|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hàng trăm dự án chậm triển khai, ai chịu trách nhiệm?

07:08 | 24/05/2018
Chia sẻ
Chiều 23/5, Đoàn giám sát HĐND thành phố Hà Nội do Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà làm trưởng đoàn làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về tình hình quản lý các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.
hang tram du an cham trien khai ai chiu trach nhiem Kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai để 'giành đất' ở Phú Quốc
hang tram du an cham trien khai ai chiu trach nhiem Dự án chậm triển khai tại TP.HCM trước nguy cơ bị thu hồi
hang tram du an cham trien khai ai chiu trach nhiem

Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, trong giai đoạn từ 2012 đến hết năm 2017, UBND thành phố đã chấp thuận triển khai 634 dự án có sử dụng đất trong đó, 194 dự án được điều chỉnh, 198 dự án triển khai chậm. Cụ thể, phân loại theo thủ tục hành chính, đã cấp giấy chứng nhận đầu tư và điều chỉnh cho 287 dự án, trong đó có 140 dự án được điều chỉnh, 51 dự án chậm tiến độ; chấp thuận đầu tư và điều chỉnh cho 47 dự án, trong đó có 16 dự án được điều chỉnh, 15 dự án chậm tiến độ; quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh cho 300 dự án, trong đó có 38 dự án được điều chỉnh, 52 dự án chậm tiến độ. Ngoài 198 dự án chậm nêu trên, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng hơn 300 dự án triển khai chậm tiến độ được rà soát từ trước năm 2012.

Các dự án này chủ yếu vướng mắc về giải phóng mặt bằng, cần điều chỉnh quy hoạch theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. Bên cạnh việc thực hiện theo quy định về giám sát đầu tư, Sở KH&ĐT đã thực hiện các kế hoạch thanh tra theo định kỳ và thanh tra đột xuất theo yêu cầu của UBND thành phố cũng như theo quy định. Từ năm 2012 đến hết năm 2017, đã tổ chức thanh tra, ban hành 621 quyết định xử phạt hơn 7,7 tỷ đồng. Riêng năm 2017, ban hành 169 quyết định xử phạt hơn 2,9 tỷ đồng, trong đó riêng đối với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách có 139 quyết định xử phạt hơn 2,1 tỷ đồng.

Theo nhận định của Sở KH&ĐT, còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các dự án vốn ngoài ngân sách, trong đó thủ tục hành chính, thời gian và chi phí thực hiện liên quan đến thủ tục đầu tư, công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, xây dựng có nhiều cải cách nhưng còn phức tạp, chồng chéo, kéo dài thời gian, làm giảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, hiện nay chưa xây dựng, ban hành được quy định phân công công việc thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư của các sở chuyên ngành, địa phương thực hiện, báo cáo theo định kỳ.

Nhiều khu vực các dự án triển khai chậm do cần điều chỉnh quy hoạch theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu như các dự án thuộc địa bàn các quận Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thanh Trì, Mê Linh. Đặc biệt các dự án thuộc các khu đô thị vệ tinh hiện vẫn đang tạm dừng để chờ nghiên cứu quy hoạch chung các khu đô thị vệ tinh. Lãnh đạo Sở KH&ĐT cũng thừa nhận, công tác theo dõi dự án còn hạn chế. Theo quy định, cứ 6 tháng phải báo cáo tiến độ nhưng hầu hết các nhà đầu tư đều không chủ động báo cáo, hoặc rất ít đơn vị báo cáo.

Sở đã thường xuyên đôn đốc nhưng số lượng dự án lớn, việc liên hệ với nhà đầu tư còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, chưa có cơ sở pháp lý quy định việc đánh giá năng lực nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án. Nhà đầu tư hoàn toàn tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tổ chức thực hiện, tự kê khai, báo cáo. Việc yêu cầu nhà đầu tư báo cáo tài chính để kiểm tra năng lực chỉ thực hiện khi nhà đầu tư điều chỉnh dự án hoặc có các chương trình thanh tra, kiểm tra.

Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Vũ Duy Tuấn kiến nghị, với khu đô thị mới, cần xác định cụ thể quy mô sử dụng đất để làm cơ sở xác định loại hình dự án, hình thức sử dụng đất khi giao đất, cho thuê đất. Cần thống nhất quy trình triển khai thực hiện, tránh có sự mâu thuẫn giữa việc lựa chọn chủ đầu tư, nhà đầu tư theo quy định của Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch, Luật Bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, sớm xây dựng cơ sở dữ liệu dự án đầu tư trên địa bàn thành phố đồng bộ với cơ sở dữ liệu quản lý đất đai đối với các dự án đầu tư sử dụng đất để khớp nối số liệu các thông số liên quan, nhiều biến động như quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành, tình hình đầu tư. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ngành trong công tác quản lý dự án, tăng cường năng lực và giao trách nhiệm quản lý theo dõi dự án có sử dụng đất cho chính quyền địa phương cấp huyện; đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt khu đô thị vệ tinh...

Hoàng Phong