|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hai biến số mới đang gây náo động thị trường khí đốt từng một thời im ắng

19:36 | 17/01/2022
Chia sẻ
Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nước nhập khẩu khí đốt hóa lỏng lớn nhất thế giới, trong khi Mỹ sắp trở thành nhà cung ứng lớn nhất hành tinh. Mối quan hệ cạnh tranh giữa hai siêu cường đang khuấy động thị trường thị trường khí đốt từng một thời rất im ắng.

Hai biến số khó lường Mỹ - Trung

Trên thị trường khí đốt hóa lỏng có lịch sử hơn 60 năm, giới phân tích lẫn thương nhân toàn cầu đều đang phải vật lộn với một chuyển biến hiếm có khi sự xuất hiện của hai siêu cường Mỹ - Trung khiến thị trường và giá cả từ trạng thái ổn định thành biến động dữ dội.

Tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, lần đầu tiên vượt qua Nhật Bản. Ở diễn biến khác, Mỹ sẽ trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất hành tinh vào cuối năm nay, đánh bại các nhà cung ứng hàng đầu như Qatar và Australia.

Khác với những "người tiền nhiệm" trên thị trường, cả hai siêu cường đều khá khó đoán. Ngoài ra, các nhà phân tích rất khó thu thập dữ liệu từ Trung Quốc. Kết quả là, giá LNG giao ngay trở nên biến động khi nó trở thành một hàng hóa được giao dịch trên sàn như dầu thô.

Để bắt kịp sự thất thường của giá LNG, các doanh nghiệp đã buộc phải mở rộng bộ phận giao dịch. Hai ông lớn ngành LNG của Nhật Bản là Jera Corp. và Tokyo Gas gần đây đã thành lập bộ phận giao dịch riêng; trong khi các ngân hàng như Macquarie Group và Citigroup lại thuê thương nhân để hốt bạc từ biến động trên thị trường.

Tóm lại, thị trường khí đốt chưa bao giờ thay đổi nhanh chóng đến thế. Giá cả lên xuống tính theo từng ngày, thậm chí tăng giảm theo những tầng mức hiếm khi thấy được trong nhiều thập kỷ, Bloomberg nhấn mạnh.

Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu - vốn được dùng làm tiêu chuẩn cho giá LNG, đã chạm mức cao kỷ lục 180 euro/MWh hồi giữa tháng 12 năm ngoái, nhưng chỉ khoảng 10 ngày sau đã giảm hơn 60%.

Hai biến số mới đang gây náo động thị trường khí đốt từng một thời im ắng - Ảnh 1.

Bể chứa khí đốt hóa lỏng (LNG) tại Cảng nước sâu Dương Sơn ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg).

Một điểm đáng lưu ý là, những biến động thất thường trên thị trường LNG đã giúp củng cố sức ảnh hưởng của Trung Quốc vì nước này có thể dễ dàng tác động đến giá giao ngay hoặc xu hướng giá trong dài hạn.

Tại Moscow, nhà phân tích cấp cao Ronald Smith của hãng môi giới BCS Global Markets cho biết các khách hàng của ông đôi khi dành hàng giờ để tìm kiếm những thông tin vụn vặt ở bên ngoài để xác định nhu cầu của Trung Quốc, dù thực tế khối công việc này khá khó khăn.

Ông Smith chia sẻ thêm: "Giá khí đốt có thể gây bất ngờ lớn khi nhu cầu của Trung Quốc tăng mạnh hơn suy yếu hơn so với dự đoán của thị trường. Trong khi đó, ước tính nguồn cung của Mỹ lại dễ hơn".

Thị trường LNG từng rất dễ đoán

Xuyên suốt lịch sử hơn 60 năm qua, khí LNG chủ yếu được mua bán bằng các hợp đồng có thời hạn hàng chục năm. Các lô hàng LNG sẽ được vận chuyển từ nước này sang nước kia, sau đó thương nhân sẽ sử dụng cơ chế định giá kế thừa từ hoạt động giao dịch dầu thô để xác định mức giá.

Biến chuyển bắt đầu xuất hiện cách đây hơn một thập kỷ, khi các công ty dầu đá phiến Mỹ khám phá ra công nghệ hydraulic fracturing (dùng thủy lực để phá vỡ các khối đá phiến), từ đó "mở khóa" trữ lượng khí tự nhiên dồi dào trong nước.

Từ một nhà nhập khẩu khí đốt ròng, Mỹ đã sắp sửa trở thành nhà xuất khẩu khí LNG lớn nhất thế giới vào cuối năm nay. Mỹ sẽ đạt được dấu mốc này một khi mỏ khai thác mới ở bang Louisiana đi vào hoạt động.

Các hợp đồng LNG của Mỹ hiện thuộc nhóm linh hoạt nhất trong ngành. Các công ty của Mỹ có thể vận chuyển khí đốt đến bất cứ nơi nào cần hàng nhất hoặc cho bất kỳ ai trả giá cao nhất.

Hơn nữa, khách hàng chỉ cần trả một khoản phí để hủy toàn bộ lô hàng khi nhận thấy giá không còn cạnh tranh, chẳng hạn như trường hợp của năm 2020 khi giá khí LNG giao ngay tụt xuống mức thấp kỷ lục. Sản lượng đá phiến dồi dào cũng giúp giá khí đốt của Mỹ thấp hơn đáng kể so với các đối thủ nước ngoài, Bloomberg liệt kê thêm.

Tháng trước, trong bối cảnh Nga siết nguồn cung khí đốt cho châu Âu hòng ép buộc các nhà lãnh đạo trong Liên minh châu Âu (EU) công nhận giấy phép của đường ống khí đốt Nord Stream 2, Mỹ đã xuất khẩu lượng lớn đơn hàng khí đốt sang lục địa già. Cũng nhờ đó, đà phi mã của khí đốt tại châu Âu mới hạ nhiệt phần nào.

Thách thức mà hai biến số mới đặt ra

Sự linh hoạt mà Mỹ mang lại cho thị trường LNG cũng đi kèm với một loạt thách thức mới, Bloomberg cảnh báo.

Các thương nhân đang phải theo dõi sát sao các đợt gián đoạn do bão gây ra tại Vịnh Mexico của Mỹ; trong khi các động thái chính trị của chính phủ toàn cầu như hạn chế lượng phát thải CO2 có thể kéo giá LNG đi lên.

Ngoài ra còn có những rủi ro khác vì Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh để trở thành siêu cường mạnh nhất thế giới. Chỉ vài năm trước, khí LNG còn bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại giữa Bắc Kinh và Washington. Thời điểm đó, các công ty Trung Quốc từng tạm thời ngừng nhập khẩu khí LNG của Mỹ.

Ông Nikos Tsafos, một chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng sự xuất hiện cùng lúc của Mỹ và Trung Quốc là một "cơn địa chấn lớn cho thị trường khí đốt, đặc biệt là khi hai nước là đối thủ địa chính trị của nhau".

Bloomberg dẫn lời vị chuyên gia cảnh báo, có khả năng mối quan hệ căng thẳng giữa hai siêu cường sẽ phá vỡ thị trường khí đốt.

Ngoài ra, nhu cầu cao kỷ lục của Trung Quốc - hiện ở mức 80 triệu tấn/năm, còn là một cơ hội kinh doanh khổng lồ cho các nhà cung ứng khí LNG hàng đầu cũng như các nhà sản xuất mới trên thị trường.

Song, Trung Quốc vẫn là một biến số khó đoán. Bà Susan L. Sakmar, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Luật Houston, nhận định: "Cơ hội rõ ràng là có vì nhu cầu của Trung Quốc rất lớn, nhưng giao dịch với Trung Quốc không dễ đoán như với Nhật Bản. Do đó, việc này cũng gây ra không ít thách thức cho thị trường".

Khả Nhân