Hành trình lập nghiệp của vợ chồng Shark Bình từ con số 0 tới cơ nghiệp triệu đô
Shark Bình tên thật là Nguyễn Hoà Bình. Ông là Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Tập Đoàn NextTech, và được công chúng biết đến nhiều hơn dưới cái tên “Shark Bình” khi tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam năm 2019 với tư cách là nhà đầu tư (Shark - cá mập).
Theo tóm tắt tiểu sử từ Shark Tank Việt Nam, hiện Shark Nguyễn Hoà Bình đang nắm giữ bằng thạc sĩ về Quản trị thông tin của Đại học Osaka. Năm 2001, khi còn là sinh viên đại học Quốc Gia Hà Nội, ông Nguyễn Hòa Bình thành lập Công ty giải pháp phần mềm Peacesoft (tiền thân của NextTech Group sau này) hoạt động trong lĩnh vực cung cấp phần mềm cho cơ quan doanh nghiệp.
Sau 20 năm, dưới sự lãnh đạo của Shark Bình, NextTech đã xây dựng cho mình một hệ sinh thái công nghệ với hơn 20 công ty cung cấp các dịch vụ trên nền tảng số. Ông Bình được bình chọn trong top những người có ảnh hưởng nhất đến Internet tại Việt Nam giai đoạn 2007-2017.
Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, đằng sau thành công của người đàn ông có ảnh hưởng nhất tới internet Việt Nam luôn có bóng hình một người phụ nữ, đó là người vợ Đào Lan Hương - một nữ doanh nhân khá nổi tiếng trên thương trường.
Khởi nghiệp từ lúc ngồi trên ghế nhà trường
Theo tờ ICT Việt Nam, bà Đào Lan Hương đã sát cánh cùng chồng là ông Nguyễn Hoà Bình thành lập tập đoàn Nexttech sau một thời gian quen nhau khi sinh hoạt chung tại Trung tâm tài năng trẻ FPT.
Trong khi đó, tờ Thể thao & Văn hoá cho hay, trước đây vợ Shark Bình từng là học sinh chuyên Hóa trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Năm 18 tuổi bà đỗ Kinh tế quốc dân và cùng chồng là Shark Nguyễn Hoà Bình khởi nghiệp khi chỉ vừa bước sang tuổi 19, 20.
Chia sẻ với báo giới, nữ doanh nhân cho biết bản thân đã phải làm việc vất vả, luôn trong tâm thế sẵn sàng lao vào xử lý mọi tình huống cấp thiết. Nói về khoảng thời gian đầy khó khăn đó, vợ Shark Bình bùi ngùi, bà vẫn chưa thể quên những đêm trường kỳ làm việc, xử lý hợp đồng dự án, sáng hôm sau tới trường như bình thường.
Trong một lần tham gia chương trình CEO – Chìa khóa thành công, Shark Bình cũng chia sẻ về hành trình khó khăn khi thành lập và phát triển PeaceSoft hay Nexttech sau này. Ông kể rằng gần 3 năm đầu khiến ông mệt mỏi bởi nghề đi “code dạo” cứ ráo mồ hôi là hết tiền, những khi ốm đau không làm được là đói.
Khi ở Việt Nam bắt đầu phát triển Internet, nhà sáng lập NextTech khi đó đã bắt đầu nghiên cứu và tham khảo mô hình của eBay và Alibaba. Sau đó, ông xây dựng dự án và gọi vốn thành công từ quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures tại Việt Nam. Nhờ vậy, PeaceSoft nhanh chóng thay đổi chiến lược, mở rộng quy mô, tuyển dụng nhân sự mở sàn thương mại điện tử Chodientu.vn.
Sau thất bại tại thị trường Trung Quốc, Tập đoàn eBay (Mỹ) chuyển hướng sang thị trường Đông Nam Á và PeaceSoft là ứng cử viên sáng giá được chọn làm đối tác kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam.
Đây được cho là thời điểm cực thịnh của Peacesoft bởi theo ông Bình eBay xuất hiện ở Việt Nam đúng vào thời điểm dân Việt đang “khát hàng ngoại”. Ebay.vn đã “chắp cánh” cho người Việt có thể mua sắm khắp thế giới. Nhân cơ hội đó, Peacesoft đã xây dựng thêm Nganluong.vn nhằm hỗ trợ thanh toán cho Chodientu.vn và eBay.vn.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại điện tử kéo đến. Khi thị trường thương mại điện tử Việt Nam dần phát triển, các tên tuổi lớn như Lazada và Shopee lần lượt nhảy vào. Điều này dường như là một cú giáng trí mạng đối với Peacesoft khi đối tác chiến lược eBay không muốn tiếp tục cuộc chơi đốt tiền nên quyết định rời Việt Nam.
Sau khi ngừng hợp tác với eBay, ông Bình nhận ra, lượng mua sắm qua online chỉ chiếm 2%, còn đến 98% vẫn giữ thói quen mua sắm trong các môi trường truyền thống. Vị “cá mập” cũng nhận định, trong cuộc chơi thương mại điện tử, PeaceSoft có thể yếu hơn nhiều lần so với các đối thủ đến từ nước ngoài, song, trong môi trường truyền thống, Peacesoft hoàn toàn có đủ khả năng phát triển mạnh mẽ.
“Tại sao không điện tử hóa các giao dịch truyền thống trong đời thực?”, Shark Bình đặt câu hỏi. Từ đó, ông Nguyễn Hoà Bình chuyển hướng kinh doanh từ “thương mại điện tử” sang phát triển “điện tử hóa thương mại” và tầm nhìn về tập đoàn Nexttech được ra đời từ đó.
Về phía bà Đào Lan Hương, gắn bó với Shark Bình trong 15 năm thanh xuân để xây dựng Nexttech, năm 2017, bà rời vị trí Phó Chủ tịch tập đoàn để xây dựng sự nghiệp của riêng mình. Học viện Công nghệ Teky ra đời với mục tiêu trở thành tổ chức Đổi mới giáo dục công nghệ dẫn đầu tại Khu vực Đông Nam Á.
Ngã rẽ này xuất phát từ một chuyến công tác của bà Đào Lan Hương khi sang Trung Quốc tham quan về hội chợ giáo dục tại Trung Quốc. "Bốn năm trước tôi đã bị choáng ngợp với nền giáo dục ở Trung Quốc, các vấn đề học tập, hội thảo trực tuyến và các lớp kết nối giáo viên dạy ở trường đại học với rất nhiều điểm cầu học offline khác nhau trên toàn quốc đã rất phổ biến. Các thiết bị hỗ trợ việc đó nhiều nhản nhan và rất hiện đại.
Tôi thấy việc giảng dạy công nghệ tuy rất mới, nhưng đó chắc chắn sẽ là một xu hướng tất yếu phải bùng nổ ở Việt Nam. Tôi nhìn thấy đồng thời cả hai thứ là cơ hội đóng góp cho đất nước và thị trường đại dương xanh rộng lớn đang chờ mình khai phá", bà Hương kể.
Tài giỏi không kém chồng, sau khoảng thời gian dịch bệnh, đến nay Teky có 16 học viện trên toàn quốc tại 5 thành phố (Hà Nội - Hồ Chí Minh - Hải Phòng - Quảng Ninh - Bình Dương), 300 nhân viên toàn thời gian và 500 giảng viên cộng tác.
Trong khi đó, Nexttech từ con số 0 đã trở thành một tập đoàn có 2.000 nhân viên, hoạt động trên 8 quốc gia tại Đông Nam Á, hoạt động chính trong các lĩnh vực Thanh toán điện tử, Thương mại điện tử, Vận chuyển và hậu cần (Logistics), Chuyển đổi số, quỹ đầu tư khởi nghiệp Next100.