Him Lam trở thành cổ đông lớn của Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SGN)
CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) vừa thông báo đã mua thành công gần 2,56 triệu cổ phiếu SGN trong phiên 1/6, tương ứng với 7,6% vốn điều lệ của CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn. Trước đó Him Lam Land chưa nắm cổ phiếu SGN nào.
Ghi nhận phiên 1/6, cổ phiếu SGN không ghi nhận bất kỳ giao dịch khớp lệnh hay thỏa thuận nào. Như vậy nhiều khả năng Him Lam Land đã nhận chuyển nhượng cổ phần mà không thông qua giao dịch khớp lệnh trên sàn.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SGN có thanh khoản thấp. Tạm tính với thị giá SGN chốt phiên 1/6 là 74.000 đồng/cp, ước tính Him Lam Land có thể đã bỏ ra gần 190 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn của SGN.
SGN được thành lập từ năm 2004 và cổ phần hóa vào năm 2014 với 2 mảng hoạt động chính: dịch vụ hàng không và dịch vụ phi hàng không. Dịch vụ hàng không chiếm 95% doanh thu của SGN, bao gồm các dịch vụ chính như phục vụ hành khách (làm thủ tục, quầy soát vé…), sân đỗ (làm vệ sinh, cung cấp nước sạch…), hành lý, cân bằng trọng tải, phục vụ khách thương gia,...
Tại ngày 31/3/2023, cổ đông lớn nhất tại SGN là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV) với tỷ lệ nắm giữ hơn 48%, kế đến là Chứng khoán SSI, Vietjet (Mã: VJC) và CTCP Đầu tư Khai thác Cảng (IMPCorp).
Trong diễn biến khác, tháng 3/2023, Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân từng cho biết vào thời điểm cam go nhất và lúc nhân sự biến động, Him Lam đã cho Bamboo Airways vay 8.000 tỷ đồng. Ông Dương Công Minh, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Him Lam cũng là người giữ vai trò cố vấn cấp cao tại Bamboo Airways từ tháng 8/2022.
Phía hãng hàng không này cũng xác nhận hãng đang trong giai đoạn đàm phán, hoàn thành một phần thủ tục với nhà đầu tư mới. Thị trường đồn đoán rằng, Him Lam có thể là người thế chân nhóm của ông Trịnh Văn Quyết tại Bamboo Airways.
Như vậy, sự kiện trở thành cổ đông lớn tại SGN và bóng dáng của Him Lam tại Bamboo Airways nói trên đã đánh dấu sự hiện diện mới của đại gia bất động sản này trong lĩnh vực hàng không.
Quý I vừa qua, ngành hàng không, dịch vụ hàng không, du lịch, khách sạn nổi lên như một điểm sáng giữa bức tranh kinh tế ảm đạm với kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Trong đó, SGN báo cáo doanh thu thuần đạt 329 tỷ đồng, lãi sau thuế 56 tỷ, tăng lần lượt 96% và 100% so với cùng kỳ.
Theo các chuyên gia, sự phục hồi của ngành hành không sẽ bùng nổ vào kỳ nghỉ hè năm 2023 (quý II - III), với lượng hành khách đạt đỉnh vượt thời kỳ trước COVID ở một số điểm.