|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hàng 'made in China' sẽ sớm được sản xuất tại Mỹ?

14:53 | 01/06/2017
Chia sẻ
Hàng "made in China" được sản xuất tại Mỹ sẽ sớm trở thành hiện thực trong xu hướng chuyển dịch sản xuất của nhiều doanh nghiệp lớn tại Trung Quốc. 

Hàng "made in China" của Trung Quốc - sản xuất tại Mỹ. Vâng, điều các bạn vừa đọc là hoàn toàn chính xác.

Trung Quốc đã từng là thiên đường để đặt nhà máy sản xuất với ưu thế nhân công rẻ. Nhưng gần đây chi phí dần tăng lên khiến các nhà đầu tư buộc phải tìm đến mảnh đất mới để duy trì sản xuất kinh doanh.

Mỹ không hẳn là top đầu lựa chọn cho tất cả các ngành công nghiệp, nhưng Mỹ đang trở lại tầm ngắm của các nhà đầu tư trên thế giới – rất nhiều trong số đó là người Trung Quốc. “Lý do chúng tôi muốn đầu tư vào Mỹ không chỉ vì chính quyền của Trump đang khuyến khích“ - ông Xiao Wunan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hợp tác và Hỗ trợ Giao dịch châu Á Thái Bình Dương (theo CNBC). “ Mỹ có những lợi thế hấp dẫn tự nhiên đối với đầu tư Trung Quốc”

Tại sao lại chọn Mỹ?

Lợi thế về chi phí

John Ling, chủ tịch Hội đồng Hoa Kỳ ở Trung Quốc, gợi ý những điểm đầu tư tiềm năng ở Mỹ cho các công ty Trung Quốc. Phỏng vấn với phóng viên của CNBC, ông cho rằng: "Trong mỗi dự án thực hiện tại Mỹ, nếu tôi không thể chứng minh họ sẽ giảm chi phí, thì cơ hội kí kết hợp đồng gần như bằng không."

Công nhân Mỹ kiếm được nhiều tiền so với công nhân ở Trung Quốc, nhưng Mỹ vẫn đứng trên nếu chi phí được đưa ra so sánh chung. Với nhà sản xuất hàng dệt may Keer Group ở Hàng Châu, công nhân ở Mỹ được trả lương gấp đôi ở Trung Quốc. Tuy nhiên tổng chi phí sản xuất ở Mỹ ít hơn đáng kể so với Trung Quốc. "Ở Mỹ, đất, điện và bông rẻ hơn nhiều", chủ tịch Keer Group Zhu Shanqing nói. "Chi phí sản xuất mỗi tấn vải của chúng tôi thấp hơn 25%".

Thêm vào đó, ông Shanqing nói, tiền lương tại Trung Quốc đã tăng 30% mỗi năm trong một thập kỷ qua. Ông Shanqing đã cam kết chi 220 triệu đô la để xây dựng và mở rộng nhà máy tại Nam Carolina và dự định sẽ chuyển toàn bộ công việc kinh doanh sang Mỹ - nơi ông dự kiến ​​sẽ tuyển dụng hơn 500 lao động vào cuối năm nay.

Thêm vào đó, có khả năng thuế thu nhập doanh nghiệp tại Mỹ xuống tới 15%, như đề xuất của tổng thống Trump và Mỹ trở nên hấp dẫn hơn với nhiều nhà sản xuất. "Nếu ông Trump cắt giảm thuế doanh nghiệp thêm 5%, các công ty đã rời Mỹ vài năm trước sẽ trở lại", ông nói.

Môi trường kinh doanh ổn định

So với nhiều nước khác, đặc biệt là trong thế giới các nước mới nổi, Trung Quốc đã trở thành “trụ sở sản xuất chính” ổn định cho rất nhiều nhà sản xuất trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, Mỹ có một số thuận lợi mà các công ty Trung Quốc không thích nhắc đến: không khí trong lành hơn, thực phẩm an toàn hơn, tiếp cận dễ dàng với nguồn tài trợ và chính phủ không nhũng nhiễu.

Các chính trị gia Mỹ thường khắt khe khi các công ty nước ngoài đầu tư vào Mỹ nhưng một khi họ đã được đầu tư thì chính phủ sẽ không làm phiền họ nữa. Và dù cho công ty đó là của Mỹ, Trung Quốc hay của một nước nào khác, tất cả đều được đối xử bình đẳng.

Sự gần gũi với người tiêu dùng Mỹ

Người Trung Quốc là những người tiêu dùng trong tương lai, còn người Mỹ là người mua hiện tại. Khi các công ty Trung Quốc tăng trưởng và mở rộng ra nước ngoài, nhiều người trong số họ coi thị trường Mỹ là mảnh đất màu mỡ.

GAC Motor có trụ sở tại Quảng Châu, đang nhắm tới thị trường Mỹ, cho biết họ sẽ xây dựng nhà máy ở Mỹ của mình vào một ngày không xa..

Chủ tịch GAC Motor Yu Jun phát biểu "Nếu chúng tôi có thể thành công trên thị trường Mỹ, chúng tôi có thể thành công ở bất cứ đâu trên thế giới. Có cơ sở tại Mỹ làm cho nhà sản xuất linh hoạt hơn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

“Cho dù nền kinh tế tốt hay tồi tệ, Mỹ vẫn là thị trường số một cho bất kỳ công ty nào trên thế giới", John Ling giải thích. "Bạn chắc chắn sẽ muốn ở gần hơn với khách hàng của mình.”

Ai sẽ đến Mỹ? Ai không?

Các ngành công nghiệp thâm dụng vốn: “Điều chắc chắn.”

Tất cả các công ty đều quan tâm đến việc thành lập cửa hàng ở Mỹ nhưng đây chỉ là xu hướng mới nổi, theo John Ling. Ông Ling nói cho rằng các ngành công nghiệp thâm dụng vốn như dệt, hóa chất, giấy và bao bì và phụ tùng ôtô phù hợp nhất. Tỷ phú Trung Quốc Cao Dewang, chủ công ty Fuyao Glass chuyên cung cấp cửa sổ ô tô, gần đây đã đầu tư hàng trăm triệu đô la để khôi phục một nhà máy ở Ohio. “Tôi không tin là chúng ta chỉ mới khám phá bước đầu về vấn đề này” Ling nói.

Còn đối với các ngành công nghiệp thâm dụng lao động? “Không, cảm ơn.”

Các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như may mặc không mấy quan tâm tới Mỹ. Công ty sản xuất KTC chuyên cung cấp trang phục thể thao chủ yếu ở châu Âu và Mỹ, có trụ sở ở Trung Quốc, cho biết ngành của họ vẫn phụ thuộc nhiều vào lao động. Giám đốc điều hành Gerhard Flatz cho biết, giá nhân công ở Mỹ vẫn đắt hơn Trung Quốc và các yếu tố khác sẽ không làm giảm chi phí đủ để tạo ra động lực di chuyển sang Mỹ. Ngoài ra, công nhân Mỹ không có kỹ năng trong khi công nhân Trung Quốc đã được đào tạo qua nhiều năm.

Tuy nhiên, Ling cho biết một số doanh nghiệp có lao động tay nghề cao đã có thể làm giảm chi phí chuyển dịch. Vì không giống như ở Trung Quốc, các nhà sản xuất ở Mỹ không phải lo lắng về việc xây dựng nhà ở và căn tin hoặc sắp xếp việc đi lại cho công nhân của họ. "Bạn chỉ có một căn tin nhỏ với tủ lạnh và một hoặc hai lò vi sóng", Ling nói về Mỹ.

Điều gì ngăn trở việc dịch chuyển về Mỹ?

Thiếu kỹ năng

"Chúng tôi phải đối mặt với áp lực ở Mỹ bởi vì chúng tôi không thể tìm được những công nhân lành nghề. Hầu hết mọi người đã không làm việc trong lĩnh vực này trước đây ", Chủ tịch Zhu của Keer nói.

Giám đốc Flatz của KTC đưa ra lập luận mạnh mẽ về đầu tư vào giáo dục đào tạo để việc làm Trung Quốc chuyển sang Mỹ. Theo đó, trong giáo dục đào tạo nghề, doanh nghiệp phải chắc rằng có đủ khả năng, quyền hạn đề giáo dục tại Mỹ, dù ít dù nhiều, để thúc đẩy cho cả ngành công nghiệp.

Thị thực

Để giúp đào tạo công nhân Mỹ, một số nhà sản xuất ở Trung Quốc muốn mang theo người quản lý và lực lượng lao động có tay nghề của mình, nhưng gặp khó khăn trong việc có được giấy tờ phù hợp.

"Các kỹ thuật viên của chúng tôi không thể có thị thực đến Mỹ. Chúng tôi cần nhiều nhân viên kỹ thuật này nhưng nhiều người trong số họ đã bị từ chối", Zhu nói. "Chúng tôi đang phải đối mặt với một thách thức mới."

Chuỗi cung ứng

Ngoài việc thiếu lao động có tay nghề, Flatz cho biết toàn bộ chuỗi cung sẽ phải di dời đến Mỹ đối với một số ngành. Theo Flatz: "Không ai trong số những nhà sản xuất quần áo di chuyển đến Mỹ mà không có một hệ sinh thái sẵn sàng như ở Trung Quốc”.

Mỹ sẽ phải làm những gì mà Trung Quốc đã làm cách đây hàng thập kỷ, một người giàu kinh nghiệm sản xuất Trung Quốc giải thích: thiết lập các khu kinh tế, cung cấp cơ sở hạ tầng tốt hơn và ưu đãi tài chính như một gói hỗ trợ. "Làm lại giống như người Trung Quốc", ông nói. "Và bắt đầu với từng bước một."

Hiểu Loan