Hạ viện thông qua dự luật trần nợ, xoa dịu nỗi lo Mỹ vỡ nợ
Theo đưa tin từ Bloomberg, vào tối ngày 31/5 (theo giờ địa phương), Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật đình chỉ trần nợ công do Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy dàn xếp.
Dự luật này sẽ đình chỉ trần nợ công cho đến tháng 1/2025, giúp Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ. Đồng thời, nó cũng áp đặt các hạn chế lên chi tiêu của chính phủ liên bang theo yêu cầu của Đảng Cộng hoà.
Các nhà lập pháp của hai đảng đã bỏ phiếu thông qua dự luật với tỷ lệ 314 phiếu thuận - 117 phiếu chống. Trước khi Tổng thống Biden có thể đặt bút ký thành luật, dự luật phải được Thượng viện thông qua.
Bloomberg cho biết, dự luật đã giành được sự ủng hộ của hơn 60% hạ nghị sĩ Đảng Cộng hoà. Song, cuối cùng dự luật nhận được nhiều phiếu bầu từ Đảng Dân chủ (phe thiểu số tại Hạ viện) hơn.
Kết quả trên đánh dấu một khoảnh khắc hiếm hoi mà hai đảng đồng lòng hợp tác với nhau giữa một Washington bị chia rẽ sâu sắc.
Ông Biden, người đã xem cuộc bỏ phiếu trên TV, gọi kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện là “tin tốt cho người dân Mỹ và nền kinh tế Mỹ”.
Tại Thượng viện, dự luật gần như chắc chắn sẽ được thông qua bởi Đảng Dân chủ đang chiếm đa số tại đây. Theo Bloomberg, câu hỏi duy nhất là thời gian.
Cùng ngày 31/5, ông Mitch McConnell, Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện, cho biết Thượng viện có thể tổ chức bỏ phiếu ngay ngày 1/6.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen gần đây đã cảnh báo rằng chính phủ có thể cạn kiệt tiền mặt ngay trong ngày 5/6, trừ khi các nhà lập pháp nâng giới hạn đi vay.
Nếu Quốc hội thất bại, vụ vỡ nợ của Mỹ sẽ xoá sổ hơn 7 triệu việc làm và kéo tỷ lệ thất nghiệp lên trên 8%, Moody's Analytics cho hay. Hãng xếp hạng tín dụng này cũng dự đoán thị trường thị trường chứng khoán Mỹ có thể bị thổi bay 20% giá trị.
Trong cuộc tranh luận tại Hạ viện, cả hai đảng đều tạo được dấu ấn. Ông McCarthy gọi dự luật này là “một bước hướng tới một chính phủ tinh gọn hơn”.
Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Hakeem Jefferies thì cho rằng Đảng Dân chủ đã thành công “ngăn chặn các đảng viên Cộng hoà MAGA cực đoan phá hoại nền kinh tế Mỹ”.
MAGA là từ viết tắt của cụm từ “Make America Great Again” (tạm dịch: giúp nước Mỹ vĩ đại trở lại). Đây là khẩu hiệu khi ra tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump.
Theo Bloomberg, các hạn chế chi tiêu trong dự luật vừa được Hạ viện thông qua có thể có tác động lớn đến nhiều cá nhân, đặc biệt là những sinh viên trẻ mới tốt nghiệp đại học và một số người thu nhập thấp sống phụ thuộc vào phúc lợi của chính phủ.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế của Morgan Stanley ước tính rằng toàn bộ dư luật sẽ tạo ra “tác động không đáng kể” đến nền kinh tế nói chung, có khả năng sẽ kìm hãm tốc độ tăng trưởng trong năm tới.
Trên thị trường tài chính, các nhà đầu tư giờ đây gần như đã gác lại nỗi lo chính phủ Mỹ vỡ nợ và đang chuyển sự chú ý sang những bất ổn khác có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Một số mối lo của nhà đầu tư là khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 6 tới hoặc các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu dù Bắc Kinh đã dỡ bỏ các hạn chế chống dịch từ đầu năm.