‘Sóng’ cổ phiếu VN30 liệu có đến?
Dòng tiền dịch chuyển sang nhóm VN30
Thống kê cho thấy, VN-Index tăng 2,02% tuần qua, đóng cửa ở 1.124,44 điểm. Giá trị bình quân phiên của hai sàn HOSE và HNX cũng tăng lần lượt 59,89% và 68,41%.
Ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, Chuyên gia Chiến lược thị trường của Chứng khoán SSI nhận định tuần qua chứng kiến đà đi lên của cả điểm số và thanh khoản, nhưng các cổ phiếu bắt dầu có sự phân hóa rõ rệt.
Trong những phiên đầu tuần, thị trường vận động khá quen thuộc, dòng tiền tập trung vào nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ. Đơn cử, chứng khoán và bất động sản có phiên tăng 5% và bứt phá ra khỏi giai đoạn tích lũy trước đó. Sự đảo lớp của dòng tiền diễn ra trong hai phiên cuối tuần.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản sôi động trước đó đã điều chỉnh. Ngược lại, dòng tiền nhường chỗ cho cổ phiếu nhóm VN30, nâng đỡ điểm số, giữ lại ở vùng cân bằng. Theo chuyên gia từ SSI, sự phân hóa và đảo lớp giữa các nhóm này khiến thị trường đứng trước hai kịch bản trong tuần này.
Ở kịch bản tích cực, dòng tiền tiếp tục trở lại nhóm VN30 và nâng đỡ điểm số, chờ đợi sự cân bằng then chốt của nhóm cổ phiếu bất động sản và chứng khoán trước đi phát đi tín hiệu mới về xu hướng. Dù không đóng góp nhiều về điểm số nhưng nhóm chứng khoán và bất động sản giữ vai trò quan trọng, dẫn dắt tâm lý thị trường.
Trong kịch bản ngược lại, nếu nhóm chỉ báo quan trọng này không giữ vững được xu hướng trong tuần này, rủi ro điều chỉnh của thị trường sẽ lớn dần và nhà đầu tư nên thay đổi chiến lược đầu tư, quản trị rủi ro.
Lập luận về quan điểm rủi ro thị trường đang lớn dần, theo nhà phân tích của SSI, một số nhóm cổ phiếu thị trường đang đứng ở ranh giới vi phạm xu hướng tăng giá ngắn hạn hay không. Đây là tín hiệu sớm để nhà đầu tư theo dõi sự suy yếu của tâm lý thị trường nếu có.
Nhà đầu tư nên thận trọng khi sóng cổ phiếu vốn hóa lớn thường ngắn
Với việc dòng tiền dịch chuyển sang nhóm VN30, ông Hiếu khuyến nghị nhà đầu tư nên quan tâm tới những cổ phiếu có nền tích lũy, như là cơ hội trong ngắn hạn. Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý trong một năm vừa qua, dòng tiền vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thường trong thời gian khá ngắn.
“Chiến lược là tạm thời chậm lại với các vị thế ngắn hạn, với cổ phiếu tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Chúng tôi cho rằng sự tích cực của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong ngắn hạn không đủ để giải ngân tỷ trọng lớn thời điểm này”, Chuyên gia Chiến lược thị trường của SSI nói.
Trước khi có sự dịch chuyển dòng tiền trong tháng 12, cổ phiếu vốn hóa lớn nhóm VN30 khá mờ nhạt, ngay cả khi thị trường hồi phục mạnh trong tháng 11.
Thống kê trong tháng 11, cổ phiếu vốn hóa trung bình (VNMID) có mức tăng tốt nhất với 15,32% so với tháng 10 nhờ hai nhóm chứng khoán, bất động sản. Nhóm VN30 giảm mạnh nhất (10,88%) trong tháng 10 nhưng chỉ hồi phục 4,07% trong tháng 11.
Diễn biến tăng giá của nhóm vốn hóa trung bình trong tháng 11 thu hút được dòng tiền qua đó đưa tỷ trọng giao dịch của nhóm này tiếp tục tăng mạnh lên mức 49,74%, vượt xa mức trung bình 45% trong năm 2023. Trong khi đó tỉ trọng giao dịch của nhóm VN30 tiếp tục suy giảm về mức 36,21% dưới mức trung bình 40% dưới áp lực bán ròng của khối ngoại.
Quan điểm từ vị chuyên gia của SSI tương đồng với góc nhìn của khối phân tích VCBS. Song VCBS có phần lạc quan hơn với khuyến nghị nhà đầu tư vẫn duy trì tỉ trọng cổ phiếu, có thể tân dụng những nhịp rung lắc để để mua gia tăng hoặc mua mới đối với những mã cho tín hiệu kiểm tra thành công vùng hỗ trợ hoặc vượt lên trên khu vực kháng cự với thanh khoản thuyết phục thuộc các nhóm ngành như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng.
Nhận định từ ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường VNDirect, VN-Index có thể tiếp tục duy trì xu hướng tích lũy và đi lên từ từ nhằm hướng tới vùng kháng cự 1.140-1.150 điểm trong những tuần cuối tháng 12.
Tuy vậy, xen kẽ trong xu hướng đi lên của thị trường sẽ xuất hiện những phiên rung lắc, do đó nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu vừa phải và chưa nên sử dụng đòn bẩy ở thời điểm này khi xu hướng tăng mạnh chưa được thiết lập.
Những sự kiện nhà đầu tư cần quan tâm
Về sự kiện quốc tế, thị trường hướng sự chú ý vào thị trường tài chính toàn cầu khi ngày 12/12, số liệu CPI của Mỹ sẽ được công bố và chúng ta cũng nên tiếp tục quan sát khả năng kiểm soát lạm phát để có thêm nhận định chính sách của Fed trong thời gian tới.
Theo ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, hiện nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến câu chuyện khi nào Fed bắt đầu đảo chiều chính sách. Ngay sau đó, thị trường cũng đón nhận thông tin kỳ họp chính sách tháng 12 của Fed. Hầu hết giới đầu tư đặt kịch bản gần như tuyệt đối về việc Fed giữ nguyên mức lãi suất hiện tại trong kỳ họp lần này. Sự chú ý sẽ hướng tới thông tin về triển vọng kinh tế, đánh giá về lạm phát để có thêm gợi ý về chính sách thời gian tới.
Trong nước, một thông tin quan trọng là chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhà phân tích của SSI nhận định Trung Quốc là đối tác quan trọng về kinh tế của Việt Nam, nhà đầu tư cũng có nhiều kỳ vọng về chuyến thăm lần này.
Một thông tin khác là hai quỹ FTSE ETF và VNM sẽ hoàn thành đợt cơ cấu danh mục quý IV/2023 vào ngày 15/12. Trước đó, vào ngày 1/12, FTSE đã công bố danh mục cổ phiếu thành phần thuộc bộ chỉ số FTSE Vietnam All-share và FTSE Vietnam Index. Kết quả làcổ phiếu PDR, NVL được thêm mới vào rổFTSE Vietnam Index, không cổ phiếu nào bị loại.
Ngày 8/12, MarketVector cũng đã công bố danh mục cổ phiếu thuộc chỉ số MarketVector Vietnam Local Index. Kết quả, cổ phiếu CEO được thêm mới và không mã nào bị loại khỏi rổ.