|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chủ tịch DIC Corp hé lộ lý do Him Lam thoái vốn

21:25 | 09/05/2022
Chia sẻ
Tính từ đầu năm đến nay, Him Lam đã bán gần 40 triệu cp DIG của DIC Corp và chính thức không còn là cổ đông lớn vào ngày 27/4 vừa qua.

Đầu tháng 12/2020, Him Lam Land (CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam) mua 67,69 triệu cổ phiếu DIG , qua đó trở thành cổ đông lớn nhất của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, Mã: DIG) với tỷ lệ sở hữu 21,5%. Thương vụ được ước tính có giá trị khoảng 1.455 tỷ đồng.

Từ cuối tháng 8/2021, thị trường đón nhận thông tin DIC Corp mong muốn hợp tác  với CTCP Him Lam phát triển khu đô thị mới ở Vũng Tàu. Đây được xem là giải pháp giảm áp lực về nguồn vốn cho DIC Corp vào thời điểm đó bởi “việc hợp tác với Him Lam sẽ tạo điều kiện cho hai bên sử dụng tối ưu lợi thế, cùng phát triển nhanh, mạnh hơn các dự án chiến lược của DIC Corp” như chia sẻ của Tổng giám đốc DIC Corp Hoàng Văn Tăng.

Tuy nhiên, kể từ đầu năm đến nay, Him Lam liên tục thoái vốn tại DIC Corp và đã bán tổng cộng gần 40 triệu cp DIG, chính thức không còn là cổ đông lớn vào ngày 27/4 vừa qua sau khi bán tiếp hơn 4,3 triệu cp, giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,8% xuống còn 4,9%.

Động thái này của Him Lam thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư và cổ đông DIC Corp cũng bày tỏ lo ngại tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 diễn ra vào ngày 22/4 vừa qua. “Him Lam liên tục thoái vốn, cứ bán hoài bán hoài, công ty có kế hoạch thay đổi cổ đông lớn không?”, một cổ đông đặt câu hỏi.

 Diễn biến giá cổ phiếu DIG. (Nguồn: TrandingView).

Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch DIC Corp Nguyễn Hùng Cường, Him Lam đã vào với DIC cách đây khá lâu. Theo định hướng ban đầu, hai bên đặt ra nhiều kế hoạch phát triển lâu dài cùng nhau.

“Tuy nhiên, vừa rồi có rất nhiều biến động trên thị trường như thông tin liên quan đến đấu giá đất đai, một số lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt,.... Có thể phía Him Lam cần thay đổi định hướng theo mục tiêu của họ.

Thật sự tôi và Chủ tịch cũng liên hệ hàng ngày với Him Lam, yêu cầu họ không có động thái làm áp lực quá đến cổ phiếu DIG, chứ thật ra nếu họ làm căng thì có khi cổ phiếu còn đi sâu hơn nữa.

Mấy hôm vừa rồi, kể cả 21 và 22/4 (thời điểm diễn ra ĐHĐCĐ DIC Corp), chúng tôi đã đề nghị Him Lam không được bán ra nữa. Họ cũng thừa nhận rằng việc làm của họ có ảnh hưởng đến lợi ích của các cổ đông khác. Họ xin lỗi và cam kết tạm dừng, không bán nữa trong thời gian tới cho thị trường ổn định lại”, Phó Chủ tịch DIC Corp chia sẻ.

Ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT DIC Corp, cũng chia sẻ thêm, tính đến ngày 21/4, cổ đông Him Lam đã bán ra tổng cộng 24 triệu cp DIG.

“Khi Him Lam trao đổi với chúng tôi, họ cũng chia sẻ có cái khó xử của họ. Thực tế, Him Lam rất giàu có và mạnh nhưng cũng có những khó khăn nhất thời. Có thời điểm họ cần tiền gấp thì chỉ có cách giải phóng cổ phiếu DIG ra mới nhanh được. Đây là phương án của họ.

Him Lam cũng xin phép tôi không làm cổ đông lâu dài của DIC Corp nữa, họ sẽ bán hết 52 triệu cp trong thời gian sớm nhất. Chúng tôi đang kỳ vọng Him Lam sẽ có lộ trình thoái vốn khác đi. Có thể chúng ta sẽ bàn lại với họ mua lại một phần với giá thỏa thuận để tránh ảnh hưởng trực tiếp đến các cổ đông khác trong ngắn hạn”, Chủ tịch DIC Corp chia sẻ.

Nói thêm về giải pháp cho đà giảm sâu của cổ phiếu DIG trong thời gian gần đây, lãnh đạo cho biết trước mắt doanh nghiệp sẽ xem xét đến một số phương án.

Thứ nhất, HĐQT sẽ xem xét việc mua lại cổ phiếu quỹ khi doanh nghiệp có nguồn thu tốt. Theo dự kiến từ đây đến cuối năm, DIC Corp sẽ có dòng tiền 6.000-10.000 tỷ đồng và nếu thực tế đạt được, doanh nghiệp dự chi 1.000-2.000 tỷ đồng để làm việc này.

“Khi có tiền tươi thóc thật trong tài khoản, chúng tôi sẽ bàn đến việc này, có thể tại ĐHĐCĐ bất thường”, Tổng Giám đốc DIC Corp nói.

Thứ hai, Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn và gia đình sẽ mua thêm cổ phiếu DIG; đồng thời kêu gọi thêm cổ đông hiện hữu tăng tỷ lệ sở hữu.

Thứ ba, DIC Corp sẽ tìm kiếm thêm đối tác có năng lực tài chính, có thể thay thế cho Him Lam.

“Về vấn đề cứu giá, thật ra chúng tôi cũng không biết được đến thời điểm nào thì nên cứu vì cổ đông người thì vào lúc này, người thì vào lúc kia. Về nguyên tắc, những gì chúng tôi cam kết với cổ đông tại ĐHĐCĐ tuyệt đối phải làm bằng được để cổ đông yên tâm về sự phát triển của tập đoàn.

Thật sự nếu thấy giá cổ phiếu biến động bất thường quá thì chúng tôi sẽ tìm cách, ví dụ như xem xét việc mua cổ phiếu quỹ như Chủ tịch vừa chia sẻ”, Phó Chủ tịch DIC Corp thông tin đến cổ đông.

Nguyên Ngọc

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.