|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuyên gia Đào Phúc Tường: Chứng khoán Việt Nam đang đắt, cổ phiếu ngân hàng không còn hấp dẫn

09:05 | 18/05/2023
Chia sẻ
Vị chuyên gia cho biết khi đầu tư vào thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài thường mua vào những cổ phiếu lớn như cổ phiếu ngân hàng, có thể thấy sau giai đoạn tự đẩy giá lên thì nay định giá cổ phiếu ngân hàng đã đến giai đoạn không còn hấp dẫn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đắt

Trong chương trình Bí mật đồng tiền diễn ra trưa ngày 17/5, ông Đào Phúc Tường, một chuyên gia chứng khoán với kinh nghiệm 17 năm trên thị trường, đánh giá rằng thị trường hiện đang đắt trong bối cảnh cơ hội ít hơn rủi ro. khối tài chính, cụ thể với ngành ngân hàng, định giá P/B hiện khoảng 1,4 – 1,5 lần, vị chuyên gia cho rằng đây không hẳn là mức cao nhưng bức tranh phía trước của ngành ngân hàng lại mang một màu xám.

Cụ thể trong năm 2023, tăng trưởng tín dụng sẽ rất khó khăn khiến biên lợi nhuận NIM ngân hàng giảm, các trụ chính liên quan đến thu phí của ngân hàng cũng sẽ giảm. Đặc biệt, thông qua báo cáo tài chính quý I của các ngân hàng có thể thấy định giá tài sản chung bên ngoài thị trường đi xuống nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu ngân hàng lại giảm.

"Điều này cho thấy ngân hàng đang co kéo để có được tăng trưởng lợi nhuận tốt trong quý I vừa rồi, nếu tình hình không có tiến triển trong quý II, III thì tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ nằm trong vùng rủi ro.

Ở khối phi tài chính, với mức định giá P/E 15 – 16 lần, trụ chính của khối này liên quan đến bất động sản, các hàng hoá cơ bản,... Đây là những doanh nghiệp có nền lợi nhuận quý I, II thậm chí quý III năm ngoái rất cao. Đến quý II, III năm nay, dự báo P/E sẽ lên 18 – 20 lần, một nhóm ngành chưa nhìn thấy đầu ra với mức định giá này là không hợp lý.", ông Tường đưa ra lời nhận định.

Ông Đào Phúc Tường chia sẻ trong chương trình. (Ảnh chụp màn hình).

Bất động sản công nghiệp sẽ phân hóa trong năm 2023

Nói thêm về triển vọng ngành bất động sản, ông Tường cho rằng "bất động sản nhà ở sẽ phải chờ thêm một, hai năm nữa". Bên cạnh đó, với triển vọng FDI vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm và khả năng không có nhiều sự khác biệt ở giai đoạn cuối năm, bất động sản công nghiệp năm nay sẽ phân hoá. Theo đó, những doanh nghiệp có quỹ đất với mức giá hợp lý và nằm trong vùng có lao động sẽ thu hút được khách thuê và tạo ra được sự khác biệt.

Liên quan đến FDI, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng kiêm Trưởng ban Đào tạo CTCP Chứng khoán SSI, cho biết số vốn FDI 4 tháng đầu năm giải ngân có giảm nhưng không nhiều, số lượng các dự án ảo đã giảm trong những năm gần đây, những dự án tỷ đô nhưng “chẳng bao giờ” giải ngân cũng đã giảm. Ông Hưng cũng nhấn mạnh rằng số lượng các dự án đưa vào Việt Nam vẫn nhiều nhưng quy mô khá nhỏ như các dự án cung ứng cho Apple và một số công ty lớn khác.

Cụ thể, nhà máy của Công ty Quanta Compute về lắp ráp Macbook cho Apple tại Việt Nam có tổng mức đầu tư chỉ hơn 100 triệu USD, thậm chí, các dự án liên quan đến lắp ráp máy cho HP, Dell,… đầu tư chỉ mấy chục triệu USD.

“Mặc dù số lượng các dự án đầu tư tại Việt Nam có thể vẫn là nhiều nhưng quy mô đang nhỏ đi. Tuy nhiên, quy mô đầu tư của các dự án không phải là điều quá quan trọng đối với các doanh nghiệp làm bất động sản khu công nghiệp vì một dự án một tỷ USD vẫn có thể thuê được diện tích đất bằng với dự án 100 triệu USD. Với tình hình trên, các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp vẫn sẽ có nhiều thuận lợi.", ông Hưng chia sẻ.

Khối ngoại bán ròng trở lại là điều dễ hiểu

Nhận định về diễn biến khối ngoại bán ròng trở lại trong tháng 4 và tiếp tục mạnh mẽ trong tháng 5, ông Đào Phúc Tường cho biết nhiều tổ chức tư vấn lớn hay nhà môi giới lớn trên thế giới đều nhìn nhận cơ hội năm nay đến từ các thị trường đang lên (emerging market), trong đó trụ chính trong thị trường này là Trung Quốc. Do đó, dòng tiền sẽ xoay chuyển về đây và Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi (mặc dù Việt Nam chưa nằm trong nhóm thị trường này).

Tuy nhiên, có thể thấy gần đây thị trường Trung Quốc đã làm cho các nhà đầu tư thất vọng, do đó việc nhà đầu tư nước ngoài rút dần ra khỏi thị trường emerging khi không đạt được kỳ vọng như ban đầu là điều dễ hiểu.

Chưa kể tới những câu chuyện riêng ở Việt Nam, với nhiều động thái, chính sách được ban hành, nhưng tương lai doanh nghiệp lại chưa có được kịch bản nào rõ nét. Đặc biệt, khi đầu tư vào thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài thường mua vào những cổ phiếu lớn như cổ phiếu ngân hàng, có thể thấy sau giai đoạn tự đẩy giá lên thì nay định giá cổ phiếu ngân hàng đã đến giai đoạn không còn hấp dẫn.

Diệu Nhi