|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hành trình tìm kiếm ngôi sao mới trên sân chơi edtech Việt

11:44 | 04/11/2020
Chia sẻ
Thị trường giáo dục trực tuyến tại Việt Nam ước đạt 3 tỉ USD vào năm 2023, nhưng các startup bản địa đang gặp phải những rào cản nhất định, đồng thời vấp phải sự cạnh tranh từ các đối thủ ngoại.

Trong một bài phỏng vấn với Tech in Asia vào năm 2018, ông Phạm Minh Tuấn, người sáng lập và CEO lúc bấy giờ của Topica, không giấu nổi sự hào hứng. Lúc đó, Topica vừa nhận 50 triệu USD đầu tư trong vòng Series D từ công ty đầu tư tư nhân Singapore Northstar Group.

Hai năm sau, Series D vẫn là một trong những vòng gọi vốn lớn nhất mà một startup công nghệ Việt Nam từng thực hiện. Sáng lập vào năm 2009, Topica tập trung vào 3 mảng: Topica Native (dịch vụ dạy Tiếng Anh cho người trưởng thành), Edumall (cung cấp các khoá học ngắn) và Topica Uni (hợp tác với các trường đại học để thực hiện các chương trình cử nhân trực tuyến).

Tìm kiếm 'ngôi sao' mới ở sân chơi công nghệ giáo dục tại Việt Nam sau Topica - Ảnh 1.

Ông Phạm Minh Tuấn, cựu CEO Topica, tại một hội thảo về công nghệ giáo dục. Ảnh: Topica

Dù vậy, vào tháng 1 năm nay, ông Phạm Minh Tuấn rời ghế CEO. Người thay thế ông là Nguyễn Huy Đức, giám đốc tài chính. Ông Huy Đức nói rằng sẽ "tinh giản" vận hành và đầu tư mạnh vào các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) cho trẻ em và học viên trẻ.

Một báo cáo của DealStreetAsia nói rằng Topica đã sa thải một số lượng lớn nhân sự trước áp lực của các nhà đầu tư và để giảm chi phí vận hành. Trong khi đó, Tech in Asia cho biết Topica đang đẩy mạnh mở rộng, cả về thị trường và số lượng sản phẩm. CEO Huy Đức từ chối chia sẻ về những ưu tiên hiện tại của Topica.

Những rắc rối của Topica cho thấy không dễ để các startup có chỗ đứng ngay cả khi tiềm năng thị trường là hiển nhiên. Thị trường edtech của Việt Nam có thể đạt giá trị 3 tỉ USD vào năm 2023, theo Ken Research.

Tìm kiếm 'ngôi sao' mới ở sân chơi công nghệ giáo dục tại Việt Nam sau Topica - Ảnh 2.

Phụ huynh đưa học sinh đến trường tại Hà Nội. Ảnh: 123rf

"Trong vài năm trở lại đây, hầu hết công ty edtech đều đi theo mô hình như của Topica mà không tạo ra các tính năng đáng chú ý để tạo sự khác biệt với những "ông lớn" khác," bà Lê Hoàng Uyên Vy, đồng sáng lập Do Ventures, nhận định. Theo bà, có một số startup edtech sáng tạo trên thị trường đã bắt đầu nhận vốn đầu tư song qui mô còn rất nhỏ.

Khi COVID-19 được kì vọng là một tác nhân thúc đẩy sự tăng trưởng của công nghệ giáo dục, liệu các startup của Việt Nam có thể cạnh tranh và trở thành Topica, hay thậm chí là Ruangguru hay Byju (những kì lân edtech) tiếp theo?

Vượt qua COVID-19

Austin Carter đồng sáng lập Edu2Review vào năm 2017 cùng 2 người bạn. Startup này mong muốn giúp phụ huynh và học sinh có nguồn thông tin đáng tin cậy về các trường đại học, cao đẳng, trường ngoại ngữ và các đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục khác tại Việt Nam và trên thế giới.

Mặc dù người dùng có thể tự tìm kiếm trên Google hoặc Facebook, Edu2Review cho phép họ so sánh nhanh các thông tin như học phí, nhận chiết khấu, nhận hoàn tiền sau một tuần học thử và đọc các đánh giá xác thực từ người dùng. Với các khoá học trong nước, người dùng thậm chí có thể đăng kí học thông qua nền tảng này.

Carter nói rằng Edu2Review hoạt động tương tự Booking.com, đồng nghĩa với việc nó thu phí trung gian trên mỗi giao dịch.

Tìm kiếm 'ngôi sao' mới ở sân chơi công nghệ giáo dục tại Việt Nam sau Topica - Ảnh 3.

Đội ngũ Edu2Review. Ảnh: Edu2Review

Theo Austin Carter, Edu2Review đang có khoảng 1,5 triệu người hoạt động hàng tháng và có khoảng 10.000 đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục cung cấp thông tin. Hồi tháng 8/2018, Edu2Review nói rằng đã nhận đầu tư từ Nest Tech, một quỹ đầu tư mạo hiểm Singapore.

Dù vậy, do hoạt động phụ thuộc và các trung tâm giáo dục trực tiếp ở Việt Nam nên khi COVID-19 bùng phát vào tháng 2, Edu2Review chịu ảnh hưởng nặng nề. Lượng đăng kí học giảm 25%-30%. Để bù lại sụt giảm, Edu2Review bắt đầu làm việc với các trường đại học để quảng cáo và hỗ trợ hoạt động tuyển sinh.

Trong khi đó một startup edtech khác là Everest Education đã quyết định chuyển dịch sang mở các lớp học trực tuyến từ tháng 12/2019. Việc chuyển dịch phần nào đem đến những kết quả theo hướng tích cực.

"Chúng tôi có thể đưa rất cả các lớp offline lên online chỉ một tuần sau khi Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội toàn quốc hồi tháng 2 trong khi nhiều trung tâm khác dường như ngủ quên", Tony Ngo, đồnh CEO Everest nói với Tech in Asia.

Everest không có ứng dụng đi động. Thay vào đó, công ty tập trung vào yếu tố giao tiếp trong giáo dục trực tuyến. Điều này có nghĩa là học sinh có thể tương tác và luyện tập với bạn bè, giáo viên. Bằng cách này, Everest không cần phải sao thải bất kì nhân sự nào dù dịch bệnh. 

Rào cản cho những công ty bản địa

Ông Nguyễn Trí Hiển, chủ tịch công ty tư vấn edtech GETJSC, ước tính có khoảng 600 công ty học trực tuyến và công nghệ giáo dục ở Việt Nam. Ông nói rằng khoảng một nửa trong số các công ty edtech tập trung vào phân khúc học sinh, song cung cấp các sản phẩm và dịch vụ không có nhiều khác biệt.

Maria Spies, đồng sáng lập và CEO nền tảng thông tin thị trường giáo dục HolonIQ, cho biết chỉ 20% công ty edtech ở Việt Nam đào tạo ngôn ngữ. Nâng cấp năng lực đội ngũ, STEM (khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán) và lập trình cũng là các chủ đề được quan tâm.

Các chuyên gia cho rằng hệ thống đào tạo của Việt Nam thường có cách tiếp cận khá thụ động. Việc học tự do hoặc trực tuyến không được quá hoan ngênh. Dù vậy, với sự phát triển của TMĐT và công nghệ tài chính, việc thanh toán cho các dịch vụ trực tuyến đang bùng nổ. 

Dĩ nhiên, mở ví để trả tiền cho các khóa học trực tuyến vẫn còn là một khái niệm mới mẻ. Phần lớn phụ huynh Việt vẫn thích cách tiếp cận truyền thống và thích con cái của mình tới trường hoặc các trung tâm để học trực tiếp.

Lê Giang, mẹ của một cậu bé 12 tuổi, nói cô rất thích Khan Academy, một tổ chức giáo dục công nghệ phi lợi nhuận của Mỹ, vì nội dung Tiếng Anh xuất sắc, tính tương tác cao và hoàn toàn miễn phí. Cô cũng sử dụng VietJack.com, một nền tảng bản địa có chức năng số hóa tất cả các học liệu mà trường công lập yêu cầu.

Khi COVID-19 khiến trường học ở Việt Nam đóng cửa từ tháng 2 đến tháng 5, Lê Giang nói sẽ bắt đầu tìm kiếm các nền tảng học trực tuyến. "Điều tôi không thích về các nền tảng công nghệ giáo dục Việt Nam là có quá nhiều quảng cáo. Các dịch vụ của nước ngoài thì không".

Đầu tư vào edtech ở Việt Nam còn khá khiêm tốn. Thống kê của Do Ventures cho thấy 3 triệu USD rót vào mảng này trong nửa đầu năm nay, quá nhỏ bé so với con số 64 triệu USD của mảng bán lẻ trong cùng kì.

Hồ Hồng Bảo Trâm, đồng sáng lập và CEO Kyna for Kids, một dịch vụ học trực tuyến cho trẻ em và học sinh từ lớp 10 trở xuống, giải thích rằng rất khó để các startup edtech địa phương gọi được vốn lớn.

 "Startup edtech cần vốn ban đầu để xây dựng sản phẩm, thay vì chỉ để xây môt nền tảng đáp ứng nhu cầu người dùng hoặc một nơi để bán khóa học. Mấu chốt là xây dựng các nội dung hấp dẫn, công nghệ giúp trải nghiệm học tập trơn tru và tối ưu vận hành", nhà sáng lập chia sẻ thêm.

Trước đây, Trâm vận hành Kyna.vn, nền tảng cung cấp khóa học ngắn cho người lớn, trực tiếp cạnh tranh với Edumall của Topica. Hồi tháng 12/2019, Kyna.vn được bán cho Navigos Group.

Không đủ vốn khiến nhiều công ty edtech nghĩ đến phương án sáp nhập. Hocmai là một ví dụ tiêu biểu. Ra mắt năm 2007, Hocmai cho biết có 4 triệu học viên và 1.200 khóa học mỗi cấp trên website của mình nhưng đến tháng 8, startup 13 năm tuổi đã bị thâu tóm bởi tập đoàn Galaxy.

Sức ép từ đối thủ ngoại quốc

Khi những công ty bản địa đang gặp vấn đề, thì nhiều công ty nước ngoài đang khuấy động thị trường edtech ở Việt Nam.

Ruangguru, startup edtech hàng đầu của Indonesia, chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên ngoài sân nhà. Năm ngoái, Ruangguru gọi thành công 150 triệu USD vốn đầu tư.

Ruangguru đang vận hành Kien Guru và nhắm đến đối tượng học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông. Kien Guru hiện đang có 6.500 video giảng dạy cùng 50.000 bài tập và giá dịch vụ chỉ khoảng 3.400 USD một ngày.

Duolingo, ứng dụng học Tiếng Anh của Mỹ với định giá 1,5 tỉ USD, cũng coi Việt Nam là thị trường ưu tiên ở Châu Á do nhu cầu học Tiếng Anh cao.

Hồi tháng 2, Snapask, ứng dụng gia sư theo yêu cầu ở Hong Kong, công bố vòng đầu tư Series B trị giá 35 triệu USD. Timothy Yu, CEO và đồng sáng lập, nhấn mạnh Việt Nam là thị trường mục tiêu tiếp theo ở Đông Nam Á.

"Để cạnh tranh với các công ty nước ngoài trường vốn, đặc biệt ở mảng ngoại ngữ, các startup địa phương cần tận dụng hiểu biết của mình về tâm lý phụ huynh và nhu cầu học viên", Bảo Trâm (Kyna for Kids) nói.

Trong khi đó, Tony Ngo của Everest Education cũng nghĩ rằng các công ty nước ngoài có thể tận dụng kinh nghiệm và khả năng công nghệ song để chinh phục thị trường, mấu chốt nằm ở khả năng địa phương hóa.

Thái Sơn