|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

HAGL quá hạn thanh toán gần 1.500 tỷ lãi vay của BIDV

08:32 | 31/08/2021
Chia sẻ
BIDV đang là chủ nợ lớn nhất của HAGL. Bầu Đức từng chia sẻ đã có kế hoạch thanh lý một số tài sản không tạo ra lợi nhuận, tập trung thu hồi nợ và sử dụng dòng tiền thu được từ sản xuất kinh doanh để hoàn tất trả nợ trái phiếu này trước cuối năm 2025.

Vi phạm một số cam kết trong hợp đồng vay

Theo báo cáo tài chính bán niên đã soát xét của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG), tổng nợ đi vay cuối quý II của HAGL là 8.279 tỷ đồng, giảm gần 5% so với cuối quý I. 

Tại ngày 27/8, tập đoàn cũng đang vi phạm một số cam kết với hợp đồng vay. Trong đó với khoản vay 5.876 tỷ đồng của BIDV - chủ nợ lớn nhất của HAGL, diện tích trồng cao su và cọ dầu thực tế thực tế đang thấp hơn cam kết trong hợp đồng tín dụng.

Bên cạnh đó, tập đoàn cũng chưa tiến hành thanh toán lãi vay phải trả đến hạn tại ngày 30/6 với BIDV là 1.483 tỷ đồng. Thuyết minh báo cáo tài chính soát xét thông tin rằng tập đoàn đã có kế hoạch trả khoản lãi vay trên.

HAGL quá hạn thanh toán gần 1.500 tỷ lãi vay của BIDV - Ảnh 1.

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên sau soát xét của HAGL.

Khoản nợ với BIDV là khoản vay thông qua trái phiếu nhằm bổ sung vốn cho các dự án đầu tư và tái cấu trúc nợ vay. Khoản vay này đáo hạn vào cuối năm 2026.

Lãi suất của khoản vay này bằng trung bình cộng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân kì hạn 12 tháng bằng VND của 4 ngân hàng (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) cộng với biên độ 3%. HAGL cho biết lãi suất của khoản vay này năm 2020 rơi vào khoảng 9,5 - 9,8%.

Tài sản đảm bảo cho số trái phiếu của BIDV gồm các quyền thuê đất tại Campuchia, Lào và gần 45 triệu cổ phiếu HAG thuộc sở hữu của "bầu" Đức.

Trong tâm thư gửi cổ đông cuối tháng 7, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT của HAGL cho biết hiện, tập đoàn chỉ còn chủ yếu khoản nợ trái phiếu tại BIDV. 

Bầu Đức nói thêm HAGL đã có kế hoạch thanh lý một số tài sản không tạo ra lợi nhuận, tập trung thu hồi nợ từ các bên liên quan và sử dụng dòng tiền thu được từ sản xuất kinh doanh để hoàn tất trả nợ trái phiếu này trước cuối năm 2025.

Ngoài ra, tập đoàn cũng vi phạm trong hợp đồng tín dụng với ngân hàng Eximbank gần 678 tỷ khi tại ngày 30/6, HAGL đã thanh lý toàn bộ số bò theo đó không đảm bảo số bò theo quy định hợp đồng. 

HAGL quá hạn thanh toán gần 1.500 tỷ lãi vay của BIDV - Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên sau soát xét của HAGL.

Kiểm toán tiếp tục nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Sau soát xét, doanh thu của HAGL tăng thêm khoảng 9 tỷ lên 832 tỷ đồng. Tuy nhiên, phía công ty kiểm toán Ernst & Young đã đề nghị tập đoàn tăng giá vốn do điều chỉnh liên quan tới phân bổ giá trị hợp lý các tài sản trên khía cạnh hợp nhất và giảm dự phòng các khoản phải thu sau khi thực hiện rà soát thu hồi.

Các điều này đã dẫn tới lợi nhuận sau thuế sau soát xét của HAGL giảm 54% xuống còn 8,3 tỷ đồng. Lãi ròng giảm còn hơn 18 tỷ.

Dù có lãi nửa đầu năm song như trình bày ở bài trước đó việc thoái vốn HAGL Agrico khiến HAGL ghi nhận thêm khoản lỗ luỹ kế 1.013 tỷ dẫn tới lỗ luỹ kế của tập đoàn tại ngày 30/6 là gần 7.372 tỷ đồng.

Theo thuyết minh, ngày 8/1, HAGL Agrico chính thức không còn là công ty con của HAGL. Tại ngày mất quyền kiểm soát, HAGL đã ghi nhận vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất giữa niên độ khoản lỗ 1.013 tỷ vào phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của các năm trước, liên quan tới các giao dịch vốn trước đây đối với cổ đông không kiểm soát đã làm giảm tỷ lệ sở hữu của tập đoàn trong HAGL Agrico mà không làm mất quyền kiểm soát.

HAGL quá hạn thanh toán gần 1.500 tỷ lãi vay của BIDV - Ảnh 4.

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên sau soát xét của HAGL.

Ngoài ra, như trình bày trước đó, việc hồi tố dữ liệu trong báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng năm 2020 đã được kiểm toán liên quan tới dự phòng các khoản phải thu khó đòi.

Khoản dự phòng đội lên kéo chi phí quản lý doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 tăng lên 1.263 tỷ dẫn tới lỗ ròng 1.156 tỷ đồng trong khi trước hồi tố HAGL lãi ròng 107 tỷ. Như vậy cả năm 2020, HAGL lỗ gần 2.531 tỷ sau khi hồi tố.

Nếu trình bày lại khoản lỗ luỹ kế vào nửa đầu năm nay do hồi tố thì dẫn tới thực chất HAGL ghi nhận lỗ thêm 1.247 tỷ đồng 6 tháng đầu năm.

HAGL quá hạn thanh toán gần 1.500 tỷ lãi vay của BIDV - Ảnh 5.

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên sau soát xét của HAGL.

Lỗ luỹ kế cộng thêm việc vi phạm các cam kết trong hợp đồng vay nợ khiến tiếp tục cho thấy có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của HAGL. 

Lãnh đạo tập đoàn cho biết tại ngày 27/8, HAGL đã lập kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo bao gồm dòng tiền dự kiến sẽ được tạo ra từ việc thanh lý một phần các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ và từ các dự án đang triển khai.

Tập đoàn cũng đang làm việc với các bên cho vay về việc điều chỉnh các điều khoản vi phạm của hợp đồng tín dụng, theo đó HAGL cam kết có thể trả các khoản nợ đến hạn và tiếp tục hoạt động.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hoàng Kiều

Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.