|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hậu di dời nhà máy khỏi trung tâm Hà Nội: Đất 'vàng’ về tay các 'ông lớn' ra sao?

07:04 | 24/09/2019
Chia sẻ
Sau khi di dời các nhà máy, cơ sở ô nhiễm ra khỏi khu vực trung tâm Hà Nội, không ít khu đất "vàng” đã được thâu tóm và thay thế bằng các dự án chung cư, cao ốc, văn phòng…

Đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130 về biện pháp, lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Thực hiện chủ trương trên, năm 2016, báo cáo về tác động của Luật Thủ đô, TP Hà Nội đã xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành và đã tổ chức phân nhóm tiêu chí và thứ tự di dời.

Một trong các mục tiêu của việc di dời là giảm áp lực về dân số trong khu vực nội thành Hà Nội.

Theo lộ trình là vậy, thực tế hiện nay, trên địa bàn Hà Nội vẫn còn hàng loạt nhà máy, cơ sở sản xuất không chịu di dời. Những trường hợp đã di dời hầu hết đều được các doanh nghiệp BĐS lớn thâu tóm, thế chỗ bằng bằng cao ốc, khu đô thị.

Tân Hoàng Minh thâu tóm "đất vàng" Nhà máy rượu Hà Nội

28740876_1928763250772218_1275565920_n

Dự án 94 Lò Đúc ban đầu được TP Hà Nội định hướng xây dựng công trình phúc lợi xã hội là trường học. (Ảnh: ANTV)

Theo tìm hiểu, khu đất vàng 94 phố Lò Đúc trước đây là nhà máy rượu Hà Nội (Halico), được Chính phủ chấp thuận chủ trương di dời từ năm 2013. Khu đất có tổng diện tích 7.657 m2 nằm ở vị trí đắc địa, sở hữu 3 mặt tiền Lò Đúc - Nguyễn Công Trứ - Hoà Mã.

Cách đây nhiều năm, UBND TP Hà Nội đã thu hồi một phần khu đất tại Nhà máy rượu Hà Nội - thuộc Công ty Cồn rượu Hà Nội (Halico) chính là khu đất 94 Lò Đúc. Được biết, toàn bộ Nhà máy rượu 94 Lò Đúc đã được chuyển tới nhà máy mới tại huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh).

Theo qui hoạch trước đây, khu đất này được dùng để xây dựng trụ sở liên cơ quan ban ngành của thành phố, trường học, nhà để xe, khu thương mại và nhà ở để bán…

Tuy nhiên, nhiều năm nay, theo phản ánh của báo chí, không thấy trường học đâu mà là những bãi um tùm cây cối được quây tôn kín mít.

Vào đầu tháng 8/2017, có thông tin, tập đoàn Tân Hoàng Minh đã nắm giữ xong khu đất đắc địa tại 94 Lò Đúc (Hà Nội) và chuẩn bị xây dựng 2 toà cao ốc cao 33 - 35 tầng. Theo các thông tin quảng cáo xuất hiện trên internet , dự án được khởi công năm 2018 và dự kiến bàn giao năm 2019, do chủ đầu tư Tân Hoàng Minh triển khai.

Đáng chú ý, trong các văn bản chính thức từ UBND TP Hà Nội, cái tên Tân Hoàng Minh hầu như không xuất hiện, bởi đơn vị được UBND Thành phố giao đất 94 Lò Đúc là Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh và Phát triển đô thị Thiên Bình và Công ty Cổ phần kinh doanh và xây dựng nhà.

Thời điểm đó, những nghi ngờ về một vụ thâu tóm "đất vàng" là có cơ sở bởi theo Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp của Công ty Thiên Bình lần đầu vào ngày 4/6/2013 và thay đổi lần thứ 5 vào ngày 17/12/2015, công ty có trụ sở tại số 94 Lò Đúc, Phường Phạm Đình Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Đáng chú ý, người đại diện pháp luật của Công ty Thiên Bình là ông Đỗ Anh Dũng, và cũng là người nắm giữ tới 99% cổ phần của Thiên Bình. Ông Đỗ Anh Dũng hiện là chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh. Thời điểm đó, doanh nghiệp này có vốn điều lệ hơn 466 tỉ đồng.

Thông tin đăng kí doanh nghiệp thay đổi lần gần đây nhất vào ngày 20/6/2018, vốn điều lệ của doanh nghiệp này đã tăng lên con số 926 tỉ đồng. Ông Đỗ Anh Dũng vẫn nắm giữ 99% cổ phần.

Chung cư thế chỗ Nhà máy cơ khí 120

Thực tế, từ năm 2003, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định nêu rõ diện tích đất của các đơn vị sau di chuyển được ưu tiên xây dựng các công trình công cộng (trường học, vườn hoa…) và một phần sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ.

Đối với phần diện tích đất sau khi di chuyển dùng để xây dựng công trình công cộng, đơn vị đang sử dụng đất được nhận tiền bồi thường theo qui định về giải phóng mặt bằng của Chính phủ.

Ngoài ra, đơn vị đang sử dụng đất được chuyển nhượng quyền sử dụng đất thông qua bán đấu giá đối với phần diện tích dành để xây dựng công trình kinh doanh, dịch vụ và được hưởng 50% giá trị thu được, phần còn lại nộp vào ngân sách thành phố.

Một phần nhờ chủ trương này mà "làn sóng" săn lùng các cơ sở sản xuất, nhà máy trong nội đô đang đứng trước nguy cơ phải di dời dần được hình thành.

Theo tìm hiểu, tháng 11/2007, diện tích 26.378,3 m2 đất của Nhà máy Cơ khí 120 tại 609 Trương Định (quận Hoàng Mai) đã được UBND TP Hà Nội thống nhất về chủ trương di dời.

Được biết, sau khi nhà máy này được di dời, một dự án BĐS đã thế chỗ. Hiện nay, không khó để tìm kiếm thông tin về dự án mọc lên tại khu đất này.

092726baoxaydung_image001

Dự án Nam Đô Complex do GP.Invest làm chủ đầu tư. (Ảnh: Báo Xây dựng)

Theo thông tin quảng cáo, Dự án Nam Đô Complex được giới thiệu nằm trên khu đất có diện tích hơn 26.000 m2 tại 609 Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội (trùng khớp với vị trí và diện tích khu đất Nhà máy cơ khí 120).

Đây là một tổ hợp khu nhà ở cao tầng, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, trường học và vườn hoa cây xanh do Công ty Cổ phần đầu tư Dầu khí toàn cầu (GP.Invest) làm chủ đầu tư.

Dự án bao gồm 2 blog A, B với 2 tầng hầm liên thông 2 tòa nhà, 1 tòa nhà văn phòng 15 tầng và khu trường mầm non 4.000 m2. Dự án được khởi công năm 2010 và hoàn thành năm 2013.

Tiếp đó, cũng tại khu đất này, tháng 11/2015, UBND quận Hoàng Mai đã có văn bản số 1956 về việc chấp thuận đầu tư dự án khu nhà ở thấp tầng riêng lẻ (thuộc dự án Nam Đô Complex) do GP.Invest làm chủ đầu tư.

Dự án gồm 15 căn hộ thấp tầng, chiều cao công trình là 5 tầng, dân số khoảng 60 người. Thời gian qua, dự án này cũng vướng phải không ít "lùm xùm" về việc huy động vốn sai qui định, bán biệt thự liền kề khi chưa đủ pháp lí,…

Đất "vàng" Xí nghiệp xe buýt về tay Sông Đà 7

Theo tìm hiểu, gần 3,7 ha "đất vàng" 90 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội trước đây do một Xí nghiệp xe buýt thuộc Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) quản lí, sử dụng.

Ban đầu, khu đất này được cho phép thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên. Tuy nhiên, nằm trên khu đất này hiện nay là Dự án nhà ở 90 Nguyễn Tuân của Công ty CP Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7 (Urinco 7).

DSCF9141

Khu nhà ở 90 Nguyễn Tuân do Công ty CP Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7 làm chủ đầu tư. (Ảnh: Thu Hà)

Dự án nhà ở 90 Nguyễn Tuân được chấp thuận chủ trương theo văn bản số 10089 của UBND TP Hà Nội kí ngày 07/12/2012. Tuy nhiên, vài năm sau đó dự án không được triển khai.

Đến tháng 12/2015, CTCP đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7 (Công ty Sông Đà 7) có tờ trình số 415 về việc đề nghị điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà ở 90 Nguyễn Tuân.

Không lâu sau đó, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 3726 về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này. Lúc này dự án nhà ở 90 Nguyễn Tuân chính thức do Sông Đà 7 làm chủ đầu tư.

Tiếp đó, tháng 7/2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4379  về việc thu hồi 37.062,2 m2 đất tại số 90 đường Nguyễn Tuân (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) giao cho Sông Đà 7 để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

Tháng 12/2017, Sở Xây dựng TP Hà Nội đã cấp Giấy phép xây dựng cho dự án trên.

Cách khu đất Xí nghiệp xe buýt là khu đất của Nhà máy Dệt Mùa Đông 47 Nguyễn Tuân. Hiện nay, tọa lạc tại khu đất này là Dự án TNR Gold Season.

DSCF9145

Dự án TNR Goldseason (47 Nguyễn Tuân) Công ty CP bất động sản Mùa Đông làm chủ đầu tư. (Ảnh: Thu Hà)

Theo tìm hiểu, khu đất tại 47 Nguyễn Tuân có diện tích 22.602 m2 là trụ sở nhà máy của Công ty cổ phần dệt Mùa đông.

Năm 2010, UBND thành phố Hà Nội ra quyết định thu hồi lô đất này giao cho Công ty CP bất động sản Mùa Đông (VID) thực hiện dự án xây dựng Tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng. Đơn vị điều hành dự án là Công ty cổ phần bất động sản TNR Holdings Việt Nam.

Tương tự, tại khu đất của Nhà máy cơ khí Hà Nội (72 Nguyễn Trãi) nay đã được xây dựng thành khu đô thị Royal City, khu đất của Nhà máy dệt 8/3 (460 Minh Khai) nay cũng được xây dựng thành tổ hợp Vinhomes Times City – Park Hills…

Thu Hà