
Cổ phiếu VRC đã chứng kiến nhịp tăng giá hơn 50% sau khi Chứng khoán SHS gom thêm khối lượng lớn vào tháng 8 - 9/2019, theo đó mang lại khoản lãi đậm cho CTCK này.

Dấu ấn con sóng cổ phiếu VRC với mức tăng gần 55% trong hơn một tháng

Tháng 11 vừa qua, thị trường chứng khoán chứng kiến xu hướng tiêu cực với áp lực bán đến từ cả khối ngoại và tự doanh các công ty chứng khoán. Sau khi lập đỉnh 1.24,9 điểm vào phiên 6/11, VN-Index liên tục lao dốc đến phiên 2/12 còn 959,3 điểm, tương ứng giảm 6,4%.

Dù vậy, trong bối cảnh thị trường chung lao dốc, nhiều cổ phiếu vẫn ngược dòng bứt phá. Trong đó, cổ phiếu VRC của CTCP Bất động sản và Đầu tư VRC đang thu hút sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư trong thời gian gầy đây với nhịp tăng gần 55%, trở thành một trong những mã tăng mạnh nhất thị trường trong tháng 11.

vni

Cổ phiếu VRC ghi nhận lợi suất vượt trội so với VN-Index trong 3 tháng gần đây. Đặc biệt, kể từ đầu tháng 11, trong khi VN-Index lao dốc thì cổ phiếu này vẫn ghi nhận mức tăng gần 55% từ quanh 15.000 đồng/cp lên hơn 23.000 đồng/cp. Nguồn: VNDirect.

Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2019, cổ phiếu VRC nằm trong xu hướng giảm giá từ mức trên 18.000 đồng/cp về đáy thấp nhất 14.000 đồng/cp phiên 1/8, cùng với đó thanh khoản cũng cạn dần với khối lượng giao dịch chỉ vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên.

Giai đoạn tiếp theo, cổ phiếu VRC dao động lình xình tại vùng đáy quanh 15.000 - 16.000 đồng/cp đến cuối tháng 10. Đây cũng là thời điểm VRC công bố kết quả kinh doanh quí III/2019 kém khả quan khi lợi nhuận sau thuế giảm tới 99% so với cùng kì năm trước, từ 115,4 tỉ đồng xuống còn vỏn vẹn 1,1 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đến phiên 24/10, cổ phiếu VRC bất ngờ bật tăng kịch trần (7%) từ 15.000 đồng/cp lên 16.050 đồng/cp, thanh khoản cũng tăng đột biến với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 1 triệu đơn vị, cao gấp 5 lần so với khối lượng trung bình trong 3 tháng trước đó.

Bắt đầu từ phiên giao dịch này, cổ phiếu VRC ghi nhận chuỗi bứt phá trong hơn một tháng với nhiều phiên tăng giá hơn 4%, trong đó có phiên tăng trần 5/11.

Thậm chí sau thông tin bị CTCP Chứng khoán VPS cắt margin vào ngày 29/11, cổ phiếu này cũng chỉ điều chỉnh nhẹ trong phiên sáng rồi sau đó vẫn tăng 2,68% lên 23.000 đồng/cp.

Đến thời điểm hiện tại, kết phiên giao dịch 2/12, cổ phiếu VRC đóng cửa tại 23.200 đồng, tăng 54,7% so với đáy 15.000 đồng vào cuối tháng 10.

Song song với đó, việc tăng giá mạnh trong bối cảnh thị trường chung diễn biến tiêu cực khiến cổ phiếu này thu hút mạnh dòng tiền, với khối lượng giao dịch đạt trung bình hơn 700.000 đơn vị mỗi phiên, cao gấp 3 lần giai đoạn trước đó, đặc biệt có nhiều phiên thanh khoản lên tới hơn 1 triệu đơn vị.

vrc1

Diễn biến cổ phiếu VRC kể từ đầu năm 2019. Nguồn: VNDirect.

Chứng khoán SHS thắng đậm khi mua đúng sóng cổ phiếu VRC

"Con sóng VRC" đã mang lại lợi suất đang mơ ước cho nhiều nhà đầu tư khi đã mua đúng nhịp tăng giá, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chung không có quá nhiều cơ hội.

Trong đó, một trong những cổ đông vui mừng nhất phải kể đến là CTCP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (Mã: SHS) khi đã gom vào khối lượng lớn cổ phiếu VRC tại vùng giá thấp nhất kể từ đầu năm.

Ngày 26/7/2019, danh sách cổ đông lớn của VRC chính thức cái tên Chứng khoán SHS sau khi  mua vào 70.000 cổ phiếu VRC, nâng tổng số lượng sở hữu lên 2,5 triệu cp, tương ứng tỉ lệ sở hữu 5,05%.

Sau đó, đến ngày 29/8 SHS mua tiếp 1 triệu cổ phiếu VRC và hoàn tất thương vụ với việc mua thêm 1,7 triệu cổ phiếu vào ngày 6/9. Sau các giao dịch, SHS hiện nắm giữ 5,3 triệu cổ phiếu VRC, đồng thời là cổ đông lớn nhất với tỉ lệ 10,66% (theo các số liệu công bố chính thức).

shs

Chứng khoán SHS đã gom cổ phiếu VRC tại vùng đáy quanh 15.000 đồng/cp, trước khi cổ phiếu này chứng kiến nhịp tăng gần 55% lên 23.200 đồng/cp. Nguồn: VNDirect.

Trước đó, SHS đã từng là cổ đông chiến lược tại VRC từ trước năm 2017 khi Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Tiến của SHS (khi đó là thành viên HĐQT SHS) còn là thành viên HĐQT độc lập của VRC.

Tuy nhiên, sau đó SHS đã thoái toàn bộ vốn khỏi VRC vào tháng 11/2016, đến tháng 1/2017 ông Tiến cũng rút khỏi ban quản trị của doanh nghiệp này.

Dưới thời đó, VRC chứng kiến tăng trưởng vượt bậc. Cụ thể, từ mức lỗ 5,7 tỉ đồng năm 2015, đến năm 2016 doanh nghiệp đã có lãi trở lại với 2,2 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Sau đó, VRC tiếp tục duy trì kinh doanh khởi sắc với lãi năm 2017 đạt 77,1 tỉ đồng và năm 2018 tăng lên đến 280 tỉ đồng.

Sự trở lại của SHS được cho rằng sẽ tiếp tục mang đến làn gió mới cho VRC, theo đó có thể là động lực đáng kể giúp cho cổ phiếu doanh này bứt phá trong thời gian vừa qua.

Về phần SHS, hiện chưa rõ CTCK này bắt đầu mua lại cổ phiếu VRC từ thời điểm nào, tuy nhiên với khối lượng cổ phiếu mới gom thêm tại đúng vùng đáy trước khi cổ phiếu VRC dậy sóng, SHS cũng tạm thu về khoản lãi đậm trên số cổ phần mới mua thêm này.

Phiên giao dịch 26/7, cổ phiếu VRC chỉ xuất hiện giao dịch khớp lệnh tại mức giá 14.850 đồng/cp và không có giao dịch thỏa thuận, theo đó 70.000 cp VRC mua trong phiên có giá gốc 1,04 tỉ đồng.

Trong hai phiên gom sau đó (29/8 và 6/9), SHS mua cổ phiếu VRC qua phướng thức thỏa thuận với giá trị lần lượt 15,6 tỉ đồng và 26,35 tỉ đồng. Như vậy, tổng giá trị gốc của số lượng cổ phiếu gom thêm ở mức gần 43 tỉ đồng.

Đến hết phiên 2/12, cổ phiếu VRC đóng cửa tại 23.200 đồng/cp, với mức giá này số cổ phần của SHS tại VRC đang có giá trị gần 124 tỉ đồng. Trong đó, tính riêng số lượng 2,77 triệu cổ phiếu mới mua thêm có giá trị 64,3 tỉ đồng.

Như vậy, số cổ phần mua mới của SHS đã tạm mang lại cho CTCK này mức lợi nhuận gấp rưỡi chỉ sau 3 tháng gom thêm.

Sơn Tùng