Hải Phòng dự kiến hút 1,2 triệu tỷ đồng vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 với loạt dự án giao thông, đô thị lớn
Theo Báo Hải Phòng, giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của TP Hải Phòng đạt 563.700 tỷ đồng.
Vốn đầu tư toàn xã hội được hình thành từ ba nguồn vốn gồm vốn ngân sách nhà nước; vốn của doanh nghiệp, người dân và vốn của khu vực FDI
Giai đoạn 2021-2025, Hải Phòng đặt mục tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1,2 triệu tỷ đồng, gấp hơn hai lần giai đoạn năm năm trước đó. Chỉ tiêu này được xây dựng trên cơ sở hàng loạt dự án khởi công và triển khai thực hiện giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể là phát triển hạ tầng 15 khu công nghiệp với tổng diện tích 6.418 ha; 23 cụm công nghiệp với tổng diện tích 973 ha (khoảng 60.000 - 70.000 tỷ đồng); thu hút đầu tư FDI từ 12,5 - 15 tỷ USD.
Cùng với đó là các dự án phát triển dịch vụ - du lịch với hàng loạt khách sạn, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí được đầu tư xây dựng như: dự án đầu tư xây dựng Khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên của Tập đoàn Vingroup (khoảng 1 tỷ USD); dự án đầu tư xây dựng quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, vui chơi giải trí do Tập đoàn Sungroup làm chủ đầu tư tại huyện Cát Hải (khoảng 3 tỷ USD); dự án Khu đô thị quốc tế Đồi Rồng của Công ty CP đầu tư và du lịch Vạn Hương (hơn 173.000 tỷ đồng); Khu đô thị du lịch Cái giá của Công ty CP đầu tư và phát triển du lịch Vinaconex (khoảng 11.000 tỷ đồng).
Về các dự án phát triển hạ tầng giao thông, cảng biển, đô thị, Hải Phòng dự định xây mới thêm 6 đến 8 bến thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện (khoảng 55.000 tỷ đồng), tuyến đường bộ ven biển (khoảng 3.800 tỷ đồng); dự án đầu tư xây dựng Nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Cát Bi và các dự án thành phần (khoảng 4.000 tỷ đồng); đường vành đai 2 (khoảng 7.500 tỷ đồng); đường vành đai 3 (khoảng 16.600 tỷ đồng); cầu Nguyễn Trãi (khoảng 5.400 tỷ đồng); cầu Vũ Yên (khoảng 3.000 tỷ đồng); Khu đô thị Bắc sông Cấm (hạ tầng kỹ thuật gần 10.000 tỷ đồng; các công trình kiến trúc trên 10.000 tỷ đồng).
Ngoài ra, TP còn triển khai đầu tư hạ tầng các huyện: Thủy Nguyên, An Dương, Kiến Thụy để chuyển đổi thành thành phố và quận; xây dựng 6 công viên cấp thành phố (khoảng 1.500 tỷ đồng), 59 công viên các phường (khoảng 2.000 tỷ đồng); xây dựng lại các chung cư cũ xuống cấp (khoảng 7.100 tỷ đồng); các dự án chỉnh trang các tuyến sống với tổng mức đầu tư 15.000 tỷ đồng.
Về phát triển kinh tế, hai năm COVID-19, Hải Phòng đều xếp thứ hạng cao trên cả nước. Năm 2020, Hải Phòng tăng trưởng 11,02%, đứng thứ hai sau Bắc Giang. Năm 2021, TP dẫn đầu với mức tăng 12,38%. Năm nay, TP đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 13%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội huy động đạt 200.000 tỷ đồng và thu hút 2,5 - 3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).