|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hàng Việt 'bầm dập' tìm đường vào kênh phân phối ngoại

20:21 | 27/05/2017
Chia sẻ
Hàng hoá Việt Nam phải qua nhiều khâu trung gian khiến giá thành đội lên cao khi xuất hiện trên kệ của các hệ thống phân phối và bán lẻ nổi tiếng như Walmart, Lotte...

Thông tin trên được ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) chia sẻ tại hội thảo “Triển khai đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài” vừa diễn ra tại TP HCM.

Theo ông Hải, từ đầu những năm 2000, thị trường phân phối bắt đầu sôi động khi nhiều nhà phân phối hàng đầu thế giới bày tỏ sự quan tâm và dự định đầu tư. Điển hình trong đó là các doanh nghiệp châu Âu như tập đoàn Bourbon (Pháp), Metro (Đức)… Doanh nghiệp trong nước cũng bắt đầu tiếp cận trực tiếp nhằm đưa hàng vào các hệ thống này.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài nhìn lại thì hầu hết sản phẩm Việt Nam góp mặt tại các hệ thống này đều phải qua rất nhiều khâu trung gian. Điều này khiến sức cạnh tranh của hàng hoá bị giảm đáng kể do giá thành đến tay nguời tiêu dùng tăng cao với giá trị thực tế. Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, hành trình đưa sản phẩm mang thương hiệu riêng vào hệ thống phân phối ngoại còn gian nan gấp nhiều lần do hạn chế về mẫu mã, chứng nhận chất lượng…

“Thái Lan hơn chúng ta bởi họ đưa được sản phẩm vào mạng lưới phân phối quốc tế, trong khi hàng hoá Việt Nam đa dạng nhưng chỉ dừng lại ở việc thông qua đại lý. Nếu thông qua càng nhiều khâu trung gian, doanh nghiệp càng thiệt thòi do không nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, không phát triển được thương hiệu…”, ông Hải nói.

hang viet bam dap tim duong vao kenh phan phoi ngoai
Hàng hoá Việt Nam bị giảm sức cạnh tranh do phải qua nhiều khâu trung gian khi xuất khẩu vào hệ thống phân phối ngoại.

Theo phân tích của một số doanh nghiệp, nguyên nhân vấn đề này xuất phát từ mối quan hệ giữa doanh nghiệp với các nhà phân phối nước ngoài còn nhiều bất cập. Điển hình như ngoài những yếu tố khách quan từ phía nhà cung cấp thì quy trình và chính sách thu mua hàng hoá của đơn vị phân phối cũng chưa minh bạch, chưa tạo điều kiện tháo gỡ những khó khăn về chất lượng, tiêu chuẩn an toàn của sản phẩm.

Ông Nishitoghe Yasuo, Tổng giám đốc AEON Việt Nam, cho biết dù chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp trong nước đang được cải thiện rõ rệt so với trước đây nhưng nhìn nhung, vấn đề nguồn hàng ổn định, phong phú chủng loại và kiểm soát tốt chuỗi sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lại còn không ít hạn chế.

“Trong năm qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của 1.675 nhà cung cấp tại Việt Nam vào hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi của AEON đạt gần 200 triệu USD. Trong đó, may mặc và giày dép chiếm gần 70%, còn lại thực phẩm và hàng gia dụng chiếm tỷ lệ tương đối khiêm tốn”, đại diện hệ thống siêu thị bán lẻ hàng đầu châu Á chia sẻ những tín hiệu lạc quan của doanh nghiệp Việt và cho biết thêm, để thẳng tiến vào 14.000 cửa hàng của riêng AEON và những nhà phân phối khác thì doanh nghiệp Việt cần khẩn trương thực hiện đồng bộ quy trình từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ.

Tại hội thảo, lãnh đạo Bộ Công Thương cam kết tiếp tục phát triển kênh xuất khẩu mới cho hàng hoá nhằm giúp doanh nghiệp rút ngắn các khâu trung gian, đưa sản phẩm Việt Nam từ khâu sản xuất trực tiếp đến tay người tiêu dùng ở các nước. Theo đó, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của đề án đã được phê duyệt từ tháng 9/2015 như xây dựng cơ sở dữ liệu phân phối, tổ chức các hoạt động kết nối, hỗ trợ đào tạo quản lý chất lượng, kỹ năng đàm phán hợp đồng với các nhà phân phối nước ngoài…

Mục tiêu trước mắt là tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài đã hiện diện tại Việt Nam và tập trung vào những nhóm sản phẩm thế mạnh như dệt may, da giầy, thủy sản, cà phê… Dự kiến đến năm 2020, hàng hóa của Việt Nam sẽ được xuất khẩu trực tiếp vào tất cả các hệ thống phân phối lớn tại khu vực châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Bắc Á.

Phương Đông