Hai vướng mắc khiến Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên giai đoạn 2 'chết chìm' chưa thể hồi sinh
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Quốc hội chiều nay (31/10), Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) nêu vấn đề về việc xử lý 12 dự án thua lỗ, trong đó có dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh dẫn văn bản kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo trong quý 1/2018 phải tiến hành thoái vốn nhà nước khỏi dự án này nhưng đến nay đã sang quý 4/2018 vẫn chưa làm được, nguyên nhân chậm trễ do đâu? “Có lợi ích nhóm trong việc cố tình kéo dài việc thoái vốn để trục lợi không? Xử lý vi phạm có nghiêm minh không?”, ông Sinh chất vấn.
Tại dự án Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đang tồn tại 2 vướng mắc. |
Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, cả 12 dự án thua lỗ đều đã được xử lý đồng bộ, toàn diện các khía cạnh, trong đó có rà soát pháp lý và xem xét trách nhiệm.
Cụ thể, có 4 dự án đã được chuyển cơ quan công an điều tra. Đã khởi tố 2 dự án, đó là dự án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ và Dự án Nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học ở Phú Thọ. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra các dự án khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật như đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, nhiên liệu sinh học Bình Sơn. Đến nay có nhiều cá nhân bị tạm giam phục vụ cho việc điều tra.
"Trong ban chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương, chúng tôi khẳng định không có lợi ích nhóm ở bất kỳ hoạt động nào trong xử lý vướng mắc tồn tại của các dự án này", Bộ trưởng Tuấn Anh khẳng định.
Bộ trưởng Công Thương cũng cho biết, đã đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ và Bộ Công an cung cấp thêm thông tin liên quan đến hoạt động thanh tra, điều tra đối với các cá nhân vi phạm liên quan tới các dự án thua lỗ trên.
Về dự án Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết, tại dự án này đang tồn tại 2 vấn đề. Một là tranh chấp pháp lý giữa Tổng công ty Thép Việt Nam, chủ sở hữu của Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên (Tisco) và tổng thầu EPC của nước ngoài; vấn đề thứ 2 là vướng mắc trong thoái vốn nhà nước ra khỏi Tisco của Tổng công ty Thép Việt Nam.
Theo ông Tuấn Anh, vì 2 vấn đề trên dự án này đang chậm so với tiến độ chung của 12 dự án yếu kém ngành Công Thương đang xử lý.
Về tranh chấp với tổng thầu EPC, ông Tuấn Anh cho hay có khả năng giải quyết bằng tranh chấp pháp lý với tổng thầu. “Tranh chấp giữa 2 bên rất phức tạp, tồn đọng qua nhiều dự án có rất nhiều vấn đề làm không đúng với trách nhiệm của chủ đầu tư và của tổng thầu”, ông Tuấn Anh nói.
Về lý do thoái vốn nhà nước chậm mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo thoái vốn khỏi Tổng Công ty Thép Việt Nam, Bộ trưởng Tuấn Anh giải thích do khoản bảo lãnh của Tổng Công ty Thép Việt Nam với Công ty Gang Thép Thái Nguyên trong dự án Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên giai đoạn 2 với khoản vay là hơn 1.800 tỷ đồng của ViettinBank.
Theo lãnh đạo Bộ Công thương, nếu tiến hành thoái vốn ra khỏi dự án này thì gây thiệt hại lớn cho tài sản của nhà nước vì Tổng Công ty Thép Việt Nam đã cam kết bảo lãnh 100% với khoản vay này. “Phải giải quyết xong khoản vay này thì mới có thể tiến hành thoái vốn để đảm bảo tài sản Nhà nước”.