|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc đối đầu 20 năm của hai người giàu nhất nước Pháp

07:48 | 18/04/2019
Chia sẻ
François Pinaul và Bernard Arnault từng có mối quan hệ tốt trước khi hai ông sa vào cuộc chiến pháp lý để thâu tóm thương hiệu thời trang Gucci, và vụ cháy Nhà thờ Đức Bà tiếp tục là sự kiện để họ thể hiện tinh thần cạnh tranh.

Vào buổi tối 15/4, một vụ hỏa hoạn lớn bùng lên ở Nhà thờ Đức Bà - kiệt tác kiến trúc hơn 800 năm của nước Pháp. Đứng giữa trung tâm thành phố Paris, công trình biểu tượng ấy đang trong quá trình tu sửa khi lửa xuất hiện. Thảm kịch gây chấn động thế giới, khiến hàng chục triệu người dân Pháp và du khách cảm thấy đau đớn, tiếc nuối. Tổng thống Pháp tuyên bố đất nước ông sẽ phục dựng Nhà thờ Đức Bà trong vòng 5 năm.

Cùng góp tiền để xây lại Nhà thờ Đức Bà

Chỉ vài giờ sau khi vụ hỏa hoạn ở Nhà thờ Đức Bà xảy ra, tỉ phú François Pinault - người giàu thứ hai nước Pháp với khối tài sản gần 35 tỉ USD và giữ chức chủ tịch danh dự của tập đoàn Kering, khẳng định ông và tập đoàn Kering sẽ góp 113 triệu USD để xây lại Nhà thờ Đức Bà. 9 giờ sau, tỉ phú Bernard Arnault - người giàu nhất nước Pháp với khối tài sản 92 tỉ USD, tuyên bố ông và tập đoàn LVMH sẽ đóng góp 226 triệu USD để tu sửa nhà thờ. LVMH đang sở hữu hai thương hiệu thời trang xa xỉ nổi tiếng thế giới là Louis Vuitton và Sephora cùng nhiều thương hiệu đình đám khác. Trong khi đó, Kering cũng sở hữu nhiều thương hiệu xa xỉ, bao gồm Gucci.

Cuộc đối đầu 20 năm của hai người giàu nhất nước Pháp - Ảnh 1.

Ông Bernard Arnault, người sáng lập tập đoàn LVMH, hiện là người giàu nhất nước Pháp.

Dù cùng chi tiền cho sứ mệnh phục dựng "trái tim của thành phố Paris", mối quan hệ giữa hai người đàn ông giàu nhất và nhì nước Pháp khá sóng gió từ vài chục năm qua. Cuộc cạnh tranh để mua thương hiệu thời trang Gucci trong những năm cuối thập niên 90 là sự kiện tạo dấu ấn trong mối quan hệ giữa hai ông.

Trước khi cạnh tranh với nhau để mua thương hiệu Gucci, hai tỉ phú François Pinault và Bernard Arnault từng có quan hệ tốt trong thập niên 80. Bernard và vợ ông từng dự đám cưới của con gái Francois. Năm 1991, Bernard từng bán Conforama - chuỗi siêu thị từng giúp ông thành công trong mảng bán lẻ - cho Francois.

Cuộc chiến pháp lý dai dẳng vì thương hiệu thời trang Gucci

Rạn nứt giữa hai ông bắt đầu vào năm 1999, khi một nhóm nhà quản lý của tập đoàn Gucci gặp Francois. Họ nói ông Bernard đang cố gắng mua thêm cổ phần của Gucci để giành quyền kiểm soát đế chế thời trang lừng danh của Italy và họ không muốn viễn cảnh ấy xảy ra. Ban lãnh đạo Gucci muốn liên minh với Francois để ngăn chặn Bernard. Đề nghị của nhóm quản lý hấp dẫn đến nỗi Francois đồng ý trở thành "hiệp sĩ" để mua 42% cổ phần của Gucci.

Để ngăn tập đoàn LVMH của Bernard kiểm soát Gucci, ban lãnh đạo tập đoàn phát hành 37 triệu cổ phiếu mới cho tập đoàn của Francois (khi đó tập đoàn của ông mang tên Pinault-Printemps-Redoute hay viết tắt là PPR) vào năm 1999. Thương vụ này giúp Gucci có 3 tỉ USD để thực hiện một số vụ thâu tóm - bao gồm thương hiệu thời trang Yves Saint Laurent - và giảm tỉ lệ cổ phần của LVMH trong Gucci xuống mức 20%. Nhưng hàng loạt vụ kiện giữa LVMH và PPR diễn ra ngay sau đó, và Bernard thuê nhiều công ty luật nổi tiếng để ngăn chặn liên minh giữa Gucci và PPR. Cuộc chiến pháp lý kéo dài khoảng hai năm rưỡi trước khi hai bên chấp nhận đàm phán để giải quyết tranh chấp bên ngoài tòa án.

Cuộc đối đầu 20 năm của hai người giàu nhất nước Pháp - Ảnh 2.

Tỷ phú Francois Pinault - người sáng lập tập đoàn Kering.

Cuộc đàm phán cuối cùng giữa LVMH và PPR diễn ra vào ngày 10/9/2001. Nó căng thẳng tới mức hai bên chỉ có thể ký thỏa thuận vào lúc 3h sáng ngày 11/9/2001. Theo thỏa thuận, LVMH đồng ý bán 8 triệu cổ phiếu Gucci cho PPR với giá 94 USD mỗi cổ phiếu. Sau khi có thêm 8 triệu cổ phiếu, tỷ lệ cổ phần của PPR trong Gucci tăng từ 42% lên 53,2%. Tuy nhiên, thỏa thuận chỉ cho phép PPR mua toàn bộ cổ phiếu của cổ đông thiểu số sau năm 2004.

Giới truyền thông nhận định cuộc chiến pháp lý giữa PPR và LVMH là một trong những vụ đối đầu dai dẳng và gay cấn nhất trong giới doanh nghiệp hiện đại.

Thất bại trong cuộc chiến pháp lý liên quan tới Gucci không chỉ khiến Bernard tổn thất về tài chính, mà còn khiến tình bạn giữa ông với Francois tan vỡ. Ông coi hành động của Francois là sự phản bội, trong khi Francois cho rằng sự việc không ảnh hưởng tới tình bạn giữa hai người. Vết thương cũ chưa lành, Bernard tiếp tục đón cú sốc mới khi Francois mua thương hiệu thời trang Yves Saint Laurent - mục tiêu mà Bernard theo đuổi từ lâu.

Sau đó, hai tỉ phú tiếp tục cạnh tranh trong các thương vụ thâu tóm trong lĩnh vực hàng xa xỉ và truyền thông. Cuộc cạnh tranh lan sang mọi phương diện trong cuộc sống của họ. Chẳng hạn, trong chính trị, Bernard ủng hộ cựu tổng thống Nicolas Sarkozy, còn Francois là bạn thân cựu tổng thống Jacques Chirac. Hai ông cũng thường xuyên là đối thủ của nhau trong các vụ mua tác phẩm nghệ thuật.

Giờ đây, sau khi Nhà thờ Đức Bà cháy, tinh thần ganh đua giữa hai người giàu nhất nước Pháp lại tiếp diễn. Tuy Bernard công bố quyết định góp tiền để xây lại nhà thờ muộn hơn Francois tới 9 giờ, nhưng số tiền mà ông và tập đoàn góp lại lớn gấp đôi (226 triệu USD) so với đối thủ (113 triệu USD).

Nhạc Dương

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.