|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hai thái cực của doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong 4 tháng đầu năm

08:20 | 31/05/2021
Chia sẻ
Sản lượng xuất khẩu cá tra đang có dấu hiệu phục hồi, song bài toàn chi phí sẽ tiếp tục tạo áp lực lên các doanh nghiệp trong ngành, theo báo cáo từ BVSC.
Hai thái cực của doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong 4 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Công nhân làm việc bên trong nhà máy chế biến thuỷ sản của Vĩnh Hoàn. (Ảnh: VHC).

Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố báo cáo về ngành cá tra trong tháng 4/2021, cho thấy xuất khẩu cá tra Việt Nam phục hồi tại một số thị trường chính. Kim ngạch và sản lượng cá tra lần lượt đạt 144,9 triệu USD và 72,2 nghìn tấn tương ứng với mức tăng 25% và 20% so với cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch và sản lượng xuất khẩu lần lượt là 483,9 triệu USD và 244,1 nghìn tấn lần lượt tăng 7,3% và 7,9%. Phân tích từ BVSC cho thấy hiện nhu cầu tiêu thụ cá tra ở các thị trường mũi nhọn như Mỹ, Trung Quốc và EU đã cho thấy dấu hiệu phục hồi so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vẫn gặp nhiều khó khăn trong năm 2021. Đơn cử như giá bán trung bình vẫn ở mức thấp, khiến kim ngạch xuất khẩu chưa thể quay lại mức 2019. Ngoài ra, chi phí thức ăn chăn nuôi và chi phí vận chuyển chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, tác động tới lợi nhuận doanh nghiệp cá tra trong năm nay.

Đối với CTCP Vĩnh Hoàn (mã: VHC), trong 4 tháng đầu năm ghi nhận tổng doanh thu đạt 2.535 tỷ đồng (chưa bao gồm doanh thu CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang), tăng 19,3% so với cùng kỳ. Trong đó, chứng kiến tăng trưởng ở hầu hết tất cả các mảng kinh doanh.

Ba thị trường quan trọng của Vĩnh Hoàn là Mỹ, Trung Quốc và EU đạt mức tiêu thụ lớn hơn cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị trường Mỹ và Trung Quốc (chiếm hơn một nửa doanh thu hàng năm) đã đạt mức tăng trưởng trên 19% trong 4 tháng đầu năm.

Năm 2021, Vĩnh Hoàn đặt kế hoạch thận trọng với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế là 8.600 tỷ đồng và 700 tỷ đồng. Kết thúc quý I, doanh nghiệp hoàn thành lần lượt 21% và 19% kế hoạch năm.

BVSC dự báo doanh thu Vĩnh Hoàn có thể tăng trưởng từ nền thấp của năm 2020 nhờ sự phục hồi tiêu thụ của thị trường Mỹ và đóng góp của Sa Giang. Tuy nhiên, biên lợi nhuận sẽ khó quay trở lại mức năm 2019 do giá bán trung bình fillet phục hồi khá chậm chạp, trong khi giá cá nguyên liệu vẫn có xu hướng tăng. Đồng thời, chi phí phát sinh từ các khoản đầu tư lớn và chi phí cước tàu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trong khi đó, CTCP Nam Việt (mã: ANV) nghi nhận lãi lớn lại nhờ lấn sân sang mảng điện mặt trời. Theo báo cáo tài chính quý I/2021, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Nam Việt lần lượt đạt 706 tỷ đồng và 63,8 tỷ đồng, tương ứng giảm 12,9% và tăng 47% so với cùng kỳ.

Trong đó, Nam Việt đã hoàn thành 46 cụm (khoảng 53MW) điện mặt trời áp mái. Mảng điện mặt trời có biên lợi nhuận cao và ổn định hơn mảng cá tra, đã đóng góp khoảng 23,79 tỷ đồng vào lợi nhuận gộp quý I/2021.

Đối với mảng xuất khẩu cá tra, sản lượng và kim ngạch tháng 4 đạt 6,9 triêu USD và 5 nghìn tấn. Luỹ kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch và sản lượng lần lượt là 28,4 triệu USD và 16,5 nghìn tấn, lần lượt tăng 25,6% và 18,5% so với cùng kỳ. Trong đó, thị trường Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng khả quan, một phần đến từ nền thấp của năm ngoái.

Chứng khoán Bảo Việt đánh giá, chi phí thức ăn chăn nuôi và chi phí vận chuyển ở mức cao sẽ gây ra khó khăn cho Nam Việt trong năm nay. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp tự chủ 100% nguồn nguyên liệu sẽ phần nào giảm thiểu tác động từ biến động tiêu cực của cá nguyên liệu.

Một doanh nghiệp khác trong ngành xuất khẩu cá tra là CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI (mã: IDI) lại chứng kiến cả doanh thu và lợi nhuận sụt giảm trong quý I/2021. Công ty đạt 1.371 tỷ đồng doanh thu và 21 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt giảm 6,4% và 13,5% so với cùng kỳ.

Trong tháng 4, kim ngạch và sản lượng xuất khẩu cá tra của IDI đạt 8,9 triệu USD và 3,9 nghìn tấn. Lũy kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch và sản lượng là 21,8 triệu USD và 12 nghìn tấn, lần lượt giảm 3,7% và tăng 49,6%.

Theo Agromonitor, mức giảm do trên kim ngạch từ thị trường Trung Quốc của IDI sụt giảm nhẹ. BVSC đánh giá thị trường Trung Quốc tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, do khách hàng thường mua hàng giao ngay, đồng thời nhu cầu tiêu thụ thường có nhiều biến động hơn thị trường Mỹ và EU. 


Doanh nghiệp công bố kế hoạch kinh doanh năm 2021 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế là 6.900 tỷ đồng và 162 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 8,3% và 51,4% so với thực hiện 2020. Kết thúc quý I, IDI đã thực hiện được 20% mục tiêu doanh thu và 13% kế hoạch lợi nhuận năm.

Chí Dũng