|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Người dân sống 'thấp thỏm' trong vùng dự án chậm triển khai

17:41 | 18/08/2021
Chia sẻ
Thời gian qua tỉnh Quảng Trị đã thu hút được nhiều dự án lớn đầu tư vào huyện Hải Lăng thuộc Khu kinh tế ven biển Đông Nam Quảng Trị, nhưng đến nay nhiều dự án vẫn “dậm chân tại chỗ” khiến cuộc sống của người dân trong vùng dự án lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Người dân sống 'thấp thỏm' trong vùng dự án chậm triển khai - Ảnh 1.

Khu tái định cư xã Hải Khê có tổng diện tích 50 ha, đến nay đã được đầu tư cơ bản hoàn thiện giai đoạn 1. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN).

“Thấp thỏm” trong vùng dự án

Khởi công vào tháng 2/2020 với tổng mức đầu tư là 14.200 tỷ đồng, nhưng đến giữa tháng 8 chủ đầu tư Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy vẫn chưa tổ chức thi công. 

Dự án này được triển khai tại xã Hải An, huyện Hải Lăng thuộc Khu kinh tế ven biển Đông Nam Quảng Trị, do Công ty cổ phần Liên doanh cảng quốc tế Mỹ Thủy (MTIP) làm chủ đầu tư, quy mô 685 ha bao gồm 10 bến cảng, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 tấn.

Giai đoạn 1 từ năm 2018-2025 đầu tư 4 bến với tổng vốn đầu tư 4.900 tỷ đồng. Đầu tháng 8 UBND tỉnh Quảng Trị ra văn bản cảnh báo việc chậm trễ tiến độ cam kết thi công xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy. Việc dự án chậm triển khai đã khiến người dân phải sống trong cảnh thấp thỏm trên chính mảnh đất của mình.

Căn nhà cấp 4 của ông Phan Thanh Dũng (59 tuổi), thôn Mỹ Thủy, xã Hải An được xây dựng từ hơn 20 năm trước nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Tường nhà, móng nhà nứt nẻ, xuống cấp nhưng ông Dũng không thể đập đi xây dựng lại vì căn nhà này nằm trong vùng giai đoạn 1 của dự án Khu Bến cảng Mỹ Thủy.

Người dân sống 'thấp thỏm' trong vùng dự án chậm triển khai - Ảnh 2.

Gia đình ông Võ Viết Hai, thôn Mỵ Thủy, xã Hải An gặp khó khăn do nằm trong vùng dự nên ba hồ tôm với tổng diện tích gần 1.000 m2 bị bỏ không từ năm 2020 đến nay. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN).

Ông Dũng chia sẻ, do ở một mình, hàng năm khi mùa mưa bão đến gần, ông rất lo sợ. Để tránh những cơn bão lớn, ông đành phải di chuyển đi nơi khác ở tạm.

Ông Đặng Đình Phú (61 tuổi), thôn Mỹ Thủy, xã Hải An có ba người con đều đã lập gia đình; trong đó, người con đầu xây dựng một căn nhà nhỏ sát bên cạnh nhà ông Phú nhưng đến nay vẫn chưa làm được sổ đỏ. Còn hai người con khác đã lập gia đình sinh sống trong miền Nam nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chuyển hướng muốn về quê sinh sống lập nghiệp.

Ông Phú cho biết, nguyện vọng lớn nhất của vợ chồng ông là có thể tách sổ đỏ để cắt đất cho ba người con xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống nhưng không thực hiện được do nằm trong vùng dự án.

Khi nghe chủ trương xây dựng khu bến cảng ở đây, gia đình ông Phú cũng như người dân nơi đây rất đồng tình với chủ trương của cấp trên. Tuy nhiên, sau ngày khởi công đến nay, nhà đầu tư vẫn chưa triển khai, chưa hỗ trợ người dân tái định cư.

"Bà con chúng tôi chỉ biết chờ đợi. Nếu như dự án không triển khai, không di dời dân đi nơi khác nữa thì chính quyền cần sớm thông báo cũng như tạo điều kiện cho người dân làm sổ đỏ để ổn định cuộc sống. Còn nếu triển khai thì cần có phương án hỗ trợ kịp thời cho bà con", ông Phú kiến nghị.

Khó khăn của gia đình ông Phú cũng là khó khăn chung của các hộ gia đình sống trong vùng dự án. Gia đình ông Võ Viết Hai, thôn Mỹ Thủy, xã Hải An cũng đang gặp nhiều khó khăn. Thu nhập của gia đình ông lâu nay chủ yếu dựa vào nghề đi biển và nuôi tôm. 

Người dân sống 'thấp thỏm' trong vùng dự án chậm triển khai - Ảnh 3.

Khu tái định cư xã Hải Khê có tổng diện tích 50 ha, đến nay đã cơ bản hoàn thiện giai đoạn 1. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN).

Tuy nhiên, do nằm trong vùng dự án nên ba hồ tôm với tổng diện tích gần 1.000 m2 bị bỏ không từ năm 2020 đến nay. Thế nhưng, đã qua một thời gian dài mà dự án vẫn chưa được triển khai, hồ tôm do bị bỏ hoang lâu ngày bây giờ muốn đầu tư nuôi trồng trở lại phải bỏ ra số tiền lớn. Tình cảnh “thấp thỏm” sống trong vùng dự án đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế của gia đình ông.

Gặp khó với các dự án chậm triển khai

Ngoài dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy còn nhiều dự án được cấp chủ trương đầu tư nhưng triển khai chậm tiến độ so với cam kết. 

Theo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị, các dự án đã được khởi công tại Khu kinh tế ven biển Đông Nam Quảng Trị chậm tiến độ gồm: Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị công suất 1.200 MW do Công ty điện lực Quốc tế Thái Lan (EGATi) làm chủ đầu tư khởi công vào tháng 11/2019; Nhà máy sản xuất INOX và Thép hợp kim do Công ty cổ phần thép hợp kim Tân Việt Quang làm chủ đầu tư khởi công tháng 2/2020; Dự án Hệ thống cấp nước Khu kinh tế ven biển Đông Nam Quảng Trị khởi công xây dựng vào tháng 10/2019...

Người dân sống 'thấp thỏm' trong vùng dự án chậm triển khai - Ảnh 4.

Gia đình ông Võ Viết Hai, thôn Mỵ Thủy, xã Hải An gặp khó khăn do nằm trong vùng dự nên ba hồ tôm với tổng diện tích gần 1.000 m2 bị bỏ không từ năm 2020 đến nay. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN).

Điểm chung của các dự án này là đến nay vẫn chưa triển khai thi công xây dựng công trình. Đây là những dự án động lực, quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị, thế nhưng với tình trạng chậm tiến độ triển khai hoặc chưa thực hiện các dự án so với cam kết trước đó đã tác động rất lớn đến đời sống của người dân.

Để hỗ trợ cho các dự án triển khai trên địa bàn, huyện Hải Lăng cũng đã bố trí tạo quỹ đất sạch, giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư. Tuy nhiên, nhiều dự án chậm triển khai khiến việc di dân ra các khu tái định cư để ổn định cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, khu tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy đã xong giai đoạn 1. Tuy nhiên, do dự án chưa triển khai nên chưa thể di dời dân đến ở khu tái định này. 

Tương tự khu tái định cư xã Hải Khê được triển khai từ năm 2018 với tổng kinh phí trên 252 tỷ đồng, quy mô 50 ha với 476 lô đất cũng chưa thể tiếp nhận người dân đến ở, dù đã được đầu tư hoàn thiện hệ thống điện, đường, trường, trạm, hệ thống cấp nước và thoát nước...

Ông Trương Minh Tám - Chủ tịch UBND xã Hải Khê cho biết, hiện xã có khoảng 250 hộ dân nằm trong vùng quy hoạch của Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị. Người dân rất kì vọng dự án sẽ giải quyết nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương, nhưng đến nay dự án vẫn chưa được triển khai.

Người dân sống 'thấp thỏm' trong vùng dự án chậm triển khai - Ảnh 5.

Khu tái định cư xã Hải Khê có tổng diện tích 50 ha, đến nay đã cơ bản hoàn thiện giai đoạn 1. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN).

Thực trạng trên đã tác động rất lớn về mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội như: xây dựng, sửa chữa nhà ở; đầu tư phát triển các ngành nghề; hệ thống đường giao thông bị xuống cấp; đầu tư xây dựng. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần kiến nghị thúc đẩy tiến độ của các dự án.

Ông Dương Viết Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vào khởi công xây dựng các dự án trên địa bàn, huyện đã tạo mọi điều kiện như tạo quỹ đất sạch, giải phóng mặt bằng cho các nhà đầu tư thuận lợi triển khai các dự án. Đến nay, huyện đã hoàn thành xây dựng các khu tái định cư giai đoạn 1 để đảm bảo di dân trong các vùng ảnh hưởng của các dự án.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là các nhà đầu tư chưa vào triển khai dự án nên chưa thể di dời dân lên khu tái định cư mới. Các dự án chậm triển khai đã tác động rất lớn đến người dân sống trong khu quy hoạch. 

Trước thực tế khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất của người dân, huyện đã thành lập tổ công tác về kiểm tra mức độ xuống cấp nhà dân trong khu vực quy hoạch; đồng thời kiến nghị Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị kiểm tra thực tế để có căn cứ đồng ý cho phép người dân sửa chữa nhà cửa tạm thời qua mùa mưa bão trước mắt.

Theo đại diện lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị, nguyên nhân chính khiến một số dự án chậm tiến độ là do nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính. Tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong thời gian tới.

Thanh Thủy

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.