|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hãy thôi kì vọng và ảo tưởng về FDI, có thể 'nói không với FDI'

16:03 | 15/05/2020
Chia sẻ
Muốn có sự phát triển, muốn thu hút FDI vì sự phát triển, đừng kì vọng quá nhiều vào FDI. Hãy làm mọi cách thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân lớn mạnh, bắt tay với nước ngoài, tạo giá trị gia tăng.

Việc Mỹ, Nhật đề nghị doanh nghiệp rút khỏi Trung Quốc để tìm nơi khác, hoặc chuyển về nước đang tạo kỳ vọng Việt Nam. Tuy nhiên, có nhiều chuyên gia khuyên nên thận trọng về điều này.

Hãy thôi kì vọng và ảo tưởng về FDI, có thể 'nói không với FDI' - Ảnh 1.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện CIEM

Phóng viên báo Dân Trí đã có cuộc phỏng vấn với chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) về vấn đề này.

Thưa ông, xu hướng kêu gọi "thoát Trung" của Mỹ, Nhật được nói đến nhiều thời gian gần đây. Vấn đề này nên được nhìn nhận ra sao và Việt Nam cần quan sát như thế nào?

- Đầu tư nước ngoài cơ cấu lại, giảm một phần đầu tư từ Trung Quốc đã có từ lâu. Nguyên nhân, theo tôi, đầu tiên là do giá nhân công của Trung Quốc bắt đầu tăng lên, đầu tư tìm kiếm lao động giá rẻ sẽ rút, sau đó là chiến tranh thương mại Trung Quốc và Hoa Kỳ, mạnh mẽ hơn, nhiều doanh nghiệp rút bỏ để tránh thuế.

Gần đây, Covid-19 nổi lên, người ta thấy có mấy nhận thức, các nước công nghiệp bỏ công nghiệp, chỉ chuyên về dịch vụ, dịch xảy ra thì thấy bị tổn thương, nhà nước không đủ năng lực để khắc phục thảm họa.

Các nhà đầu tư nhận thức đầy đủ hơn về rủi ro đặt chuỗi giá trị ở Trung Quốc, bị đứt gãy, giảm sản xuất. Họ đều nhìn thấy rủi ro quá lớn. Về mặt địa chính trị, mọi người đều thấy Trung Quốc nổi lên là đối thủ cạnh tranh, đặc biệt với Mỹ, Mỹ không muốn Trung Quốc quá mạnh, đặt rủi ro quá lớn đối với địa chính trị, phân bố cán cân lực lượng.

Những tác động đó thúc đẩy các nhà đầu tư chuyển khỏi Trung Quốc nhanh hơn và có lẽ lớn hơn.

Nhưng đặt câu hỏi, chuyển về đâu? Đầu tiên có thể tìm về nước mẹ, rồi về gần thị trường tiêu thụ hay chuyển sang các quốc gia có điều kiện thuận lợi và giảm rủi ro.

Rất nhiều người kỳ vọng Việt Nam sẽ đón nhận lấy luồng vốn này để thúc đẩy tăng trưởng, gia tăng lợi thế GDP. Tuy nhiên, cũng nhiều người không tán thành bởi nếu quá "đam mê" chúng ta lại lún vào việc thu hút vốn vào khai thác nhân công, tài nguyên và tận hưởng ưu đãi. Một khi các yếu tố này mất đi, họ lại rút đi, chúng ta không còn lại gì?

- Việt Nam được đánh giá là một trong những nơi được lựa chọn, đặc biệt khi Mỹ đưa Việt Nam vào "network" các quốc gia thịnh vượng. Đó là tín hiệu cho thấy vị thế của Việt Nam tăng thêm.

Việt Nam được cho là có nhiều cơ hội đón lấy sự dịch chuyển này tuy nhiên theo tôi không nên kỳ vọng quá nhiều, cũng không nên ảo tưởng. Đối với Việt Nam phát triển kinh tế nhờ thúc đẩy khu vực tư nhân trong nước mới là yếu tố quan trọng nhất. Việt Nam không được quá kỳ vọng vào dòng vốn rút đi từ Trung Quốc vì đó không phải là lợi ích cỗi lõi về lâu dài.

Đầu tư vào không có nghĩa là họ phát triển cho Việt Nam mà chủ yếu họ khai thác để lợi nhuận cho họ.

Việt Nam cần thay đổi cách thức thu hút và tiếp nhận đầu tư, xuất phát điểm. Nền tảng cần phải bắt đầu theo Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, thu hút và tiếp nhận đầu tư có chọn lọc, để đóng góp vào phát triển đất nước. Nếu không thay đổi thì thu hút đầu tư chẳng để làm gì, nhiều khi thu hút đầu tư chỉ làm thiệt hại cho tiềm năng phát triển trong tương lai.

Việt Nam phải đặt ra nhiều thứ, phải phát triển kinh tế trong nước, cải cách hành chính, thay đổi quản trị nhà nước. Nếu chỉ chăm chăm thu hút FDI thì không đạt được mục tiêu.

Theo ông, đặt bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần phải thay đổi cách thức thu hút FDI như thế nào nhằm nâng "chất" của nền kinh tế, nâng cao giá trị Việt Nam trong giá trị xuất khẩu, không lệ thuộc vào FDI?

- Tôi nhìn nhận quá trình thu hút đầu tư 30 năm đến nay, Việt Nam là nền kinh tế quá phục thuộc vào đầu tư nước ngoài, nhưng không phải là đầu tư nước ngoài chất lượng cao mà là chất lượng thấp, giá trị gia tăng thấp.

Gia nhập WTO là cơ hội rất lớn cho phát triển. Hàng loạt các FTAs thế hệ mới cho chúng ta tiếp cận thị trường. Điều này, đại bộ phận các nhà đầu tư nước ngoài đều nắm được. Họ tận dụng được lợi thế của Việt Nam về tài nguyên, lao động, chúng ta cho họ ưu đãi vượt trội, họ tận dụng cơ hội của hội nhập, từ đó khiến Việt Nam có hai nền kinh tế trong một nền kinh tế.

Người đầu tư ở khu vực kinh tế tư nhân gần như không tận dụng được cơ hội này. Vị thế bản địa của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu rất thấp. Do đó, giờ chúng ta phải thay đổi, từ tầm chủ trương đến thực hiện.

Thu hút đầu tư nước ngoài vào phải gắn với mục tiêu của ta, hai bên phải có lợi, lợi ích của ta phải nhiều hơn. Việt Nam phải có tiêu chí đo lường. FDI vào đây phải đàm phán, ai đáp ứng hợp tác, ai chia sẻ phát triển thì tiếp nhận. Nếu vào mà vẫn lập khu vực riêng, tận dụng nhân công giá rẻ, thị trường xuất khẩu thì không cần FDI làm gì cả, doanh nghiệp Việt đã đủ sức rồi.

Hãy thôi kì vọng và ảo tưởng về FDI, có thể 'nói không với FDI' - Ảnh 2.

Có thể "nói không với đầu tư nước ngoài", không thể đón bằng mọi giá

Có thể "nói không với đầu tư nước ngoài", không thể đón bằng mọi giá. Các ông lớn vào Việt Nam chúng ta "biệt đãi", "lót ổ" cho nằm, điều đó không sai. Tuy nhiên, cái chúng ta không khéo là chưa ràng buộc họ vì sự phát triển của Việt Nam, trong đó có hợp tác với doanh nghiệp nội địa, hình thành chuỗi cung ứng tại Việt Nam...

Rất nhiều quốc gia đang dồn sức vào phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp bản địa, coi đây là nguồn lực lâu dài. Vậy câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có đang quá cầu toàn vào "bánh vẽ" FDI, với những mỹ từ như: tăng GDP, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng chất cho nền kinh tế... nhưng thực tế là không. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Một trong những yêu cầu là phải gắn kết với kinh tế tư nhân trong nước, tất nhiên nói thế là áp đặt. Tuy nhiên, chúng ta hiện có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn, vừa, có năng lực, trình độ, nhưng thiếu sự giúp đỡ, tạo điều kiện phát triển.

Các Startup về công nghệ, mô hình kinh tế sẻ chia, hiện tượng Grab... đều gặp rất nhiều khó khăn khi hoạt động ở Việt Nam, đây là minh chứng một điều chúng ta còn quá lạm dụng về quản kiểm. Không quản được thì cấm, Nhà nước quen kiểu quản lý thay vì hỗ trợ, thay vì thúc đẩy họ lên.

Từ quản lý Nhà nước hiện nay quá cũ, không phù hợp, nó minh chứng cho cách thức quản lý kiểm soát mà cán bộ Nhà nước không đáp ứng được nhu cầu đổi mới, phát triển của thị trường.

Ông từng nhắc đến, Việt Nam chẳng phải cải cách gì nhiều, chẳng phải sửa luật, quy định, vì càng sửa, càng rối, có quá nhiều cái cần phải sửa. Việt Nam chỉ cần thay mỗi cái là: Tư duy - cái đầu và thay người không làm được việc, chăm chăm vào quản, kiểm? Ông vẫn giữ quan điểm này chứ?

- Cách quản lý cũ, tư duy cũ của rất nhiều Bộ, ngành, địa phương đang áp dụng hiện nay, trong thời đại của kinh tế thị trường nên không thể gọi nó là nền kinh tế thị trường đầy đủ, đúng nghĩa. Nó khiến nền kinh tế méo mó, lệch lạc và đầy rủi ro, xin cho.

Mô hình quản kiểm, xin cho với rừng điều kiện kinh doanh đã và đang tạo ra một hệ thống doanh nghiệp thân hữu lớn, doanh nghiệp tư nhân không thể lành mạnh được, không thể tạo ra doanh nghiệp tư nhân lớn, đủ sức "bắt tay" với doanh nghiệp nước ngoài.

Như vậy, bài toán đặt ra là chúng ta muốn có sự phát triển, muốn thu hút FDI vì sự phát triển chung, thì trước tiên đừng hy vọng nhiều vào FDI mà hãy làm mọi cách để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, để họ lớn mạnh, họ sòng phẳng bắt tay với nước ngoài, tạo giá trị gia tăng trong nước.

Việc phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy họ lớn lên là phải đặt lên hàng đầu, phải đối xứng với các đối tác đầu tư vào Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông!


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Nguyễn Tuyến

Nhóm cổ phiếu nào được dự báo hưởng lợi từ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ?
Dựa trên những điểm nhấn về chính sách, Agriseco cho rằng có nhiều điểm đối lập trong cách điều hành nền kinh tế của hai ứng cử viên tổng thống. Nhóm phân tích nêu sự tác động của cuộc bầu cử đến một số nhóm ngành trên thị trường chứng khoán Việt Nam.