|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Hai quỹ quy mô hơn 20.000 tỷ đồng sắp mua hàng chục triệu cổ phiếu nhóm bất động sản

12:15 | 11/12/2023
Chia sẻ
Trong tuần giao dịch 11 – 15/12, hai quỹ FTSE Vietnam ETF và VNM ETF sẽ hoàn tất giao dịch cơ cấu danh mục quý IV. Ước tính hai tổ chức sẽ mua vào hàng chục triệu cổ phiếu nhóm bất động sản đợt này.

Ngày 1/12, FTSE đã công bố danh mục cổ phiếu thành phần thuộc bộ chỉ số FTSE Vietnam All-share và FTSE Vietnam Index. Kết quả, cổ phiếu PDR, NVL được thêm mới vào rổ FTSE Vietnam Index, ngoài ra không cổ phiếu nào bị loại.

Đối với bộ chỉ số FTSE Vietnam 30 Index do Fubon FTSE Vietnam ETF tham chiếu, kỳ đánh giá lần này không có thay đổi về cổ phiếu thành phần.

Ngày 8/12, MarketVector cũng đã công bố danh mục cổ phiếu thuộc chỉ số MarketVector Vietnam Local Index với cổ phiếu CEO được thêm mới vào danh mục và không mã nào bị loại khỏi rổ.

Sau khi công bố kết quả đánh giá, trong tuần giao dịch 11 – 15/12, hai quỹ ETF sẽ thực hiện giao dịch hoán đổi danh mục, giao dịch tập trung trong ngày cuối cùng (15/12).

Tính đến ngày 8/12, FTSE Vietnam ETF có giá trị tài sản ròng hơn 280 triệu USD, trong khi VNM ETF có quy mô 561,3 triệu USD. Tổng giá trị tài sản ròng của hai quỹ là 841,3 triệu USD (20.372 tỷ đồng).

Dựa trên dữ liệu ngày 8/12, Chứng khoán BIDV (BSC) ước tính hai ETF trên mua vào hàng chục triệu cổ phiếu bất động sản và bán ra nhiều bluechip với khối lượng hàng triệu đơn vị.

 

 Với ba cổ phiếu được thêm mới, BSC ước tính mã NVL của Novaland được FTSE Vietnam ETF mua vào nhiều nhất với khối lượng gần 13,48 triệu đơn vị, kế đến là PDR (4,644 triệu cp). Trong khi đó, VNM ETF bán ra NVL (194.451 cp) và PDR (1,459 triệu cp). Tổng cộng, NVL và PDR được mua ròng 13,3 triệu cp và 3,185 triệu cp.

Với CEO, mã này được mua mới hơn 6,7 triệu cp, trong khi FTSE Vietnam không nắm giữ.

Ngoài các mã trên, hai ETF còn mua vào các cổ phiếu bất động sản khác như VIC (4,9 triệu cp), VHM (1,2 triệu cp), KBC (1 triệu cp). Mã được mua vào trên 1 triệu đơn vị còn có VND (2,2 triệu cp), VNM (2,36 triệu cp). Lực mua từ hai ETF dự kiến xuất hiện tại các mã với khối lượng trên 100.000 cp như SBT, KDH, GEX, DXG, SHB.

Dựa trên quy mô thanh khoản, BSC dự báo VIC và VNM sẽ được hai quỹ ETF mua với quy mô lớn hơn 1 phiên giao dịch. Song, các ETF thường mua tập trung trong phiên ATC cuối tuần giao dịch cơ cấu, tức ngày 15/12 tới đây.

Ở chiều bán ra, BSC dự báo SSI là cổ phiếu bị xả mạnh nhất với khối lượng gần 5,3 triệu cp. Cả hai ETF đều bán ra, hạ tỷ trọng mã này trong danh mục đầu tư.  Một mã chứng khoán khác cũng bị bán ra với khối lượng lớn là VIX (3,65 triệu cp).

Cổ phiếu HPG của Hòa Phát bị bán ròng hơn 2,1 triệu đơn vị, lực bán tập trung tại VNM ETF trong khi FTSE Vietnam ETF mua nhẹ (36.346 cp).

Lực bán trên 1 triệu đơn vị còn xuất hiện tại các cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường như MSN (1,7 triệu cp), DGC (1,1 triệu cp), VRE (1,8 triệu cp), POW (1,9 triệu cp), PVD (1,7 triệu cp), EIB (1,45 triệu cp).

Cùng chiều bán ra, những cổ phiếu bị bán ròng với khối lượng 300.000 – 800.000 đơn vị có VJC, VCB, HNG, KDC, VPI, HUT, TCH, VCG, SHS, HAG.

Dựa trên quy mô thanh khoản trong 20 phiên giao dịch gần nhất, BSC ước tính bốn mã VJC, MSN, VCB và BVH bị bán ra với quy mô lớn hơn một nửa thanh khoản bình quân.

Thu Thảo