|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hai quốc gia châu Á từng chật vật ứng phó với đợt siêu lây nhiễm COVID-19 liên quan sự kiện tôn giáo

19:04 | 27/05/2021
Chia sẻ
Các sự kiện tôn giáo đã tạo ra phần lớn ca bệnh nguy hiểm ở Hàn Quốc đầu năm 2020 và những đợt siêu lây nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ.

Từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, những quốc gia như Hàn Quốc, Ấn Độ... đã chứng kiến những ổ dịch hay đợt siêu lây nhiễm đến từ các tổ chức giáo phái, gây ra những hậu quả nghiêm trọng do những đặc điểm đặc biệt của các tổ chức này. 

Phần lớn ca nhiễm nguy hiểm ở Hàn Quốc đầu năm 2020 đã tham gia lễ cầu nguyện Tân Thiên Địa

 - Ảnh 1.

Một buổi cầu nguyện tập thể quy mô lớn của giáo phái Tân Thiên Địa. (Ảnh: CNN).

Theo CNN, trong đợt bùng phát dịch COVID-19 dữ dội ở Hàn Quốc hồi đầu năm 2020, các nhà chức trách tại đây tin rằng phần lớn các ca nhiễm nguy hiểm trong nước là những người đã tham gia một lễ cầu nguyện của Tân Thiên Địa hoặc từng tiếp xúc với những người dự sự kiện đó.

Những quy định đặc biệt của giáo phái được tin là đã tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh virus lây lan nhanh và mạnh trong cộng đồng. 

Cụ thể, tổ chức Tân Thiên Địa duy trì hình thức điểm danh, bất kỳ tín đồ nào vắng mặt cũng sẽ bị ghi chép lại và theo dõi sau đó. Ngay cả khi bị ốm, các tín đồ của giáo phái vẫn phải đi lễ theo quy định. Trong trường hợp quá ốm không thể đi lễ, họ sẽ phải thu xếp đi lễ bù vào những ngày tiếp theo trong tuần.

Các buổi cầu nguyện của Tân Thiên Địa được tổ chức trên sàn nhà, các tín đồ phải ngồi ép sát nhau để có thể tối đa hóa số lượng người tham gia trong không gian chật hẹp. Hơn thế nữa, các tín đồ không được phép đeo bất kỳ thứ gì trên mặt, kể cả kính hay khẩu trang trong thời gian cầu nguyện, ngay cả khi dịch COVID-19 đang hoành hành.

Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở Trung Quốc vào tháng 1/2020, hàng ngàn tín đồ Tân Thiên Địa vẫn tụ họp tham gia đại hội thường niên tại trụ sở của giáo phái ở Gwacheon, gần thủ đô Seoul. 

Cái tên Tân Thiên Địa bị gắn với dịch COVID-19 khi Hàn Quốc thông báo trường hợp thứ 31 dương tính với virus là một nữ tín đồ 61 tuổi của giáo phái. Nữ tín đồ này sau đó được gọi là "nguồn siêu lây nhiễm" do lây lan mầm bệnh nguy hiểm cho hàng chục người khác. Nữ tín đồ nhập viện vì tai nạn giao thông nhưng hai lần từ chối xét nghiệm COVID-19. Sau đó, đi nhà thờ của Tân Thiên Địa 4 lần trước khi được xác nhận dương tính với virus.

Kể từ đó, số ca nhiễm COVID-19 ở Hàn Quốc đã tăng vọt từ 31 lên 156 người, để dập dịch, giới chức địa phương đã yêu cầu Tân Thiên Địa đóng cửa mọi cơ sở.

Các lễ hội tôn giáo ở Ấn Độ tạo ra những đợt siêu lây nhiễm COVID-19

Theo AP, một trong những nguyên nhân lớn khiến Ấn Độ phải đổi mặt với làn sóng COVID-19 thứ hai tồi tệ và nhanh chóng rơi vào cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có tiền lệ hiện nay là các cuộc tụ họp tôn giáo.

Sau khi làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên dịu xuống, Chính phủ Ấn Độ đã cho phép tổ chức các cuộc tụ họp tôn giáo và chính trị lớn, các trận đấu thể thao, rạp chiếu phim,...

Hệ quả khôn lường từ những ổ dịch COVID-19 tôn giáo - Ảnh 2.

Những người theo đạo Hindu ngâm mình trên sông Hằng trong lễ hội Kumbh Mela ở thành phố Haridwar hôm 12/4. Bất chấp lo ngại nguy cơ lễ hội trở thành sự kiện siêu lây nhiễm, Thủ hiến Uttarakhand Tirath Singh Rawat tuyên bố "niềm tin vào Thượng đế sẽ chiến thắng nỗi sợ virus" và "mời tất cả tín đồ trên thế giới đến Haridwar.". (Ảnh: AP).

Theo đó, tạo điều kiện cho hàng triệu tín đồ Hindu giáo hành hương về những lễ hội tôn giáo lớn như Kumbh Mela ở Haridwar, bang Uttarakhand. Tại đây, hàng triệu người tụ tập để ngâm mình dưới sông Hằng, với niềm tin sẽ được gột rửa mọi tội lỗi, song sự kiện này đã tạo những đợt "siêu lây nhiễm" COVID-19. 

Như Ngọc