Cơ hội và sức ép của thép Việt khi ông Trump áp lệnh thuế mới
Cơ hội cạnh tranh sòng phẳng về thuế tại thị trường Mỹ
Hôm 10/2, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh áp thuế 25% đối với nhôm và thép nhập khẩu. Thuế quan mới sẽ áp dụng rộng rãi với tất cả mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ, bao gồm từ Canada và Mexico, hai nhà cung ứng hàng đầu của siêu cường số một thế giới.
Đối với Việt Nam, mặt hàng thép vốn đang chịu mức thuế 25% theo mục 232 mà Mỹ áp dụng với hầu hết quốc gia trên thế giới (trừ một số đối tác thân cận như Canada, Mexico, Brazil, Hàn Quốc và Vương quốc Anh) từ năm 2018, sau khi ông Trump lên nắm quyền ở nhiệm kỳ đầu tiên.
Điều này đồng nghĩa với việc, thuế thép của Việt Nam không đổi, trong khi đó các nước trước đây đã được miễn trừ theo Mục 232 nay bị áp.
Do đó, dưới góc nhìn tích cực, lệnh thuế này được xem là cơ hội đối với các sản phẩm thép Việt Nam bởi mức thuế khi bán hàng sang Mỹ đã được “cào bằng” giữa các quốc gia.
Ngoài ra, áp lực thiếu hụt nguồn cung và giá cao cũng sẽ buộc Mỹ phải tìm đến các đối tác nước ngoài.
“Theo kinh nghiệm từ đợt áp thuế vào năm giá thép tại Mỹ tăng vọt, trong khi nguồn cung trong nước vẫn chưa thể đáp ứng. Điều này buộc các nhà sản xuất của Mỹ phải tìm đến nguồn cung nước ngoài, thậm chí là từ các nước thay thế cho các nước đồng trước đây được miễn thuế. Khi đó, thép Việt Nam cũng đứng trước cơ hội được lựa chọn”, ông Phạm Công Thảo - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam chia sẻ với chúng tôi.
Thực tế, điều này đã lặp lại một lần nữa khi giá thép tại Mỹ những ngày qua tăng vọt. Tính đến ngày 13/2, giá thép cuộn cán nóng tại khu vực Trung Tây nước Mỹ đạt 765 USD/tấn, tăng 11% so với hồi đầu năm. Đây cũng là mức cao nhất kể từ cuối tháng 5/2024.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/13/hrc-20250213153531398.png?width=1000)
Nguồn: Investing (H.Mĩ tổng hợp)
Hiện tại, thép nhập khẩu các loại đang chiếm khoảng 23% nguồn cung của Mỹ. Trang Reuters dẫn nhận định của ông Andrew Jones, chuyên gia phân tích đến từ ngân hàng UBS, cho biết: "Sự tăng trưởng nguồn cung trong nước sẽ không bù đắp được lượng thép nhập khẩu bị thiếu hụt, dẫn đến giá cả tại Mỹ tăng đáng kể nếu biện pháp này được thực hiện”.
Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, cú sốc từ thuế thép 25% theo lệnh 232 năm 2017 (năm đầu tiên của nhiệm kỳ) đã khiến nhập khẩu mặt hàng này của Mỹ giảm 3 năm liên tiếp.
Tuy nhiên, kể từ năm 2021 trở đi, dưới sức ép nhu cầu cao, trong khi sản lượng nội địa vẫn chưa đáp ứng, nhập khẩu thép tăng của Mỹ tăng mạnh trở lại, bất chấp lệnh áp thuế vẫn có hiệu lực.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/13/nltje-20250213155118757.png?width=1000)
Nguồn: Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế Mỹ (ITA); Viện Sắt thép Mỹ (H.Mĩ tổng hợp)
Theo dữ liệu tổng hợp từ Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế Mỹ (ITA) và Viện Sắt thép Mỹ, tổng lượng thép nhập khẩu trong năm 2024 đạt 28,8 triệu tấn, tăng 44% so với năm 2020 và tăng khoảng 3% so với năm 2023. Trong đó, 4/5 đối tác thân cận của Mỹ của Mỹ được miễn thuế theo mục 232 đứng trong top đầu nguồn cung thép cho nước này. Việt Nam đứng thứ 5 với thị phần 4,5%.
"Nếu Mỹ áp dụng thuế 25% với toàn bộ hàng nhập khẩu, sản phẩm thép Việt Nam vẫn có cơ hội tiếp tục xuất khẩu khi năng lực của các nhà sản xuất thép, nhôm của Mỹ chưa thể đáp ứng ngay. Dù vậy, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm xuống", ông Đỗ Ngọc Hưng tham tán thương mại, trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam (Bộ Công Thương) tại Mỹ chia sẻ với Báo Chính Phủ hồi đầu tuần này.
Theo ông Hưng việc áp thuế sẽ khiến lạm phát của nước Mỹ tăng lên khi nhôm và thép là những mặt hàng cơ bản, nhu cầu sử dụng lớn tại nước này. Vì thế, ông Hưng cho rằng với lợi thế của hàng Việt Nam là giá cạnh tranh, chất lượng tốt, sẽ bổ trợ cho nền kinh tế Mỹ, góp phần giúp giảm lạm phát, bổ trợ cơ cấu ngoại thương hai nước.
Sức ép lớn hơn từ dòng thép nhập khẩu
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, thép Việt Nam đang phải đối diện với những thách thức gián tiếp từ quyết định thuế mới của Mỹ.
“Mỹ áp thuế 25% với tất cả quốc gia, kể cả những nước đồng minh có thể khiến ‘dòng chảy’ của thép thay đổi. Các nước mới bị áp thuế có thể đẩy nguồn cung sang các nước khác, trong đó Việt Nam cũng đứng trước rủi ro này. Khi đó, áp lực thép nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam cũng sẽ lớn hơn”, ông Thảo nói.
Trên thực tế, lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam bắt đầu gia tăng mạnh kể từ năm 2022 đến nay. Trong năm 2024, Việt Nam nhập khẩu gần 18 triệu tấn thép các loại, theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, tăng 32% so với năm 2023 và là năm thứ hai ghi nhận tăng liên tiếp. Trong đó, nhập khẩu thép từ Trung Quốc chiếm tới 67%.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/13/nkthpevn-20250213155638201.png?width=1000)
Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)
Trong năm tới, sức ép của dòng thép từ Trung Quốc được dự báo là vẫn sẽ lớn. Theo trang Nikkei Asia, mức thuế mà ông Trump đưa ra không chỉ nhắm vào Trung Quốc mà còn ảnh hưởng đến toàn thế giới. Dù tác động trực tiếp lên ngành kim loại Trung Quốc có vẻ hạn chế, các chuyên gia cảnh báo rằng động thái mới nhất của Nhà Trắng có thể làm trầm trọng thêm áp lực đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và kích hoạt một phản ứng dây chuyền bảo hộ thương mại toàn cầu.
Các chuyên gia kinh tế lưu ý rằng Mỹ đã áp thuế lên tới 47,5% đối với một số sản phẩm thép và 32,5% đối với nhôm theo các quy định hiện hành. Vì vậy, "thương mại vốn đã bị hạn chế, và tác động gia tăng của mức thuế cao hơn nữa có thể sẽ không quá lớn."
Tuy nhiên, việc ông Trump công bố mức thuế bổ sung 25% có thể khiến Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong việc xử lý tình trạng dư thừa công suất - một vấn đề kéo dài suốt nhiều năm sau đại dịch.
Theo Fitch Ratings, lĩnh vực xây dựng căn hộ và cơ sở hạ tầng chiếm tới 55% nhu cầu thép của Trung Quốc nhưng khó có khả năng phục hồi mạnh mẽ trong tương lai gần. Việc thiếu đầu ra có thể khiến giá công nghiệp trì trệ trong thời gian dài hơn, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ giảm phát.
Việc Trung Quốc tìm kiếm thị trường khác để tiêu thụ lượng thép dư thừa có thể làm gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu.
Theo lãnh đạoTổng công ty Thép Việt Nam, Việt Nam cần vận dụng các cơ chế phòng vệ thương mại theo WTO nhằm hạn chế tác động tiêu cực của thép nhập khẩu, ngăn chặn tình trạng bán phá giá. Tháng 7 năm ngoái, Việt Nam đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, ông cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần thận trọng trong việc xuất khẩu sang Mỹ “Trường hợp xuất khẩu sang Mỹ tăng quá nhanh, điều này sẽ gây sự chú ý từ chính quyền tổng thống Donald Trump”, ông nói.
Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần đánh giá tình hình để có chiến lược kinh doanh phù hợp, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường có FTA với Việt Nam, tránh phụ thuộc vào một thị trường.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần tuân thủ các quy định của Mỹ về nguồn gốc xuất xứ và luôn sẵn sàng tham gia đầy đủ quá trình giải trình của cơ quan điều tra Mỹ các vụ việc phòng vệ thương mại.