|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Hai cổ phiếu hàng không có nguy cơ bị hủy niêm yết vì làm ăn thua lỗ liên tục

12:23 | 08/09/2022
Chia sẻ
HOSE mới lưu ý về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines và AST của Taseco Airs vì liên tục báo lỗ trong năm 2020, 2021 và nửa đầu 2022.

Tàu bay của Vietnam Airlines hạ cánh. (Ảnh minh họa: HVN).

Ngày 7/9, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) đã gửi công văn lưu ý Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) về khả năng hủy niêm yết hơn 2,2 tỷ đơn vị cổ phiếu HVN.

Trong năm 2020 và 2021, Vietnam Airlines lỗ sau thuế lần lượt 11.178 tỷ đồng và 13.279 tỷ đồng. Báo cáo hợp nhất soát xét nửa đầu năm 2022 cho thấy số lỗ sau thuế là 5.237 tỷ đồng. Tại ngày 30/6/2022, lỗ sau thuế chưa phân phối là 28.904 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 4.897 tỷ đồng.

Căn cứ quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 120 của Nghị định 155/2020, HOSE lưu ý Vietnam Airlines về khả năng cổ phiếu bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ hoặc vốn chủ sở hữu là số âm, hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp.

Trước đó vào ngày 6/9, HOSE đã quyết định giữ nguyên cổ phiếu HVN trong diện kiểm soát vì thua lỗ trong hai năm liên tiếp (2020 – 2021) và kết quả kinh doanh trong báo cáo soát xét bán niên 2022 tiếp tục thua lỗ.

 

Điểm e Khoản 1 Điều 120 của Nghị định 155/2020/NĐ-CP ban hành ngày 31/12/2020 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán: Cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét. 

Ngày 6/9, HOSE còn lưu ý một doanh nghiệp khác về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu là CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs – Mã: AST). Nguyên nhân cũng là Taseco Airs thua lỗ liên tiếp trong năm 2020, 2021 và nửa đầu năm 2022. Lỗ lũy kế tại ngày 30/6 năm nay là hơn 84 tỷ đồng.

Ngoài ra, HOSE còn cảnh báo khả năng hủy niêm yết đối với CTCP Du lịch Dịch vụ Hội An (Mã: HOT) và CTCP Xây dựng và Phát triển Đô thị Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (Mã: UDC).

Cổ phiếu HVN hiện nay thấp hơn 30% so với cuối năm 2021.

Tín hiệu hồi phục của ngành hàng không

Vietnam Airlines nói riêng và các doanh nghiệp hàng không nói chung bị thiệt hại nặng nề trong 2,5 năm đại dịch. Tuy nhiên, Vietnam Airlines cho biết tình hình kinh doanh từ tháng 7 năm nay đã có những tín hiệu khởi sắc.

Lần đầu tiên kể từ khi COVID-19 bùng phát, tổng công ty này ghi nhận có lãi trong nhiều ngày cao điểm hè tháng 7/2022. Mùa du lịch hè nội địa kéo dài đến tháng 8, cùng với việc các thị trường quốc tế tiếp tục nới lỏng nhập cảnh và nhu cầu du lịch phục hồi, do vậy Vietnam Airlines hy vọng thu được dòng tiền lớn.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất cho thấy dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines trong nửa đầu năm nay dương 3.856 tỷ đồng, khởi sắc hơn hẳn con số âm 724 tỷ đồng của nửa đầu 2021.

Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ này đạt gần 1.600 tỷ đồng, trái ngược với kết quả âm 364 tỷ đồng cùng kỳ. Tiền và tương đương tiền cuối quý II tăng lên hơn 3.300 tỷ, gấp gần hai lần ngày đầu năm.

Vietnam Airlines Group (gồm ba hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) đã vận chuyển gần 9,5 triệu lượt khách trong nửa đầu năm, tăng 24,6% so với kế hoạch đã báo cáo đại hội đồng cổ đông năm 2022. Trong đó, nội địa là hơn 8,9 triệu lượt khách và quốc tế là hơn 550.000 lượt.

Hàng không Việt Nam hồi phục trong năm 2022.

Số liệu từ Cục Hàng không cho biết các hãng bay Việt Nam khai thác tổng cộng 208.242 chuyến bay trong 8 tháng đầu 2022, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Biểu đồ bên trên cho thấy số chuyến của các hãng đều tăng trưởng hai hoặc ba chữ số.

Trong đó, đà tăng mạnh nhất đến từ hai tháng gần đây. Cụ thể, tổng số chuyến được vận hành trong tháng 7 và 8 vừa qua là hơn 65.100, cao gấp 16 lần cùng kỳ năm ngoái. Vietnam Airlines Group khai thác xấp xỉ 29.000 chuyến trong hai tháng qua, cao gấp 11 lần cùng kỳ 2021.

Trong tháng 9, Vietnam Airlines mở thêm và tăng tần suất một số đường bay quốc tế trong bối cảnh nhiều quốc gia nới lỏng quy định nhập cảnh.

Vietnam Airlines tổ chức đại hội cổ đông thường niên vào ngày 28/6/2022, đặt ra kế hoạch kinh doanh thua lỗ nghìn tỷ. (Ảnh minh họa: Đức Quyền).

Đại hội cổ đông thường niên 2022 do Vietnam Airlines tổ chức ngày 28/6 đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mức lỗ sau thuế của công ty mẹ ước tính lên tới 9.335 tỷ đồng. Như vậy, khả năng Vietnam Airlines tiếp tục thua lỗ trong năm nay và bị hủy niêm yết là rất hiện hữu.

Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền cho biết hoạt động kinh doanh năm 2022 có thuận lợi là thị trường vận tải hàng không phục hồi mạnh sau dịch nhưng cũng tồn tại thách thức rất lớn là giá nhiên liệu lên cao gấp đôi năm ngoái.

Đức Quyền