HAGL: 'Vươn lên từ gian khó'
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) đã công bố báo cáo thường niên năm 2020 với thông điệp "Vươn lên từ gian khó".
Năm 2021 có thể coi là năm bản lề cho những chương mới của HAGL khi từ ngày 8/1 CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG) không còn là công ty con.
Bên cạnh đó, ông Đoàn Nguyên Đức ("bầu" Đức) cũng rút khỏi vị trí Chủ tịch của HAGL Agrico, nhường sân cho ông Trần Bá Dương, Chủ tịch CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco).
Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường đầu tháng 1, "bầu" Đức chia sẻ vẫn chưa rõ tương lai sẽ còn đồng hành với ông Trần Bá Dương tại HAGL Agrico trong thời gian tới hay không.
Việc "bầu" Đức rút khỏi HAGL Agrico sẽ giúp ông chuyên tâm chèo lái con thuyền HAGL mà ông từng nhận định rằng "lái con HAG còn khó hơn con HNG".
Mở đầu báo cáo thuờng niên, ông Đoàn Nguyên Đức ("bầu" Đức), Chủ tịch HĐQT cho biết năm 2020, dịch COVID-19 khiến việc đi lại giữa ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia gặp nhiều khó khăn làm cho quá trình đầu tư và sản xuất hàng hoá bị hạn chế. Sản lượng sản xuất không thể đạt được như kế hoạch đề ra.
Hơn nữa, COVID-19 cũng làm cho giá bán sản phẩm giảm nhiều, đồng thời chi phí vận chuyển và lưu thông hàng hoá lại tăng. Các yếu tố này làm cho tỷ suất lợi nhuận kinh doanh của tập đoàn ở mức quá thấp.
Trong khi đó, lịch đến hạn trả nợ của các khoản vay thì hầu như chưa được điều chỉnh. Đứng trước bối cảnh còn nhiều rủi ro và biến động, HĐQT và Ban tổng giám đốc phân tích, đánh giá tình hình trong ngắn hạn và dự đoán diễn biến dài hạn để đề ra đối sách phù hợp.
"Bầu" Đức cho rằng cần phải nhanh chóng trả bớt nợ vay để giảm áp lực thanh khoản và chi phí lãi vay, thoái vốn khoản đầu tư vào HAGL Agrico, tập trung tái cấu trúc sản xuất kinh doanh theo hướng gọn nhẹ và hiệu quả, phù hợp với năng lực tài chính của tập đoàn.
Do đó, HAGL đã chuyển nhượng bớt một số công ty con của HAGL Agrico tại Campuchia cho CTCP Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico), thực hiện thủ tục chuyển đổi nợ phải trả Thagrico thành vốn cổ phần của HAGL Agrico, bán bớt cổ phần HAGL Agrico để trả nợ ngân hàng, đầu tư phát triển các dự án mà HAGL còn giữ lại để tạo nền tảng cho tương lai.
Đến ngày 31/12/2020, do còn phải tiếp tục hợp nhất nhóm Công ty HAGL Agrico theo quy định của Chuẩn mực Kế toán nên số dư nợ vay trên báo cáo tài chính hợp nhất chưa thể hiện đúng tình hình tài chính của Tập đoàn.
Từ ngày 8/1/2021 thì HAGL Agrico không còn là công ty con của tập đoàn, vì vậy tình hình công nợ và tài sản của tập đoàn sẽ được thể hiện đúng trên báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021. Khi đó, số dư nợ phải trả nói chung và nợ vay ngân hàng nói riêng sẽ giảm rất nhiều.
Thực tế, theo số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021, tổng nợ đi vay của HAGL giảm tới 9.393 tỷ còn 8.710 tỷ đồng sau khi "dứt áo" HAGL Agrico. Đây là mức nợ thấp nhất của tập đoàn trong gần chục năm qua.
"Bầu" Đức đã đúc kết và từng chia sẻ với cổ đông rằng" làm nông nghiệp không phải đơn giản, phải sạch nợ mới được".
Chủ tịch HAGL nhận định rằng "khi diễn biến COVID-19 còn phức tạp thì ưu tiên hàng đầu là giảm nợ vay, tinh gọn sản xuất kinh doanh, đảm bảo quản lý hiệu quả và có khả năng tự cân đối tài chính cho từng dự án, hạn chế tối đa việc phát sinh nợ vay mới.
Khi nào COVID-19 được kiểm soát trên phạm vi thế giới và các dự án của tập đoàn tự cân đối tài chính được thì mới tính đến kế hoạch mở rộng thêm".
Việc giảm nợ vay giúp chi phí lãi vay của HAGL giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, quý I HAGL tiếp tục ghi nhận lỗ sau thuế gần 69 tỷ đồng do việc trích lập dự phòng liên quan đến lợi thế thương mại Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai trong bối cảnh dịch COVID-19.
Trong báo cáo thường niên, tập đoàn cũng chưa đưa ra con số kế hoạch kinh doanh cho năm nay. Dù kết quả kinh doanh quý I vẫn chưa có nhiều cải thiện sau khi "dứt áo" HAGL Agrico song việc giảm được gánh nặng lãi vay có thể coi là bàn đạp để HAGL hồi sinh thời gian tới.
Muốn làm nước ép trái cây cô đặc, sấy khô để xuất khẩu
Từ năm 2021 trở đi, HAGL đặt mục tiêu hàng đầu là tái cấu trúc sâu rộng nhằm giảm bớt nợ ngân hàng, chọn lọc và tinh gọn hoạt động sản xuất kinh doanh, chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh rồi mới mở rộng.
Đến cuối năm 2020, diện tích cây ăn trái thuộc tập đoàn khoảng hơn 25.000 ha tại Việt Nam, Lào và Campuchia với 15 loại cây. Chuối là sản phẩm chủ lực của HAGL
Tổng diện tích vườn chuối của tập đoàn đến cuối năm 2020 khoảng hơn 11.000 ha. HAGL chủ yếu xuất khẩu chuối qua đường biển và đường bộ vào Trung Quốc và sang một số nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore. Các sản phẩm chuối từ Lào và Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua các cửa khẩu đường biển của Việt Nam.
Về thị trường tiêu thụ hiện tại, tập đoàn lấy thị trường Trung Quốc làm nền tảng và sẽ chiếm giữ vị trí nhà cung cấp các loại trái cây nhiệt đới lớn nhất tại thị trường này.
Trong tương lai, tập đoàn hướng dần đến tự động hóa tất cả các khâu sản xuất, từ làm đất, trồng cây, làm cỏ đến thu hoạch, đóng gói, và bảo quản sau thu hoạch.
Tập đoàn lên kế hoạch sẽ đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất chế biến hiện đại, tạo ra các sản phẩm từ trái cây với chất lượng cao như nước ép trái cây cô đặc, sấy khô, và cấp đông để xuất khẩu, có tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.