Hàng trăm công nhân bạo loạn tại nhà máy sản xuất iPhone ở Ấn Độ do không được trả lương
Theo SCMP đưa tin, một nhà máy sản xuất iPhone do công ty Đài Loan Wistron Infocomm Manufacturing điều hành ở miền Nam Ấn Độ đã xảy ra bạo loạn xung quanh các cáo buộc liên quan đến việc doanh nghiệp này không trả lương và bóc lột người lao động.
Các nhà chức trách nước này tuyên bố sẽ truy quét những công nhân có hành vi bạo lực tại địa điểm này, cho tới nay đã có 100 người bị bắt.
Hôm 12/12, các công nhân đã gây náo loạn tại cơ sở của công ty Wistron Infocomm Manufacturing ở Narsapura, ngoại ô Bangalore, trung tâm công nghệ thông tin của Ấn Độ.
Video do SCMP thu thập được từ vụ bạo loạn cho thấy nhóm người tàn phá các tấm kính văn phòng của cơ sở, camera CCTV, quạt và đèn bằng gậy, còn ô tô thì bị lật nghiêng và phát nổ.
Đoạn video bạo loạn do tài khoản Twitter contre_capital đăng tải. (Video: contre_capital).
Theo thông tin từ truyền thông địa phương, các công nhân cho biết họ đã không được trả lương trong 4 tháng và bị buộc phải làm thêm ca. Hôm 13/12, cảnh sát địa phương chia sẻ với truyền thông rằng tình hình đã được kiểm soát và không có ai bị thương, họ cũng đã thành lập các đội đặc biệt để điều tra vụ việc.
Thứ trưởng bang Karnataka, nơi xảy ra vụ việc, ông C.N. Ashwathnarayan tuyên bố rằng chính quyền của ông sẽ giải quyết tình hình một cách nhanh chóng. "Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng các quyền của người lao động được bảo vệ thích đáng và tất cả các khoản phí của họ được xóa", trích đoạn tweet hôm 12/12 của Thứ trưởng Ashwathnarayan.
Trả lời truyền thông, công ty Wistron ở Đài Loan cho biết nguyên nhân của vụ việc là "những người không rõ danh tính từ bên ngoài xâm nhập, phá hoại cơ sở của công ty với ý định không rõ ràng".
Công ty nói thêm rằng họ "cam kết tuân theo luật lao động địa phương và các qui định liên quan khác" để hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất có thể.
Một lãnh đạo công đoàn địa phương đã có cáo buộc rằng nhà máy sản xuất iPhone đã có hành vi "bóc lột tàn bạo" đối với các công nhân trong điều kiện hết sức tồi tệ. Theo truyền thông địa phương, nhà máy này có khoảng 15.000 công nhân, mặc dù vậy, phần lớn trong số đó được kí hợp đồng thông qua các công ty cung cấp nguồn nhân lực.
Tình trạng bất ổn lao động không phải là hiếm gặp ở Ấn Độ, người lao động bị trả lương thấp và hưởng ít hoặc không có trợ cấp an sinh xã hội.
Vào tháng 9 năm nay, Quốc hội Ấn Độ đã thông qua luật lao động điều chỉnh, chính phủ nước này cũng cho biết sẽ tăng cường quyền của họ. Tuy nhiên, các nhà hoạt động lao động cho rằng luật mới khiến cho người công nhân khó đình công hơn.