|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hành trình khởi nghiệp gian nan của ông chủ công ty vận tải Phong Mã

08:38 | 15/06/2019
Chia sẻ
Bắt đầu kinh doanh vận tải từ cuối năm 2014, nhưng trong gần 4 năm sau đó, Phạm Văn Thành luôn chịu lỗ. Mãi tới cuối năm 2018, công ty mới có lời.

Anh Phạm Văn Thành lập Công ty Cổ phần Vận tải Phong Mã vào tháng 7/2014 và công ty chính thức hoạt động từ tháng 12 cùng năm. Ban đầu, Thành mở 9 văn phòng, bao gồm 4 văn phòng ở Sài Gòn, 5 văn phòng ở Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Đà Nẵng.

Ngay từ khi mới bắt đầu, Phong Mã đã đối mặt một thử thách mà Thành không ngờ. Anh mua xe nhưng người bán không giao xe đúng thời hạn.

"Hai bên ký hợp đồng tháng 11/2014. Tôi mua 4 xe nhưng họ chỉ giao 2 xe đúng thời hạn", Thành kể.

Doanh thu 20 triệu, chi phí 200 triệu

Vì thiếu xe nên doanh thu của công ty Phong Mã thấp. Trong tháng đầu tiên, doanh thu chỉ đạt 20 triệu đồng, trong khi chi phí lương lên tới 80 triệu đồng, tiền thuê văn phòng khoảng 80 triệu đồng. Tổng chi phí tháng đầu lên tới 200 triệu đồng.

Ngoài ra, vì thiếu xe, Phong Mã nhiều lần giao hàng trễ, khiến khách hàng bực và không tiếp tục thuê xe của công ty.

"Ví dụ, khi khách ở Sài Gòn gửi hàng vào Nha Trang, chúng tôi mất 5 ngày để vận chuyển. Trong khi đó, nếu khách gửi xe khách hoặc xe tải của công ty khác thì chỉ sau hai ngày hàng sẽ tới đích", Thành nói.

Mãi tới tận tháng 8/2015, bên bán mới giao đủ xe. Sau đó, Thành mua thêm một xe tải 8 tấn của nhà cung cấp khác và lần này anh may mắn nhận xe đúng thời hạn.

Do công ty mới gia nhập thị trường nên Thành không thể tính giá cao. Chi phí thuê văn phòng cao cùng tiền lãi ngân hàng khiến Phong Mã lỗ nặng. Trong năm 2015, Thành phải đóng hai văn phòng ở Sài Gòn. Đối với văn phòng ở các tỉnh, anh giảm nhân sự từ hai người mỗi văn phòng xuống còn một người.

Phong Ma 6

Một xe tải 15 tấn của công ty Cổ phần Vận tải Phong Mã.

Để tìm khách, trong thời gian đầu, Thành phát tờ rơi ở nhiều chợ như chợ An Đông, chợ dược quận 10, chợ sỉ Tân Bình.

Hiện tại, công ty có 5 xe tải nhỏ và 6 xe tải lớn, 14 văn phòng ở nhiều tỉnh, thành. Sau đó anh thuê dịch vụ quảng cáo qua tin nhắn SMS (giống như một số công ty bất động sản).

"Nhiều người mắng chúng tôi nhiếc thậm tệ khi nhận tin nhắn quảng cáo. Ngại lắm nhưng tôi vẫn phải tiếp tục làm vậy để kiếm khách", Thành kể.

Mặc dù vậy, cách làm ấy cũng không mang lại kết quả khả quan. Xe nhỏ nên chỉ có thể lấy giá thấp, mà chi phí lại cao. Doanh thu tới tháng 12/2015 đạt tầm 300 triệu nhưng vẫn lỗ khoảng 200 triệu. Tới năm 2016, doanh thu đạt 700 triệu, lỗ chừng 100 triệu.

Các cổ đông mới gia nhập

"Sang năm 2017, tôi có thêm một cổ đông. Anh ấy góp vốn để tôi mua 2 xe tải 15 tấn. Tôi cũng mua thêm xe tải nhỏ, làm xe trung chuyển để lấy hàng tận nơi. Nhưng sau đó thu vẫn chưa đủ bù chi", Thành nói.

Khoảng tháng 11/2017, một người từng làm phó tổng giám đốc một doanh nghiệp vận tải lớn góp vốn vào công ty và trở thành cố vấn cho Thành. Nhờ sự góp mặt của cổng đông mới mà chất lượng phục vụ của Phong Mã cải thiện rõ rệt.

Tháng 8/2017, Thành làm trang web và quảng cáo trên Google. Cuối năm ấy, doanh thu tăng lên 1,2 tỉ đồng nhưng vẫn chưa có lời. Tháng 8/2018, một cổ đông mới rót thêm tiền nên công ty có thêm vốn để trang trải chi phí. Đến cuối năm 2018, doanh thu tháng tăng lên 1,8 tỉ đồng. Hiện nay công ty đã có lời.

Phong Ma 4

Một văn phòng của công ty Cổ phần Vận tải Phong Mã ở TP Hồ Chí Minh.

Điểm thuận lợi của Phong Mã, theo Thành, là công ty khai thác các tuyến miền Trung.

"Miền Trung chưa có chành xe nào làm bài bản, chuyên nghiệp nên Phong Mã có cơ hội rất lớn", anh nhận định.

Chiến lược kinh doanh của Thành là giá thấp, giao hàng nhanh. Anh tâm niệm rằng muốn thành công, anh phải làm xuất sắc hơn mọi đối thủ.

"Chúng tôi tuyển người nhanh nhẹn, mua xe xịn, mua đủ những phần mềm và phần cứng cần thiết. Nhiều công ty vận tải không có xe để lấy hàng tận nơi, nhưng Phong Mã có. Văn phòng của chúng tôi nằm ở 4 góc của Sài Gòn nên khách gửi hàng rất tiện", Thành phát biểu.

Thái Dương