|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hậu quả của khai thác than: Trạm bơm phải chạy liên tục hàng trăm năm để chống ngập cho cả vùng

20:02 | 23/04/2021
Chia sẻ
Hoạt động khai thác than ở thung lũng Ruhr, Đức đã khiến cho mặt đất khu vực lún sâu xuống dưới mực nước ngầm. Nếu không nhờ hàng trăm máy bơm hoạt động không ngơi nghỉ, khu vực này đã biến thành hồ nước.
Hậu quả bất ngờ từ việc khai thác than quá đà  - Ảnh 1.

Quang cảnh vùng Ruhr. (Ảnh: Dreamstime.com).

Thung lũng Ruhr tại bang North Rhine-Westphalia từng là trung tâm công nghiệp của Đức, sản xuất ra hai nguyên liệu thô rất cần thiết cho quá trình công nghiệp hóa là than và thép.

Than đã được khai thác tại khu vực này trong ít nhất 400 năm, thường từ các vỉa than ở vị trí nông dọc theo sông Ruhr. Nhưng với sự khởi đầu của Cách mạng Công nghiệp hóa thế kỷ 19, nhu cầu dành cho than và thép tăng mạnh, dẫn đến than bắt đầu được khai thác ở các mỏ sâu hơn.

Chỉ trong vài chục năm, sản lượng than của Ruhr tăng chóng mặt. Năm 1850, sản lượng khai thác than hàng năm là 2 triệu tấn nhưng đến cuối thế kỷ 19, con số này đã vượt mức 100 triệu tấn/năm. Tương tự, sản lượng thép tăng từ 11.500 tấn lên 8 triệu tấn mỗi năm trong cùng thời kỳ, trang Amusing Planet cho biết.

Sự tăng trưởng bùng nổ của vùng Ruhr đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa khổng lồ. Người Đức từ khắp mọi miền đất nước và các vùng lân cận di cư sang bang North Rhine-Westphalia để làm việc trong hầm mỏ và xưởng sắt. Những thị trấn nhỏ chỉ có 2.000-5.000 dân trong đầu thế kỷ 19 phát triển thành các thành phố lớn với dân số lên tới hàng trăm nghìn.

Ngành công nghiệp khai thác than của Ruhr bắt đầu đi xuống từ giữa thế kỷ 20. Đến những năm 1970, Đức đã cạn kiệt các mỏ than dễ đào và việc khai thác thung lũng Ruhr không còn mang nhiều lợi ích kinh tế.

Ngành thép cũng xuống dốc do giá kim loại này giảm mạnh bởi sự xuất hiện của các trung tâm công nghiệp mới nổi như Nhật Bản. Ngày nay, Ruhr vẫn là trung tâm công nghiệp quan trọng, nhưng nền kinh tế của nó đã chuyển sang lĩnh vực dịch vụ, ví dụ như y tế, công nghệ thông tin, vận tải và logistics.

Tuy Ruhr không còn sản xuất than nhưng hàng trăm năm khai thác mỏ đã để lại vết sẹo không thể xóa nhòa trên cảnh quan khu vực. Các hố phế thải nằm rải rác khắc vùng, được tạo thành từ đất, đá và bất cứ thứ gì khác không phải là than. Nhiều trong số chúng được cải tạo với thảm thực vật hoặc chuyển đổi thành công viên, điểm ngắm cảnh. Số khác trở thành nhà của các tác phẩm nghệ thuật ngoài trời.

Khai thác than cũng để lại một hệ quả khác cho khu vực – mặt đất ở một số nơi lún xuống tới 20 mét, dưới mực nước ngầm. Do vậy, nước có xu hướng tích tụ lại và nếu không có 180 máy bơm được lắp đặt khắp Ruhr, khu vực có hơn 5 triệu cư dân này sẽ bị nhấn chìm bởi các hồ nước. 

Hậu quả bất ngờ từ việc khai thác than quá đà  - Ảnh 2.

Công trình biểu diễn ngoài trời được xây dựng trên một hố phế thải có độ sâu 159 m. (Ảnh: Flickr)

Các máy bơm được vận hành bởi công ty Emschergenossenschaft phải di chuyển hơn một tỷ mét khối nước ngầm mỗi năm. Chúng còn phải bơm nước từ sông này sang sông khác để giữ cho nước không tràn sang các khu dân cư. Khoảng 1/5 diện tích của Ruhr sẽ bị chìm dưới nước nếu không có máy bơm, đặc biệt là khu vực trung tâm, nơi tập trung đông dân nhất.

Hậu quả bất ngờ từ việc khai thác than quá đà  - Ảnh 3.

1/5 khu vực Ruhr sẽ biến thành hồ nước nếu toàn bộ máy bơm ngừng hoạt đông. (Ảnh: Helge Hoffmann/ Amusing Planet).

Trạm bơm đầu tiên bắt đầu hoạt động vào năm 1914 tại con sông Alte Emscher ở Đức. Ngày nay, mọi thành phố và thị trấn trong các khu vực bị ảnh hưởng ở Ruhrđều có máy bơm với đủ kích cỡ, từ bé như cái hộp cho đến các cỗ máy khổng lồ có thể bơm 40.000 lít nước mỗi giây.

Giữ cho các máy bơm hoạt động cần đến hàng triệu USD, và chi phí này do các tập đàn khai thác than gánh chịu.

Hậu quả bất ngờ từ việc khai thác than quá đà  - Ảnh 4.

Một tác phẩm nghệ thuật được đặt trên hố phế thải ở Ruhr. (Ảnh: Flickr).

Nếu các máy bơm ngừng hoạt động thì chuyện gì sẽ xảy ra? Sự tàn phá sẽ không đến ngay lập tức, ông Stefan Hager, trưởng bộ phận dịch vụ địa lý của tập đàn khai thác than lớn nhất Đức giải thích.

Tùy theo địa điểm mà nước ngầm có thể mất đến vài tuần để bắt đầu rỉ ra, giúp các kỹ thuật viên có đủ thời gian để sửa chữa máy bơm.

Tuy nhiên, ông Hager cảnh báo: "Theo nguyên tắc, lũ lụt không xảy ra vì nước ngầm mà vì mưa lớn. Nước sông Rhine phải mất nhiều ngày mới dâng lên, nhưng sông Emscher thì chỉ cần vài tiếng vì khu vực này quá khép kín và nước chảy nhanh hơn.

Một số người tin rằng ít nhất một số máy bơm nên được tắt. Họ cho rằng Ruhr sẽ trở nên đẹp hơn nhiều nếu có một vài con hồ, thay vì là vùng đất công nghiệp cằn cỗi như bây giờ.

Giang