|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hành lang du lịch, hộ chiếu miễn dịch: Những giải pháp để tái khởi động ngành du lịch một cách an toàn

17:21 | 04/06/2020
Chia sẻ
Trong thời gian ngắn hạn, tương lai của ngành du lịch sẽ là "hành lang du lịch"giữa các khu vực. Một biện pháp khác là để hành khách mang "hộ chiếu miễn dịch".

Vào một ngày nắng đẹp trên khu phố du lịch nổi tiếng bậc nhất của thủ đô Bangkok, bà chủ Cletana Thangworachai bắt đầu mở cửa tiệm.

Nằm ngay trên phố Khao San, cửa tiệm của bà tràn ngập những viên nam châm lấp lánh, những vòng chìa khóa hình con voi rực rỡ sắc màu cùng những chiếc quần họa tiết cotton vốn đã trở thành "đồng phục" cho mọi vị khách ba lô nào ở miền Đông Nam Á. Tuy nhiên, giờ đây, chẳng ai mua chúng nữa.

Đại dịch COVID-19 đã gây tác động ghê gớm với ngành du lịch. Theo ước tính của Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc, du lịch quốc tế có thể giảm tới 80% trong năm 2020 so với năm 2019, khiến ít nhất 100 triệu việc làm đối mặt với rủi ro. 

Ở Thái Lan, nơi doanh thu từ du lịch chiếm 18% GDP của đất nước, Cơ quan Du lịch dự kiến số lượng khách thăm quan có thể giảm 65% trong năm nay.

Cũng giống như bà Cletana, nhiều người lao động khác đang phải vật lộn để kiếm sống. Trước đại dịch COVID-19, Cletana có thể kiếm 300 USD mỗi ngày. Tuy nhiên, vào tháng 4, Thái Lan đã cấm tất cả các chuyến bay quốc tế vào đất nước này và hiện tại, thu nhập hằng ngày của bà đã giảm xuống chỉ còn 2 USD, thậm chí đôi khi còn bằng 0.

Dẫu vậy, người phụ nữ 45 tuổi ấy, đã kinh doanh đồ lưu niệm trên con phố này trong hơn một thập kỉ qua, vẫn mở cửa tiệm mỗi ngày với hi vọng có thể gặp may mắn khi một vị khách du lịch hiếm hoi đi qua.

Hàng lang du lịch, hộ chiếu miễn dịch: Những giải pháp để tái khởi động ngành du lịch một cách an toàn - Ảnh 1.

Vũ công đeo tấm nhựa che mặt khi biểu diễn trong một sự kiện ở thành phố Bangkok, Thái Lan hồi tháng 5. Ảnh: Getty Images

Trước vô vàn những nguy cơ liên quan đến nền kinh tế và kế sinh nhai, nhiều quốc gia trên thế giới đang tìm cách để giữ cho các doanh nghiệp ngành du lịch tồn tại.

Úc và New Zealand đã cam kết tạo ra một "hành lang du lịch" cho phép các chuyến thăm giữa 2 quốc gia trong điều kiện phải đảm bảo an toàn. Trung Quốc cũng đã bắt đầu cho phép du lịch nội địa dù biên giới của họ vẫn đóng cửa đối với hầu hết người nước ngoài. Thái Lan đang cân nhắc khả năng tăng gấp đôi các khu du lịch nghỉ dưỡng đặc biệt so với các khu vực cách li.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng ngay cả với những sáng kiến mới thì có thể vẫn phải mất rất nhiều năm sau để du lịch tăng trưởng lại ở mức trước đại dịch COVID-19. Thậm chí khi việc đó xảy ra, chúng ta cũng không thể đi du lịch theo cách quen thuộc.

Hành lang du lịch

Trong thời gian ngắn hạn, tương lai của ngành du lịch sẽ là "hành lang du lịch"giữa các khu vực.

Úc và New Zealand đã cam kết một hành lang du lịch, dự kiến sẽ không mất tới một vài tháng. Tại châu Âu, các quốc gia Estonia, Latvia và Lithuania đã công bố kế hoạch mở cửa biên giới nội bộ cho công dân của 3 nước từ ngày 15/5.

Đối với hầu hết các quốc gia, việc đóng cửa biên giới không phải là một lựa chọn để ứng phó lâu dài với đại dịch. Các chuyên gia cũng dự đoán đây chỉ là vấn đề thời gian trước khi các quốc gia khác tự tạo ra một nền "hành lang du lịch" của riêng họ.

Theo ông Mario Hardy – Giám đốc điều hành của Hiệp hội Du lịch Châu Á Thái Bình Dương (PATA), Việt Nam và Thái Lan có thể xem xét việc tạo hành lang du lịch trong một vài tháng tới. Nhà phân tích hàng không Brendan Sobie hi vọng sẽ thấy các thỏa thuận tương tự ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Khi các quốc gia tìm kiếm đối tác để cùng hợp tác, họ sẽ phải xem xét một vài yếu tố. Các quốc gia này sẽ tìm kiếm các quốc gia khác có sự bùng phát dịch bệnh trong tầm kiểm soát, dựa trên những số liệu thống kê mà họ có thể tin tưởng. Ông Hardy cho rằng có khả năng các nước đó sẽ bắt đầu ở trong khu vực trước.

"Các quốc gia sẽ bắt tay với những quốc gia khác có mối quan hệ chính trị chặt chẽ. Chẳng hạn như New Zealand và Úc là hai quốc gia có mối quan hệ chính trị thân thiết. Chính vì vậy cái bắt tay du lịch của họ hoàn toàn có ý nghĩa", ông Benjamin Laquinto – nhà Địa lí du lịch của đại học Hong Kong, khẳng định.

Ở châu Á, câu hỏi lớn đặt ra sẽ thuộc về Trung Quốc, nơi hiện đang là thị trường lớn nhất thế giới về du lịch nước ngoài. Theo ông Bill Barnett - giám đốc quản lí của công ty tư vấn khách sạn toàn cầu C9 Hotelworks, các khảo sát cho thấy khách du lịch Trung Quốc chỉ lui tới những điểm đến quen thuộc và không đi quá xa. Điều đó có nghĩa Thái Lan, nơi thu hút khoảng 11 triệu khách du lịch Trung Quốc hằng năm, có thể là một trong những quốc gia đầu tiên mở cửa du lịch đến Trung Quốc.

Theo bà Freya Higgins-Desbiolles, giảng viên cấp cao tại Đại học Southern Australia, Trung Quốc có thể ít quan tâm đến việc mở cửa du lịch đến những quốc gia không chào đón người dân nước này trong thời gian bùng phát đại dịch, chẳng hạn như nước Úc.

"Tôi nghĩ rằng nền du lịch sẽ bị tổn hại bởi các trò chơi hoặc các chiến lược địa chính trị được thực hiện để tận dụng cuộc khủng hoảng này", bà nói.

Nền "hành lang du lịch" cũng rất mong manh. Nếu một quốc gia lại bùng lên các ca nhiễm mới thì ngay lập tức, các hành lang du lịch sẽ phải đóng cửa, theo ông Hardy.

Thông quan biên giới

Theo các chuyên gia, sẽ phải mất một thời gian dài trước khi ngành du lịch bước ra khỏi nền "hành lang du lịch" trong khu vực. Điều đó có nghĩa việc đi lại từ Mỹ đến Châu Á sẽ còn phải mất một khoảng thời gian khá dài nữa.

"Cho đến khi nước Mỹ kiểm soát được tình hình, rất ít quốc gia sẽ cho phép người dân đi đến những nơi họ muốn. Các quốc gia khác nếu không kiểm soát được dịch bệnh thì sẽ bị bỏ rơi trong một thời gian dài", ông Hardy nhận định.

Đối với các quốc gia phụ thuộc nhiều vào du lịch, họ sẽ cần phải cân bằng giữa mối lo ngại về sức khỏe và nền kinh tế. Tuy nhiên, ngay cả khi các quốc gia này cảm thấy áp lực và buộc phải mở cửa nền "bong bóng du lịch", điều đó không có nghĩa họ sẽ đón một lượng lớn khách du lịch.

Ông Sobie chỉ ra rằng: "Khi một quốc gia muốn mở cửa, cho dù với bất kì lí do nào đi chăng nữa, nếu du khách cảm thấy không yên tâm khi đến đất nước đó thì việc mở cửa du lịch cũng không có tác dụng".

Dù vậy, vẫn có những chiến lược cho ngành du lịch bên cạnh nền "du lịch bong bóng". Thái Lan đang xem xét mở một số khu vực nhất định cho khách du lịch nước ngoài. Du khách sẽ được đưa đến thăm quan ở cùng một nơi, chẳng hạn như một hòn đảo.

"Chính sách này sẽ có lợi cho cả khách du lịch và người dân địa phương vì đây gần như là một loại cách li", ông Yuthasak Supasorn – thống đốc Cơ quan Du lịch Thái Lan nói.

Tuy nhiên, sức hấp dẫn của nó sẽ phụ thuộc vào các qui định cách li ở một khu vực. Chẳng hạn, nếu các du khách người Úc vẫn phải trải qua 2 tuần cách li sau khi trở về từ kì nghỉ ở Thái Lan thì họ sẽ không mấy quan tâm đến việc nghỉ dưỡng ấy.

Trong khi đó, các quốc gia thường thu hút một số lượng lớn sinh viên nước ngoài bằng cách xem xét các qui định nới lỏng về nhập cảnh, trong đó có New Zealand. Theo Đài phát thanh truyền hình quốc gia New Zealand, quốc gia này đang xem xét cho phép sinh viên nước ngoài quay trở lại nếu họ hoàn thành 2 tuần cách li.

Những tấm hộ chiếu "miễn dịch"

Kể từ thảm họa 11/9, các sân bay trên khắp thế giới đã triển khai các biện pháp an toàn bổ sung. Nhiều chuyên gia hi vọng đại dịch COVID-19 sẽ lặp lại các biện pháp tương tự nhưng tập trung vào vấn đề sức khỏe.

Các hành khách có thể được kiểm tra thân nhiệt ngay tại sân bay hoặc được kiểm tra virus Corona trước khi lên máy bay. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những vấn đề cần phải được giải quyết xung quanh đó. Các nhà chức trách sẽ cần phải đảm bảo các xét nghiệm nhanh là chính xác và quyết định khoảng thời gian cho mỗi hành khách làm xét nghiệm virus trước giờ chuyến bay cất cánh.

Một biện pháp khác là để hành khách mang "hộ chiếu miễn dịch", tức phân loại hành khách miễn dịch với COVID-19. Trung Quốc đã ban hành các mã QR code có thể thay đổi màu sắc tùy theo tình trạng sức khỏe của người dân. Bất cứ người dân Trung Quốc nào đều phải quét mã QR code trước khi bước vào các nhà hàng và khu trung tâm mua sắm.

Tuy nhiên, vẫn còn có những vấn đề xoay quanh những tấm "hộ chiếu miễn dịch" này, nhất là đối với các trường hợp người bệnh từng hồi phục khỏi COVID-19 sẽ không thể bị tái nhiễm. Hiện tại, Theo Tổ chức Y tế Thế giới thì không có bằng chứng nào cho thấy những người từng nhiễm COVID-19 có thể bảo vệ chính họ khỏi đợt lây nhiễm thứ 2.

Hộ chiếu miễn dịch cũng có thể được sử dụng để chỉ ra một người đã được tiêm vắc-xin chống virus Corona hay chưa. Tuy nhiên phải mất ít nhất 18 tháng trở lên thì mới có vắc-xin trên thị trường, thậm chí lâu hơn cho toàn thế giới.

Bà Higgins-Desbiolles nói: "Bạn không thể mong đợi một chuyến du lịch quốc tế như trước đây cho đến khi chúng ta có vắc xin. Hiện điều ấy vẫn đang nằm trong dự đoán và mong chờ".

Kịch bản tiếp theo

Với vô vàn những điều chưa thể biết về tương lai của ngành du lịch, một trận chiến có thể nổ ra trong ngành: liệu COVID-19 có làm thay đổi mãi mãi nền du lịch, thậm chí có thể tốt hơn hay không.

Giống như ông Barnett, một số người cho rằng mọi thứ sẽ trở lại bình thường. "Tôi không nói điều đó sẽ xảy ra hôm nay hay ngày mai. Có thể nó sẽ mất 2 năm leo lên dốc để trở về trạng thái cũ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp du lịch sẽ không bị thay đổi 360 độ", ông nói.

Còn với những người khác như Hardy và Higgins-Desbiolles, họ coi đây là cơ hội để thiết lập lại ngành du lịch. Đây chính là khoảng thời gian để xem xét giải quyết các vấn đề lâu dài như ảnh hưởng của du lịch đối với văn hóa địa phương và môi trường.

Higgins-Desbiolles thổ lộ: "Những người như tôi cho rằng chúng ta cần suy nghĩ lại về mọi thứ. Nếu bạn làm du lịch đúng cách dựa trên ý tưởng về sự công bằng, lòng hiếu khách, sự tôn trọng và tương tác tốt, thì ai nấy cũng sẽ hưởng lợi từ đó bởi sau cùng, bạn sẽ cảm thấy mình được chào đón như một vị khách du lịch". Bà muốn thấy ngành du lịch chậm hơn và chu đáo hơn. Du lịch không chỉ mang lại lợi ích cho du khách mà còn cho chính nền kinh tế và cộng đồng địa phương.

Về lí thuyết, điều đó có nghĩa những người như bà chủ Cletana và những hộ kinh doanh khác ở Bangkok sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, họ tập trung hơn nhiều cho tương lai.

Một lái xe tuk-tuk trên phố Khao San, anh Niwet Phumiwetsoonthorn đã tiết lộ với CNN Travel rằng thu nhập hằng ngày của anh đã giảm từ 70 USD xuống còn 2 USD hoặc thậm chí không kiếm được đồng nào. Chính vì vậy, anh không có tiền để gửi về cho vợ con ở quê nhà. Lần đầu tiên trong cuộc đời mình, anh đã phải xếp hàng để nhận thực phẩm hỗ trợ.

Anh Niwet – một người lao động vẫn đợi chờ trên con phố vắng bóng khách - chia sẻ: "Tôi không thể dành cả ngày ở lì trong nhà và xem tin tức trên TV. Điều đó sẽ chỉ khiến tôi lo lắng hơn mà thôi. Chúng tôi vẫn động viên nhau vượt qua khoảng thời gian này".

Bà chủ tiệm Cletena – một góa phụ có con trai cần điều trị bệnh chỉ còn số tiền tiết kiệm ít ỏi và không có kế hoạch dự phòng thổ lộ: "Tôi không biết làm thế nào để tình hình này trở nên tốt hơn. Đại dịch này sẽ khiến cho chúng ta phải lo sợ trong suốt một thời gian dài".

Ngọc Anh

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.