Hai thứ sức mạnh đặc biệt tạo nên sự nghiệp thành công của Warren Buffett
Là người chèo lái tập đoàn khổng lồ Berkshire Hathaway, Warren Buffett là thần tượng của không ít nhà đầu tư. Và với vị trí người giàu thứ 8 thế giới theo xếp hạng của Forbes, ông là một trong những người đáng chú ý nhất khi nói về kinh nghiệm làm giàu và vươn đến thành công.
Warren Buffett và sức mạnh của thói quen
Trong một bài phát biểu ngắn được chia sẻ trên TikTok, Buffett chia sẻ: “Đến năm 56 tuổi tôi mới trở thành tỷ phú, nhưng ở tuổi 93 tôi đạt tài sản ròng hơn 130 tỷ USD… Đó là minh chứng cho thấy mọi người không quyết định tương lai của mình. Mọi người chỉ quyết định thói quen và những thói quen đó định đoạt tương lai của họ”.
Năm nay huyền thoại đầu tư 94 tuổi, cho thấy nhận xét trên được đưa ra khá gần đây. Và quan trọng hơn, chúng nhắc lại một triết lý mà "nhà hiền triết xứ Omaha" đã nhắc đến trong nhiều năm qua - liên quan đến sức mạnh của thói quen.
Một trong những lời trích dẫn nổi tiếng nhất của Buffett xoay quanh chủ đề sức mạnh đáng sợ của những thói quen có hại. Câu nói đó là: “Xiềng xích của thói quen quá nhẹ để có thể cảm nhận cho đến khi chúng quá nặng để phá vỡ”.
Buffett không phải tác giả của câu nói này, nguồn gốc của có thể bắt nguồn từ nhiều nhân vật lịch sử bao gồm nhà triết học Bertrand Russell. Nhưng trong thế giới kinh doanh hiện nay, lời trích dẫn của Buffett có ảnh hưởng lớn nhất, trang GOBankingRates nhận định.
Warren Buffett và sức mạnh của sự từ chối
Buffett đã chia sẻ rất nhiều kiến thức sâu sắc cho công chúng trong vài thập kỷ qua. Đặc biệt khi nói về thói quen, ông rất coi trọng vào sức mạnh của việc nói “không”. Vị tỷ phú chia sẻ: "Sự khác biệt giữa người thành công và người thực sự thành công là người thứ hai nói không với hầu hết tất cả mọi thứ”.
Việc nói đồng ý theo phản xạ có thể là biểu hiện của thói quen. Mặc dù điều ngược lại cũng đúng, xét từ góc độ logic thì điều đó ít có khả năng xảy ra hơn.
Lời khuyên của Warren Buffett nhắc nhở nhà đầu tư cần biết nói không với những khoản đầu tư tồi, nhưng điều quan trọng hơn là nó có thể áp dụng với tất cả mọi người khi cần đưa ra quyết định trong cuộc sống thường ngày.
Những người tham vọng muốn hoàn tất nhiều công việc, thu được kết quả, học hỏi thêm, thăng quan tiến chức hay bắt đầu doanh nghiệp mới.
Nhưng ai cũng có cuộc sống riêng cần phải chăm sóc để đạt được sự cân bằng tối ưu và hạnh phúc. Theo nghĩa này, tham vọng có thể có nghĩa là quan tâm đến các ưu tiên của gia đình, mở rộng các mối quan hệ xã hội, theo đuổi sở thích và các thú vui khác, tạp chí Inc. giải thích.
Đây chính là lúc lời khuyên của Buffett trở nên quan trọng. Mọi người phải biết lập ra mục tiêu rõ ràng nhằm đơn giản hóa cuộc sống. Và để làm được điều đó, chúng ta cần nói không với những thứ không quan trọng và tập trung vào việc nói có với một số điều thực sự có ý nghĩa.
Warren Buffett và Steve Jobs có chung suy nghĩ
Cố doanh nhân Steve Jobs, nhà sáng lập Apple, cũng có chung ý kiến với Buffett. Ông chia sẻ trong Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu của Apple năm 1997: “Mọi người nghĩ rằng tập trung có nghĩa là nói có với những gì chúng ta cần phải chú tâm.
Nhưng cách hiểu này toàn sai lầm. Tập trung có nghĩa là nói không với hàng trăm ý tưởng tốt khác. Bạn phải chọn lọc kỹ lưỡng. Tôi tự hào về những điều chúng tôi không làm nhiều như những gì tôi đã làm. Để đổi mới và sáng tạo, bạn phải nói không với 1.000 thứ”.
Đúng như triết lý của Jobs, Apple phát triển những dòng sản phẩm cực kỳ đơn giản và gọn ghẽ, cả về giao diện người dùng lẫn thiết kế bề ngoài, từ đó trở thành biểu tượng trong thị trường sản phẩm công nghệ, truyền thông và viễn thông.
Nếu Buffett và Jobs đều có chung một lời khuyên, các nhà đầu tư nên học hỏi theo. Cả hai đều là những tượng đài trong lĩnh vực hoạt động của họ, đầu tư và công nghệ.