|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hậu trường chuyến du lịch của các tỷ phú đến Việt Nam

07:31 | 20/03/2024
Chia sẻ
Để thu hút các tỷ phú đến Việt Nam, đơn vị tổ chức chi 150.000 USD gia nhập thị trường ngách và chờ 5 năm cho một cuộc trao đổi ở Mỹ.

Trả lời VnExpress, Nguyễn Đức Hạnh, CEO All Asia Vacation, đơn vị tổ chức chuyến đi cho tỷ phú Mỹ Bill Gates hồi đầu tháng 3, cho biết họ nằm trong khoảng 1% nhóm công ty du lịch chuyên phục vụ khách cao cấp, hoạt động theo nguyên tắc 80/20 phổ biến trong cuộc sống và kinh doanh - 20% khách hàng lớn sẽ tạo ra 80% doanh thu.

Trong 20 năm hoạt động, họ đón nhiều khách hàng siêu giàu trên thế giới, từ minh tinh Hollywood, ca sĩ, đến huyền thoại quần vợt, CEO tập đoàn công nghệ hàng đầu. Các khách hàng chi trả trung bình từ 500 USD mỗi người một ngày, có khách chi đến 15.000 USD.

Nhóm khách siêu giàu thưởng thức bữa tối riêng tư trong một resort ở Hà Giang năm 2022. Ảnh: Ảnh: All Asia Vacation

Tuy nhiên, việc tiếp cận họ vô cùng khó khăn. Những người siêu giàu không trực tiếp ra mặt, All Asia Vacation phải tìm cách tiếp cận nhà quản lý, chuyên gia riêng của các tỷ phú để giới thiệu sản phẩm. Lần tiếp cận tốn thời gian nhất từng kéo dài tới 5 năm, là một công ty du lịch cao cấp có trụ sở ở Mỹ.

Để được gia nhập cộng đồng do công ty này quản lý, mức phí phải trả ban đầu vào khoảng 150.000 USD, chưa kể các khoản phí thường niên khác. Sau đó, họ phải chờ tới 5 năm để được đối tác sắp xếp một cuộc hẹn ở Mỹ, từ đó mở ra những cơ hội tiếp cận thêm các khách hàng tiềm năng.

Tiếp cận khách đã khó, tạo ra một sản phẩm du lịch cho khách còn khó hơn. Ông Hạnh nói các chương trình đều phải được "may đo" theo ý thích riêng của khách hàng. Ca "may đo" khó nhất ông từng làm là vào tháng 4/2017 cho một trong bốn người giàu nhất Canada.

Đoàn khách gồm 11 người, muốn nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng trước khi tới Quảng Bình để chinh phục hang Sơn Đoòng. Lúc đó, họ đối mặt với hai bài toán. Thứ nhất, khách tỷ phú không có thời gian ngồi ôtô 6 tiếng để đi từ Đà Nẵng ra Quảng Bình.

Thứ hai, danh sách chờ khám phá Sơn Đoòng đã kín cả năm nên không thể đặt lịch với đơn vị khai thác tại thời điểm đó. Ông Hạnh cho biết khách siêu giàu thường không có thói quen chờ đợi, đặt dịch vụ sớm. Họ thích đưa ra quyết định du lịch vào phút chót và sẵn sàng chi nhiều để có những trải nghiệm theo mong muốn.

Trực thăng đưa khách của công ty từ khu vực miền núi phía Bắc ra sân bay năm 2024. Ảnh: All Asia Vacation

Sau khi họp bàn, họ nghĩ ra giải pháp sử dụng thủy phi cơ để bay từ Đà Nẵng đến Quảng Bình, rút ngắn thời gian từ 6 tiếng xuống một tiếng. Ban đầu, hãng cung cấp thủy phi cơ từ chối vì "không có đường bay như vậy". Tuy nhiên, bằng nhiều nỗ lực, một chặng bay mới đã được ra đời, phục vụ riêng đoàn 11 người.

Thủy phi cơ bay tầm thấp nên trên hành trình từ Đà Nẵng ra Quảng Bình, tỷ phú và những người bạn được ngắm nhìn thiên nhiên tuyệt đẹp dọc đường bờ biển Việt Nam. Vấn đề Sơn Đoòng dễ giải quyết hơn khi công ty thuyết phục được các bên liên quan để có thể sắp xếp một tour riêng cho nhóm khách.

"Không gì là không thể. Nói không cũng đồng nghĩa tự đóng cánh cửa giữa mình và khách hàng", ông Hạnh nói về nỗ lực đáp ứng yêu cầu của giới khách siêu giàu.

Các điểm du lịch ở Việt Nam không còn mới với khách quốc tế. Do đó, họ phải tìm cách "làm mới bình rượu cũ". Ví dụ, với vịnh Hạ Long, một khách hàng khá giả cũng dễ dàng bao trọn một du thuyền đắt nhất để trải nghiệm ngủ đêm trên vịnh. Các tỷ phú thích trải nghiệm của họ là độc nhất.

Vịnh Hạ Long có nhiều bãi tắm đẹp nhưng không được sử dụng vì nhiều lý do, trong đó có vấn đề an toàn. Khi thủy triều lên, một số bãi bị nước nhấn chìm. Khách đến tham quan chủ yếu chỉ được lên bãi Ti Tốp. Khách siêu giàu chắc chắn không chấp nhận các điểm đông đúc, đại trà như vậy.

Để tạo nên trải nghiệm độc nhất, đơn vị tổ chức đã xin phép các ban ngành liên quan được sử dụng một bãi tắm hoang sơ khi thủy triều xuống. Họ tổ chức một bữa tiệc trên biển và thu dọn mọi thứ sau khi kết thúc. Sáng hôm sau, khi ngủ dậy trên du thuyền, vị tỷ phú thấy bãi biển mình tổ chức tiệc hôm qua đã chìm dưới nước.

"Sáng tạo là điều đặc biệt quan trọng trong ngành này", ông nói.

Dù các chuyến đi được chuẩn bị cẩn thận từng chi tiết, sai sót vẫn có thể xảy ra. Ông Hạnh kể từng thiết kế cho cặp đôi VIP học nấu ăn ở nhà một đầu bếp nổi tiếng tại Hội An sau khi đã tự trải nghiệm, đánh giá trước. Thực tế, khách đã rất thích nhưng góp ý không gian nhà đầu bếp quá rộng, khiến họ cảm thấy "lạc lõng".

Sai lầm có thể chấp nhận nhưng không được lặp lại và không bao giờ được đổ lỗi cho hoàn cảnh, theo ông Hạnh. Có lần, họ tổ chức tour cho khách bay trực thăng từ Hà Nội đi Sa Pa và từ Sa Pa bay tiếp đến Hà Giang. Chặng Hà Nội đi Sa Pa diễn ra tốt đẹp nhưng khi bay từ Sa Pa đến Hà Giang, thời tiết mù mịt khiến trực thăng không thể cất cánh.

"Bạn không thể đổ lỗi cho thời tiết", ông Hạnh nói và cho biết một chuyến đi của khách siêu giàu luôn có ít nhất hai phương án dự phòng. Trong trường hợp này, đơn vị tổ chức phải đổi sang di chuyển bằng ôtô hạng sang và bổ sung thêm dịch vụ, trải nghiệm đặc biệt để "bù đắp".

Sau nhiều năm phục vụ các khách siêu giàu, ông Hạnh cho rằng Việt Nam có nhiều lợi thế thu hút họ, đặc biệt về cảnh quan, văn hóa và sự thân thiện của người dân. Ông tiết lộ có nhiều tỷ phú thích trải nghiệm văn hóa vỉa hè của Việt Nam hơn sử dụng những dịch vụ cao cấp.

"Phòng ngủ của họ còn to hơn phòng Tổng thống trong khách sạn 5 sao. Họ tìm đến Việt Nam vì yêu thích văn hóa độc đáo", ông Hạnh nói.

Tuy nhiên, Việt Nam còn tồn tại nhiều điểm cần cải thiện như thiếu đường bay thẳng. Giới siêu giàu từ Bắc Mỹ muốn đến Việt Nam hầu hết phải quá cảnh, gây mệt mỏi. Chính sách visa chưa thuận lợi cũng gây trở ngại. Trong một số trường hợp cần sáng tạo, như đi máy bay từ Đà Nẵng tới Quảng Bình, các thủ tục giấy tờ còn khó khăn.

Ông Hạnh hy vọng Việt Nam tập trung hơn nữa vào nhóm khách hàng có khả năng chi trả cao với tiêu chí chất lượng, thay vì chỉ tập trung vào số lượng khách quốc tế đến. Bhutan là một ví dụ, sẵn sàng thu phí du khách 200 USD mỗi đêm nhằm "bù đắp tác động của khách đến môi trường". Tuy nhiên, để làm được điều này, theo ông, toàn ngành du lịch Việt cần nâng cao chất lượng và đó không phải chuyện một sớm một chiều.

Tú Nguyễn