Hậu COVID-19, Việt Nam sẽ trở thành nơi tăng nguồn cung ứng giày dép cho Mỹ
Ngày 28/5, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã phối hợp với Hiệp hội các Nhà phân phối và Bán lẻ Giày dép Mỹ (FDRA), Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), cùng Dự án USAID LinkSME tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến “Xúc tiến thương mại giày dép Việt Nam – Mỹ hậu COVID- 19”.
Gần 120 doanh nghiệp, bao gồm 60 nhà nhập khẩu Mỹ và gần 60 nhà cung cấp Việt Nam đã cùng dự Hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, do tác động nghiêm trọng của dịch bệnh COVID- 19 trên toàn cầu, các hoạt động Xúc tiến thương mại truyền thống giữa hai nước Việt Nam – Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực giày dép buộc phải tạm ngưng trong thời gian qua.
Do đó, việc nhanh chóng thiết lập được sự kiện hội nghị giao thương trực tuyến chính là một trong những giải pháp góp phần hỗ trợ doanh nghiệp hai bên duy trì tiếp xúc, kết nối và cùng tìm ra các cơ hội thông thương sản phẩm giày dép trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.
Thông tin tới các doanh nghiệp Việt Nam về thị trường giày dép Mỹ, ông Matt Priest, Chủ tịch & CEO FDRA cho biết, dịch COVID- 19 đã khiến cho tình hình thất nghiệp tại nước này tăng cao, thu nhập của người dân giảm khiến họ e dè hơn trong việc mua sắm hàng hóa, trong đó có mặt hàng giày dép.
Nhu cầu thị trường giày dép tại Mỹ từ tháng 1-5/2020 đã giảm. Dự báo những tháng còn lại của năm sẽ có xu hướng giảm tương tự.
Tuy nhiên, ông Matt Priest cũng chỉ ra những cơ hội mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng để thúc đẩy xuất khẩu giày dép sang Mỹ.
Giai đoạn từ năm 2003 – 2020, theo ông Matt, trong khi kim ngạch nhập khẩu giày dép của Mỹ từ các nước trên thế giới biến đổi bất ổn với chiều hướng giảm thì giày dép của Việt Nam vào Mỹ vẫn liên tục tăng.
Tính riêng những tháng đầu năm 2020, ảnh hưởng của dịch COVID- 19 khiến cho kim ngạch nhập khẩu giày dép của Mỹ từ Việt Nam giảm nhưng vẫn tốt hơn hẳn so với nhập khẩu từ các nước còn lại.
Đáng chú ý, thời gian gần đây, mức thuế mà Mỹ áp vào mặt hàng giày dép xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng lên, do xung đột về chính trị giữa hai nước.
Thời gian tới, thế giới sẽ thiết lập lại chuỗi cung ứng, tình hình xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ cũng có những thay đổi và Việt Nam sẽ trở thành nơi tăng nguồn cung ứng giày dép cho Mỹ.
Theo ông Matt Priest, mặc dù chịu tác động của dịch COVID- 19 nhưng kim ngạch nhập khẩu giày dép của Mỹ từ Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2020 so với thời điểm hiện tại dự kiến sẽ đi ngang chứ không tăng hoặc giảm.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp da giày Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ, bà Dương Thị Kim Liên, Phó Giám đốc Dự án USAID LinkSME cho biết, Dự án sẽ đồng hành với Cục Xúc tiến thương mại và Lefaso để tổ chức các khóa đào tạo, chương trình thực tế… hỗ trợ doanh nghiệp giày dép nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm nhằm đạt các chứng chỉ, chứng nhận theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Đặc biệt, Dự án sẽ có những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục hậu COVID-19.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso cũng cho biết, hiệp hội này luôn hỗ trợ các doanh nghiệp da giày Việt Nam trong việc phát triển thị trường như việc phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại tổ chức đoàn tham gia hội chợ chuyên ngành da giày tại Mỹ vào mỗi năm…
Phía các cơ quan quản lí nhà nước cũng cho biết sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp giày dép Việt Nam trong việc thâm nhập thị trường Mỹ.
Theo đó, ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ cam kết chia sẻ thông tin về Xúc tiến thương mại với doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp ngành da giày nói riêng.
Đồng thời khẳng định, Thương vụ sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xác minh thông tin về đối tác, sản phẩm cũng như kết nỗi doanh nghiệp Việt Nam với đối tác tại thị trường Mỹ.
Với Cục Xúc tiến thương mại, ông Vũ Bá Phú khẳng định, Cục sẽ phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam – Mỹ có thêm nhiều cơ hội kết nối kinh doanh hiệu quả, ổn định lâu dài.