|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sôi động thị trường edtech Việt: Quy mô tới 3 tỷ USD, một loạt startup gọi vốn thành công cả chục triệu USD

10:43 | 10/05/2023
Chia sẻ
Thị trường edtech (công nghệ giáo dục) tại Việt Nam được đánh giá là một trong 10 thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, được chứng minh qua việc số lượng startup cũng như vốn đầu tư đổ vào ngành này ngày càng tăng.

Edtech (công nghệ giáo dục) trong vài năm qua đã trở thành một trong những lĩnh vực được quan tâm hàng đầu, được thúc đẩy trong đại dịch COVID-19, thời điểm nhiều trường học buộc phải cho học sinh học trực tuyến để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Cũng vì vậy mà thị trường edtech toàn cầu đã chứng kiến sự gia nhập của nhiều startup. Tại Việt Nam, điều này cũng không ngoại lệ. Lĩnh vực này cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều startup và giới đầu tư cả trong và ngoài nước.

Giai đoạn 2022 – 2023, thị trường edtech Việt Nam đã chứng kiến sự sôi động của nhiều thương vụ đầu tư, gọi vốn hay thậm chí có cả thâu tóm giữa các quỹ đầu tư và các startup đang hoạt động tại Việt Nam.

Mới nhất, Teky Alpha, một startup edtech có trụ sở tại Hà Nội được thành lập bởi bà Đào Lan Hương vào năm 2016 và tập trung vào việc cung cấp giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học (STEAM) đã gọi vốn thành công 5 triệu USD từ công ty đầu tư Sweef Capital có trụ sở tại Singapore.

Teky Alpha điều hành 16 học viện STEAM tại 5 thành phố trên khắp Việt Nam và đã hợp tác với hơn 45 trường học trên cả nước để cung cấp các khóa học STEAM cho hơn 25.000 trẻ em. Theo một thông báo, nguồn vốn đầu tư mới này sẽ hỗ trợ việc mở rộng các dịch vụ giáo dục của Teky trong hệ thống trường công lập của Việt Nam và các chương trình sau giờ học cho trẻ em từ 5 đến 18 tuổi.

Cũng trong tháng này, công ty công nghệ giáo dục Ruangguru có trụ sở tại Indonesia đã mua lại nền tảng học tập trực tuyến Mclass của Việt Nam. Thỏa thuận này nhằm mục đích phát triển phạm vi và khả năng của Ruangguru trên khắp Đông Nam Á.

Được thành lập vào năm 2019 bởi hai nhà đồng sáng lập Nguyễn Văn Khải và Nguyễn Minh Thắng, Mclass cung cấp các buổi giảng dạy trực tiếp về toán, khoa học, văn học và luyện thi một số kỳ thi như IELTS.

Các giáo viên trên ứng dụng này đã chứng kiến khoảng 85.000 học viên tham gia các lớp học trực tiếp của họ và có hơn 10 triệu người theo dõi trên mạng xã hội của startup này. Mclass được đánh giá là nền tảng giảng dạy trực tiếp hàng đầu trong phân khúc giáo dục phổ thông tại Việt Nam.

Một số thương vụ gọi vốn tiêu biểu của startup edtech tại Việt Nam giai đoạn 2022 - 2023. (Nguồn: Doanh Chính tổng hợp).

Trước đó, vào tháng 4, MindX, một startup edtech khác tại Việt Nam đã gọi vốn thành công 15 triệu USD, qua đó nâng tổng số vốn kêu gọi thành công qua các vòng gọi vốn lên 18,5 triệu USD. Công ty công nghệ giáo dục MindX có trụ sở tại Việt Nam cho biết họ đã có 32 cơ sở tại Việt Nam kể từ khi hoàn thành vòng gọi vốn Series A vào năm 2021. Công ty cho biết vòng gọi vốn mới đã giúp đơn vị trở thành nền tảng dạy viết mã (code) lớn bậc nhất tại Đông Nam Á.

Không chỉ tạo được điểm nhấn trong năm nay, mà vào năm 2022, thị trường edtech Việt cũng đã chứng kiến sự sôi động với hàng loạt thương vụ gọi vốn thành công của nhiều startup, trong đó có cả những thương vụ gọi vốn thành công hàng triệu USD.

Tiểu biểu có thể nhắc tới Edupia, một công ty khởi nghiệp về lĩnh vực edtech có trụ sở tại Việt Nam, đã huy động thành công 14 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A do Jungle Ventures dẫn đầu vào tháng 9/2022. Quỹ đầu tư EWTP Capital do gã khổng lồ Alibaba “chống lưng” và quỹ đầu tư ThinkZone Ventures của Việt Nam cũng tham gia vòng gọi vốn này của Edupia.

Virtual Internship cũng là một ví dụ tiêu biểu khác khi đã huy động được 14,3 triệu USD trong một vòng gọi vốn Series A do Hambro Perks dẫn đầu, với sự tham gia của Sequoia India & Southeast Asia’s Surge và STIC Investments.

Ngoài ra, thị trường startup edtech Việt Nam trong năm 2022 còn chứng kiến một số startup khác gọi vốn thành công như Marathon, Azota hay VUIHOC với những số tiền đầu tư khác nhau.

Thị trường phát triển nhanh, còn nhiều tiềm năng khai thác

Theo dữ liệu từ Statista, doanh thu từ thị trường dạy học trực tuyến tại Việt Nam vào năm 2023 có thể đạt mức 328,2 triệu USD. Doanh thu được dự đoán tăng trưởng đều trong giai đoạn 2023 – 2027 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 10,4%. Dự báo tới năm 2027, tổng doanh thu từ thị trường dạy học trực tuyến tại Việt Nam sẽ cán mốc 487,57 triệu USD.

Doanh thu dự kiến của thị trường giáo dục trực tuyến Việt Nam giai đoạn 2017 - 2027. (nguồn: Statista - Doanh Chính tổng hợp).

Trong khi đó, báo cáo của Ken Research dự báo rằng quy mô thị trường giáo dục trực tuyến của Việt Nam sẽ cán mốc 3 tỷ USD vào năm 2023 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt khoảng 20,2% trong giai đoạn 2019 – 2023. Việt Nam cũng nằm trong top 10 thị trường edtech có tốc độ tăng trưởng lớn nhất thế giới với tỷ lệ khoảng 44,3%.

Theo báo cáo của GetJSC, hơn 30 triệu USD vốn đầu tư đã được rót vào thị trường edtech Việt Nam trong năm 2022, qua đó biến lĩnh vực này thành một trong 4 ngành được các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu.

Thị trường startup edtech Việt mặc dù đã ghi nhận một số dấu ấn, song vẫn còn tương đối non trẻ, kết hợp với những con số trên, rõ ràng tiềm năng để khai thác thị trường edtech Việt Nam vẫn còn tương đối rộng mở, đặc biệt là với những startup có khả năng gọi vốn hàng triệu USD.

Bên cạnh đó, tháng 7/2021, chính phủ từng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 áp dụng hình thức đào tạo trực tuyến tại 90% trường đại học, 80% trường trung học phổ thông và cơ sở dạy nghề. Điều này không những giúp Việt Nam chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao hơn đối với nhu cầu trong tương lai, đặc biệt là đào tạo các kỹ năng số, mà còn thúc đẩy hơn nữa các startup cũng như quỹ đầu tư và các đơn vị liên quan phát triển thị trường edtech.

Doanh Chính

M&A bất động sản một thập kỷ nhìn lại
Trong 10 năm qua, thị trường M&A bất động sản tại Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động và có sự phát triển đáng chú ý. Các thương vụ M&A chủ yếu tập trung vào các phân khúc văn phòng, công nghiệp, nhà ở và khách sạn tại các thành phố trọng điểm như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.