Hàng không Việt Nam: Cơ hội gõ cửa giữa khó khăn
Những dấu mốc lịch sử
Có thể nói, trong quý đầu tiên của năm 2020, ngành hàng không đã chịu một "cú đấm thép" từ đại dịch COVID-19. Và có những dấu mốc đã đi vào lịch sử của ngành hàng không.
Để kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam đã dừng các chuyến bay đi hoặc đến từ Trung Quốc vào cuối tháng 1/2020 và sau đó dừng toàn bộ các đường bay quốc tế vào giữa tháng 3.
Trong giai đoạn cao điểm giãn cách xã hội (1-23/4/2020), phần lớn các chuyến bay nội địa cũng bị hủy bỏ ngoại trừ 1 số ít các chuyến bay giữa các sân bay lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng. Về cơ bản thì hoạt động vận tải hành khách đường không bị đóng băng ở Việt Nam.
Từ sau 23/4, các hãng hàng không Việt Nam được phép nối lại các đường bay nội địa với tần suất hạn chế và phải đảm bảo các biện pháp an toàn (số lượng khách tối đa trên mỗi chuyến bay, hành khách phải đeo khẩu trang).
Từ cuối tháng 5/2020, mạng đường bay nội địa về cơ bản đã được hồi phục như trước khi xảy ra dịch. Hãng hàng không Vietnam Airlines thậm chí còn công bố số chuyến bay nội địa của họ đã tăng trưởng dương so với cùng kì năm trước trong những ngày cuối tháng 5.
Bộ Giao thông Vận tải đang chuẩn bị phương án nối lại các chuyến bay thường lệ đi quốc tế từ tháng 7/2020 đến một số quốc gia Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,…
Số liệu thống kê của Công ty chứng khoán VNDirect, trong 5/2020, tổng lượt khách qua các cảng hàng không giảm 41,7% xuống chỉ còn 27,1 triệu khách, trong đó lượt khách nội địa đạt 19,9 triệu khách, giảm 32,1% so với cùng kì năm trước, lượt khách quốc tế giảm 58,2% so với cùng kì xuống còn 7,1 triệu lượt khách.
Kịch bản hồi phục từng bước
Theo dự báo của VNDirect, tổng lượt khách hàng không sẽ chạm đáy trong quý II/2020 với mức sụt giảm 72,8% so với cùng kì năm trước. Với diễn biến còn phức tạp của dịch COVID-19 tại các nước trên thế giới, VNDirect cho rằng lưu lượng khách nội địa sẽ phục hồi nhanh hơn.
Trong kịch bản cơ sở, Công ty chứng khoán này dự báo lượt khách nội địa của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) có thể hồi phục tương đương mức trước dịch trong quý IV năm nay trong khi khách quốc tế khó có thể quay lại mức như năm 2019 cho đến quý III/2021.
Giữa tháng 5, Chính phủ đã ban hành kế hoạch phục hồi du lịch nội địa kéo dài 6 tháng sau khi kết thúc giai đoạn giãn cách xã hội.
Dù việc hồi phục các chuyến bay nội địa vẫn còn gặp những thách thức do lo sợ về “đợt bùng phát thứ 2” của dịch COVID-19, VNDirect cho rằng rủi ro phá sản hay dừng hoàn toàn một số mạng bay của các hãng hàng không nội địa là không lớn.
Theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải trong tháng 3, Chính phủ đang cân nhắc một số ưu đãi về thuế và giảm phí dịch vụ hàng không cho các hãng bay trong nước để vượt qua khó khăn hiện tại.
Cơ hội gõ cửa giữa khó khăn
Bộ Giao thông Vận tải đã chấp thuận phương án bảo trì đường cất hạ cánh tại 2 sân bay lớn nhất cả nước với tổng quy mô đầu tư là 173,2 triệu USD (hơn 4.000 tỉ đồng). Việc sửa chữa vốn đã bị chậm trễ qua nhiều năm nay sẽ được đầu tư bằng vốn ngân sách, nằm trong chính sách tài khóa để hỗ trợ khôi phục nền kinh tế hậu COVID-19.
Tài sản khu bay vẫn thuộc sở hữu Nhà nước và được ủy quyền vận hành bởi ACV. Do vậy, VNDirect đánh giá việc nâng cấp và bảo trì đường băng sẽ không ảnh hưởng đến bảng cân đối của ACV.
Theo đánh giá của VNDirect, với việc COVID-19 diễn ra khiến tổng lưu lượng khách qua Nội Bài và Tân Sơn Nhất giảm mạnh, việc đẩy nhanh thực hiện dự án nâng cấp này sẽ giảm chi phí cơ hội xuống mức thấp nhất. Dự án đang trong giai đoạn chọn thầu và dự kiến khởi công trong tháng 7/2020, hoàn thành toàn bộ trong năm 2021.
Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đều có 2 đường cất hạ cánh, do vậy việc thi công sẽ thực hiện theo phương thức đóng cửa 1 đường băng và vận hành đường băng còn lại.
Ngoài ra, trong tháng 6/2020, Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương đầu tư nhà ga T3 mới tại sân bay Tân Sơn Nhất với tổng mức đầu tư 10/990 tỉ đồng. Nhà ga T3 sẽ tăng công suất của Tân Sơn Nhất thêm 20 triệu hành khách (lên 48 triệu lượt khách/năm). Điều này sẽ giúp giải tỏa bớt áp lực về hạ tầng cho sân bay Tân Sơn Nhất, vốn đã vận hành với 147% công suất thiết kế năm 2019.
Việc thi công dự kiến thực hiện trong năm 2021 và hoàn thành năm 2024.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/