|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hàng chục doanh nghiệp điện mặt trời lao đao vì bị 'bẻ kèo' chính sách

07:16 | 24/12/2019
Chia sẻ
Đang từ chỗ được khuyến khích đầu tư, chính sách thay đổi 180 độ, nhiều doanh nghiệp điện mặt trời lâm vào tình cảnh khó khăn, nguy cơ phá sản.

Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang đứng trước rất nhiều nguy cơ, trong đó có nguy cơ thiếu hụt nguồn năng lượng trầm trọng... Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm và đưa ra nhiều cơ chế khuyến khích cộng đồng các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng, phát triển năng lượng điện mặt trời như: Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo; Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (Quyết định 11/2017/QĐ-TTg), Cơ chế khuyến khích phát triển điện gió tại Việt Nam (Quyết định 37/2011/QĐ-TTg, Quyết định 39/2018/QĐ-TTg)… Dựa trên những văn bản này, nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng cùng Chính phủ biến quyết tâm, định hướng thành hiện thực.

Thế nhưng, mới đây, 60 Nhà đầu tư Dự án điện mặt trời trên cả nước lại có Bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về những vướng mắc của các dự án điện mặt trời đã và đang được đầu tư xây dựng. Bởi trong quá trình triển khai thực hiện các dự án điện mặt trời, các nhà đầu tư trong lĩnh vực này gặp không ít khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách cũng như thủ tục đầu tư, đặc biệt là việc chính sách đầu tư không ổn định đang gây thiệt hại không nhỏ với các nhà đầu tư. 

Các vướng mắc, khó khăn này cần có sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các Bộ, ban, ngành có liên quan.

Doanh nghiệp “quay cuồng”, điêu đứng vì chính sách

Các nhà đầu tư đã và đang vấp phải những rào cản do cơ chế, chính sách và sự chậm trễ, thiếu đồng bộ, nhất quán trong quá trình thực thi các thủ tục đầu tư. Nếu không được tháo gỡ kịp thời, rất nhiều dự án sẽ dẫn đến tình trạng phá sản trong tương lai gần do đã phải bỏ các chi phí trong quá trình triển khai, thực hiện các thủ tục đầu tư của dự án, doanh nghiệp bỏ ra ít thì hàng chục, nhiều hơn thì hàng trăm tỷ đồng. 

Còn người dân thì phải di dời nhường đất cho dự án để mong chờ một nguồn lợi khác cho địa phương và bản thân. Thế nhưng đến thời điểm này mọi hứa hẹn dường như đang tuột khỏi tay họ. Nếu tình trạng hiện nay không sớm được tháo gỡ thì hệ lụy về kinh tế - xã hội là vô cùng lớn.

Theo các nhà đầu tư, vướng mắc đầu tiên họ gặp phải là việc chậm trễ ban hành Quyết định mới thay thế khi Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã hết hiệu lực từ 01/7/2019 khiến các Nhà đầu tư đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý của dự án nhưng không có đầy đủ cơ sở để tiếp tục triển khai các thủ tục tiếp theo cũng như triển khai thi công xây dựng;

Hàng loạt các vướng mắc khi triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng do tình hình an ninh chính trị một số địa phương không thuận lợi… cũng như trình tự thủ tục đầu tư rườm rà, không nhất quán tại một số địa phương cũng khiến tiến độ thực hiện một số dự án bị chậm trễ;

Việc chưa chủ động tháo gỡ vướng mắc, chậm tham mưu đề xuất hướng giải quyết các dự án đã trình hồ sơ bổ sung quy hoạch từ tháng 5/2018 khiến các Nhà đầu tư lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, bế tắc.

Hàng chục doanh nghiệp điện mặt trời lao đao vì bị 'bẻ kèo' chính sách - Ảnh 1.

Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ, Bình Định được đầu tư cả trăm tỷ đồng nhưng nay "mất phương hướng" vì chính sách đầu tư thay đổi.

Điều đáng nói là thời điểm Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 đã làm trầm trọng thêm tình hình và các dự án chưa được bổ sung quy hoạch buộc phải dừng triển khai hoàn toàn. Đến ngày 02/12/2019 (tức là sau gần 01 năm), Chính phủ mới có Nghị quyết số 110/NQ-CP về việc ban hành Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch để tháo gỡ những vướng mắc trong công tác điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. 

Việc này đã khiến hàng trăm dự án “bị treo” để chờ quy hoạch và các nhà đầu tư phải tiếp tục chờ đợi với mong muốn có thể giảm thiểu những tổn thất sau khi quyết định đầu tư vào điện mặt trời.

Mong muốn của địa phương và nhà đầu tư

Trong văn bản gửi Thủ tướng, các nhà đầu tư đề nghị Chính phủ sớm ban hành Quyết định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời thay thế Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã hết hiệu lực để các Nhà đầu tư có cơ sở, căn cứ pháp lý để triển khai các bước thủ tục tiếp theo.

Trong Quyết định mới đề nghị Chính phủ cần có hướng dẫn chi tiết về thực hiện công tác bổ sung quy hoạch, hướng dẫn về quy chế đấu thầu và đặc biệt khi chuyển sang áp dụng chính sách theo cơ chế đấu thầu thì cần có lộ trình áp dụng phù hợp, cần có thời gian chuyển tiếp để các Nhà đầu tư có cơ sở chủ động thực hiện.

Hàng chục doanh nghiệp điện mặt trời lao đao vì bị 'bẻ kèo' chính sách - Ảnh 2.

Công trường xây dựng Nhà máy điện mặt trời Đầm Trà Ô, Bình Định.

Cùng với đó, các nhà đầu tư kiến nghị Chính phủ chấp thuận áp dụng biểu giá FIT mua điện từ các dự án điện mặt trời không thấp hơn 7,09 US cent/kWh đối với các dự án điện mặt trời mặt đất và 7,69 US cent/kWh đối với các dự án điện mặt trời nổi như trong dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời đính kèm văn bản số 9319/BCT-ĐL ngày 06/12/2019 của Bộ Công thương.

Đối với Nhóm 1 là các dự án đã ký Hợp đồng mua bán điện (PPA), đã có Quyết định chủ trương đầu tư của tỉnh, đã đền bù giải phóng mặt bằng và đang triển khai xây dựng nhưng chưa được cơ quan nhà nước phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự kiến đưa vào vận hành thương mại (COD) trong năm 2020 được hưởng cơ chế giá FIT.

Đối với Nhóm 2 là các dự án đã bổ sung quy hoạch điện lực, đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa ký Hợp đồng mua bán điện (mặc dù đã đủ điều kiện ký Hợp đồng mua bán điện theo quy định hiện hành) thì đề nghị cho phép tiếp tục thực hiện các bước hoàn thiện thủ tục và ký kết hợp đồng mua bán điện. Trong trường hợp các dự án này kịp đóng điện năm 2020, đề nghị cho phép được hưởng cơ chế giá FIT.

Đối với Nhóm 3 là các dự án đã trình hồ sơ bổ sung quy hoạch điện lực, đã được Chính phủ chấp thuận cho phép thực hiện tại nhiều văn bản và đã được Bộ Công thương thẩm định nhưng do có sự thay đổi của Luật Quy hoạch nên vẫn chưa có Quyết định bổ sung quy hoạch, các nhà đầu tư đề nghị sớm xem xét và bổ sung quy hoạch cho các dự án này. 

Đồng thời, trong trường hợp các nhà đầu tư có thể sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý và triển khai xây dựng, đóng điện trước 30/6/2021, đề nghị cũng được hưởng giá FIT cho phần công suất hòa lưới, được công nhận ngày vận hành thương mại (COD). Phần công suất hòa lưới sau 30/6/2021 thực hiện theo quy định tại thời điểm đóng điện.

Hàng chục doanh nghiệp điện mặt trời lao đao vì bị 'bẻ kèo' chính sách - Ảnh 3.

Nhiều hạng mục tại Nhà máy điện mặt trời Đầm Trà Ô - Bình Định đang "đắp chiếu" chờ chính sách.

Được biết, Ủy ban Nhân dân các tỉnh Bình Thuận, Thừa Thiên Huế cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép thẩm định, bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia các dự án điện mặt trời đang được xây dựng tại địa phương.

Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Bộ Công Thương cũng cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt điện trong thời gian tới do việc chậm tiến độ của các dự án điện.

Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra hôm qua 23/12 tại Hà Nội, Thủ tướng nói: “Chúng ta cần ý thức rằng để một doanh nghiệp hay một thương hiệu chính đáng nào đó của Việt Nam biến mất thì đó không chỉ là thất bại của riêng doanh nghiệp mà của cả Chính phủ và chính quyền địa phương, nói chung là của tất cả chúng ta". 

Quyết tâm này của người đứng đầu Chính phủ đã tạo cho cộng đồng doanh nghiệp thêm niềm tin về người đồng hành của mình trong quá trình đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh; khẳng định sự cam kết của Chính phủ Việt Nam về sự an toàn, nhất quán và ổn định của môi trường đầu tư.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Nhóm PV

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.