|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hai năm sau khi ông Hà Văn Thắm bị bắt, doanh nghiệp họ Ocean vẫn lận đận vì trích lập dự phòng

09:50 | 06/10/2016
Chia sẻ
Gần tròn hai năm kể từ khi ông Hà Văn Thăm bị khởi tố, bắt giam, các doanh nghiệp họ Ocean từng được ông lãnh đạo cũng rơi vào cảnh 'lao đao'. Đến nay, các doanh nghiệp này vẫn còn hàng ngàn tỷ đồng lỗ lũy kế, chưa thể khắc phục.

Khi "đại gia" chứng khoán ngã ngựa

Ngày 24/10/2014, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công An đã quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (Nay là Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương - Ocean Bank) về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, quy định tại Điều 179 Bộ Luật Hình sự.

Gần hai năm qua, các thông tin từ cơ quan điều tra cho biết một số khoản vay của Ocean Bank có dấu hiệu gây mất vốn của ngân hàng. Trong đó có việc cho vay sai quy định, cho vay các khoản tiền lớn không có thế chấp tài sản. Mà cụ thể, cơ quan điều tra xác định ông Hà Văn Thắm ký các quyết định cho Công ty TNHH thương mại dịch vụ Trung Dung vay khoảng 500 tỷ đồng nhưng không đảm bảo các khoản thế chấp và sai quy định.

Tuy nhiên, những diễn biến tại Ocean Bank sau đó lại cho thấy sai phạm của ngân hàng này dưới thời ông Hà Văn Thắm nhiều khả năng không chỉ dừng lại ở con số 500 tỷ. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức mua lại Ocean Bank với giá 0 đồng vào ngày 25/4/2015. Vốn điều lệ của Ocean Bank theo BCTC năm 2014 thấp hơn mức vốn pháp định. Cổ đông Ocean Bank không chấp nhận phương án phát hành cổ phần để đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ đáp ứng mức vốn pháp định của ngành ngân hàng.

Doanh nghiệp họ “Ocean” lao đao, hai năm chưa vực dậy

Ông Hà Văn Thăm bị khởi tố, bắt giam không chỉ bộc lộ những điểm yếu tại Oceanbank, nơi xảy ra vi phạm mà một loạt các doanh nghiệp “họ” Ocean cũng rơi vào cảnh 'lao đao'.

Từ những doanh nghiệp hàng năm thu về lãi lớn, thậm chí Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group - mã OGC), một doanh nghiệp do ông Thắm trực tiếp đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT, từng là một trong các cổ phiếu thuộc VN-30. Tuy nhiên, sau sự cố của vị lãnh đạo doanh nghiệp này, đồng loạt các doanh nghiệp đều báo lỗ lớn. Phần lớn nguyên nhân là do trích lập dự phòng cho các khoản công nợ phải thu, đầu tư tài chính bị giảm giá. Sau hai năm, các khoản lỗ lũy kế vẫn xóa được nhiều, thậm chí còn tăng thêm, ăn mòn vốn điều lệ một số doanh nghiệp.

CTCP Chứng khoán Đại Dương (OCS) sụt giảm đáng kể quy mô hoạt động từ năm 2014 tới nay. Dù hiện vẫn đang thực hiện nghiệp vụ môi giới, tự doanh,… nhưng ngay hoạt động môi giới, CTCK này đang rơi vào cảnh thu không đủ chi, kinh doanh dưới giá vốn. Cũng vừa mới đây, OCS đã kết thúc vụ kiện giữa khách hàng và công ty kéo dài hơn một năm trời liên quan đến tranh chấp trong quá trình thực hiện giao dịch chứng khoán. Dù quyết định của tòa án không gây bất lợi cho cả hai bên nhưng vụ kiện đã kéo dài và cũng ảnh hưởng đến uy tín của CTCK này trên thị trường. (xem thêm)

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2016, việc đầu tư tài sàn tài chính thua lỗ (11 tỷ đồng) và trích lập chi phí dự phòng tài sản tài chính, xử lý tổn thất các khoản phải thu khó đòi,… (55 tỷ đồng) khiến OCS phải gánh khoản lỗ ròng 63,5 tỷ đồng. Trong khi vốn điều lệ 600 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến thời điểm cuối quý II/2016 đã tăng lên 97,7 tỷ đồng.

hai nam sau khi ong ha van tham bi bat doanh nghiep ho ocean van lan dan vi trich lap du phong

Trong khi khoản lỗ của OCS chủ yếu đến từ trích lập dự phòng với tài sản tài chính, thì CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (mã: OCH) lại phải vật vã với các khoản công nợ phải thu, chưa biết bao giờ có thể thu hồi. Trong mô hình hoạt động của Tập đoàn Đại Dương, OCH là doanh nghiệp phụ trách mảng khách sạn, du lịch. Đây là doanh nghiệp đang vận hành 2 khách sạn StarCity (4 sao) tại Quảng Ninh, Nha Trang và 2 khách sạn Sunrise (5 sao) tại Nha Trang, Hội An. Cùng đó, thông qua M&A, doanh nghiệp này cũng sở hữu hai thương hiệu có tiếng trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm là Givral và Kem Tràng Tiền.

Ngoài ra, OCH cũng còn rất nhiều dự án “ấp ủ”. Công ty này đổ vào lượng lớn tiền để nhắm tới những mảnh đất vàng của Hà Nội, trong đó có khu đất 35 Tràng Tiền của CTCP Tràng Tiền. Năm 2010, OCH ứng trước cho ông Hà Trọng Nam (anh trai ông Hà Văn Thắm) 500 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng 634.700 cổ phần, tương đương 99,17% vốn của CTCP Tràng Tiền từ nhóm cổ đông.

Giao kèo 5 năm chưa thành công, khoản tiền ứng trước “lãi mẹ đẻ lãi con” lên 628 tỷ đồng, CTCP Tràng Tiền vẫn chưa về tay OCH. Tháng 6/2015, OCH quyết định không nhận chuyển nhượng cổ phần số cổ phần này. Ông Hà Trọng Nam thay vì đưa trả cổ phần CTCP Tràng tiền cho OCH, sẽ có nghĩa vụ hoàn trả toàn bộ gốc và lãi. Thời hạn tối đa 3 năm. Đến nay, vừa tròn một năm rưỡi kể từ giao kèo trên, ông Hà Trọng Nam vẫn chưa chi trả được một đồng, khoản phải thu 628 tỷ đồng trích lập dự phòng 100%.

Đây chỉ là một khoản công nợ phải thu tiêu biểu nhất trong “hệ thống” các khoản phải thu, phải trả rườm rà của OCH. Nhiều khoản phải thu khó đòi khác cũng được trích lập như hợp đồng hợp tác đầu tư Dự án KĐT phía Nam Bắc Giang, khoản phải thu đối với cá nhân bà Hứa Thị Bích Hạnh,.. Tổng giá trị các khoản nợ xấu của OCH là 1.214 tỷ đồng, tương đương 60% vốn điều lệ. Giá trị có thể thu hồi theo tính toán của OCH xấp xỉ 260 tỷ đồng.

Mặc dù đã trích lập một khoản lớn từ năm 2014, bán Khách sạn Phương Đông năm 2015 và vẫn thu lãi từ hoạt động kinh doanh khách sạn, thực phẩm… nhưng tới nửa đầu năm 2016, OCH tiếp tục lỗ gần 104 tỷ đồng. Nguyên nhân bởi gánh nặng lãi vay hàng kỳ khi công ty còn có xấp xỉ 1.000 tỷ đồng vay ngắn, dài hạn ngân hàng. Lỗ lũy kế của OCH đến nay hơn 932 tỷ đồng, tương đương 46% vốn điều lệ (2.000 tỷ đồng).

hai nam sau khi ong ha van tham bi bat doanh nghiep ho ocean van lan dan vi trich lap du phong

Trong số các doanh nghiệp họ Ocean, OceanGroup là doanh nghiệp nặng gánh lỗ hơn cả. Một phần cũng vì OGC đang nắm giữ tỷ lệ chi phối OCH (55,53%), OCS (37,5 %). Các khoản trích lập dự phòng của OCH hay hoạt động kinh doanh thua lỗ của OCS đều ảnh hưởng trực tiếp đến OGC. Ngoài ra, là cổ đông nắm giữ 20% vốn điều lệ của Ocean Bank (giá trị phần vốn góp khoảng 800 tỷ đồng), OGC đã “mất trắng” toàn bộ khi NHNN mua lại ngân hàng này với giá 0 đồng.

Tính đến cuối quý II/2016, lỗ lũy kế của doanh nghiệp này tăng lên 2.229 tỷ đồng. Từ cuối năm 2014 tới nay, phần lớn hoạt động mang lại dòng tiền về cho OGC là hoạt động chuyển nhượng tài sản.

Trước khi ông Hà Văn Thắm bị bắt, Ocean Group đã chuyển nhượng lại hệ thống siêu thị Ocean Mart cho Vingroup. Sau đó, Ocean Group cũng bán lại cho Tập đoàn này Dự án HH Khu Đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng với giá chuyển nhượng theo công bố từ phía OceanGroup là 2.148 tỷ đồng. Dự án này đến nay được Vingroup chuyển nhượng cho một doanh nghiệp bất động sản khác, thu về khoản lãi không nhỏ đóng góp vào kết quả kinh doanh của Tập đoàn này quý II vừa qua. Tuy nhiên, bán dự án này thời điểm đó là điều cấp thiết với Ocean Group bởi doanh nghiệp này cần tiền để trang trải các khoản phải trả, đồng thời giúp OGC ‘tránh’ một năm thua lỗ.

hai nam sau khi ong ha van tham bi bat doanh nghiep ho ocean van lan dan vi trich lap du phong

Một số dự án khác cũng đã được OGC chuyển nhượng hoặc lên kế hoạch chuyển nhượng. Bên cạnh việc trả nợ cho OGC, Tập đoàn này còn chi trả các khoản nợ cho công ty trong hệ thống như Viptour (chủ đầu tư dự án số 10 Trấn Vũ, Hà Nội).

Hoạt động chính của công ty mẹ OGC thời gian qua là chuẩn bị thủ tục cho các dự án đầu tư. Ngoài ra, dự án BOT Hà Nội – Bắc Giang do liên doanh ba chủ đầu tư trong đó có OGC đã hoàn thành và đi vào sử dụng cũng hứa hẹn mang về lợi nhuận.

Một điểm mới trong bức tranh của OGC thời gian gần đây đó là việc doanh nghiệp này khởi công thực hiện dự án 25 Trần Khánh Dư. Dự án có diện tích hơn 5.400m2, trong đó gần 3.000m2 sẽ được triển khai xây dựng thành tòa nhà hỗn hợp TTTM, khách sạn, văn phòng và căn hộ cho thuê với diện tích 21 tầng. Vốn đầu tư 700 tỷ đồng. Tuy nhiên, một dự án mới là nhiệm vụ không phải dễ dàng đối với OGC khi năng lực tài chính đã ảnh hưởng nhiều trong giai đoạn vừa qua.

hai nam sau khi ong ha van tham bi bat doanh nghiep ho ocean van lan dan vi trich lap du phong

Nợ phải trả và vay nợ ngân hàng ngắn hạn tính đến cuối quý II/2016

Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu tại OGC và OCH đều cao, lần lượt đạt 77% và 67%. Riêng OGC, nợ phải trả của Tập đoàn này hiện xấp xỉ 4.942 tỷ đồng. Trong đó, giá trị khoản vay ngắn hạn lên tới 1.100 tỷ đồng.

Theo Ngọc Linh

[LIVE] ĐHĐCĐ Vincom Retail: Lãi 1.080 tỷ đồng trong quý I, lãnh đạo khẳng định không đổi tên khi xuất hiện cổ đông mới
Năm 2024, ban lãnh đạo Vincom Retail trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.420 tỷ đồng.