|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hà Nội: Vì sao người dân nên ở nhà trong 2 tuần quyết định của COVID-19?

22:50 | 23/03/2020
Chia sẻ
Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, trong thời gian 2 tuần từ 23/3 trở đi là thời gian quyết định với thành phố Hà Nội và Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19. Ông Chung cũng nhiều lần đưa ra lời khuyên, từ nay đến hết tháng 3/2020, người dân nên ở nhà nhiều nhất có thể.
Hà Nội: Vì sao người dân nên ở nhà trong 2 tuần quyết định của COVID-19? - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhiều lần khuyến cáo người dân ở nhà càng nhiều càng tốt từ nay đến hết tháng 3 - thời gian cao điểm dịch Covid-19

Cụ thể, trong phiên họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội ngày 18/3 vừa qua, ông Chung đưa ra khuyến cáo người dân nếu không có việc gì thực sự cần thiết nên ở nhà càng nhiều càng tốt trong thời gian đến hết tháng 3/2020.

Để đưa ra khuyến cáo này, ông Chung đã phân tích một loạt tình hình liên quan đến diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới và ở Việt Nam, thành phố Hà Nội.

Cụ thể, theo ông Chung, con đường phía trước của thành phố Hà Nội trong phòng, chống Covid-19 rất gian nan. Tình hình diễn biến dịch bệnh của Trung Quốc kéo dài 12 tuần, bắt đầu giảm vào tuần thứ 9.

Vì thế, thành phố Hà Nội mới ở tuần thứ 2, nên thời gian tới dự kiến các ca bệnh sẽ còn tăng lên.

 Đặc biệt, trong giai đoạn 1, nguy cơ lây nhiễm chỉ đến từ một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Nhưng hiện nay hàng loạt nước trên thế giới đã bùng phát dịch bệnh, kéo theo nguy cơ lây nhiễm từ tất cả các nước.

 Hơn thế nữa, Hà Nội đã có những ca lây nhiễm chéo trên địa bàn. Hiện nay, số ca phát hiện dương tính đến từ nhiều nguồn, như từ các nước Châu Á, từ châu Âu, từ Mỹ, từ lây nhiễm trên cộng đồng…

 Ông Chung cũng phân tích, hiện nay, các nhà khoa học đã nghiên cứu dịch một cách rộng rãi, nhiều thông tin có thể tổng kết. Virus này lây nhiễm rất cao. Như ở Trung Quốc qua 12 tuần có tới hơn 82 nghìn người lây nhiễm.

Trong khi đó tại Italia, từ ca nhiễm thứ 97 lên đến 2.000 chỉ trong vòng 7 ngày. Còn từ 2.000 lên 11.000 chỉ trong vòng 4 ngày. Số lượng lây nhiễm ở các nước ngoài Trung Quốc đã tăng nhanh trong 2 tuần và vượt qua cả Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cộng lại.

 Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng phân tích, virus này ảnh hưởng không đồng đều đến các lứa tuổi. Ở mỗi nước lại có sự khác nhau.

Và cũng chưa thể kết luận được việc lây nhiễm ở thể nhẹ. Có những người lây nhiễm không có biểu hiện, vẻ ngoài vẫn bình thường nhưng xét nghiệm lại cho kết quả dương tính.

Hơn nữa, theo ông Chung, cũng chưa có thông tin về việc nếu trời nắng ấm lên thì dịch bệnh sẽ giảm.

“Giả sử nó diễn ra như kịch bản ở Trung Quốc và Hàn Quốc thì chúng ta đã bước vào đến tuần thứ 2, mà kéo dài đến tuần thứ 11 mới giảm.

Hiện nay chúng ta mới đang cách ly toàn bộ nguồn từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước từ châu Âu và Mỹ, Trung Đông, nhưng còn một số nguồn vào từ trước 0h ngày 17/3 trở về trước thì nguy cơ rất cao.

Hôm nay ở các quận huyện báo cáo là đã phát hiện các trường hợp về, đi lại nhiều trong mấy ngày vừa qua thì đang có biểu hiện sốt.

Mà thực tế cũng có những chuyến bay vào các ngày 14/3, 15/3, như Ban chỉ đạo T.Ư thông báo là có nhiều chuyến bay mà sau này mới phát hiện có ca dương tính. Những người ở trong các chuyến bay này thì vẫn đang tiếp tục xác minh”, ông Chung nói ngày 18/3.

Ông Chung phân tích, với thời gian ủ bệnh trung bình là 14 ngày, kể cả những người nhập cảnh vào Việt Nam trước ngày 17/3, thì thời gian từ 20/3 trở đi và kéo dài đến hết ngày 3/4 là thời gian cao điểm phát hiện khi phát bệnh. “Đây là thời gian rất cao điểm”, ông Chung nói.

Thực tế cho thấy, trong 3 ngày vừa qua 21 – 23/3 liên tục phát hiện các ca dương tính với Covid-19 trên địa bàn cả nước, trong đó nhiều ca ở Hà Nội. Ngoài ra, theo ông Chung, cũng có những trường hợp ủ bệnh dài hơn 14 ngày, thậm chí là 27, 39 ngày như ở một số nước.

Ông Chung cũng nhấn mạnh về nguy cơ lây nhiễm lớn nhất là những người trở về từ vùng có dịch thông qua sân bay Nội Bài, các chuyến bay nội địa... “Còn các chuyến bay từ trước ngày 17/3 và theo đường bộ thì chưa kiểm soát 100% được”, ông Chung đánh giá.

Một nguy cơ nữa, theo ông Chung là phát hiện lây nhiễm trong cộng đồng dân cư, những trường hợp học sinh, khách du lịch đến Hà Nội từ ngày 3 – 6/3, đã tiếp xúc, đi lại nhiều rồi chuyển sang nơi khác, thậm chí khi về nước đã phát hiện dương tính.

Nguồn lây nhiễm thứ 3 là các cán bộ đang giao dịch, tiếp xúc trực tiếp với công dân về từ các vùng có dịch. Dù có phương án bảo hộ nhưng tỷ lệ của người tiếp xúc gần là cao nhất.

Từ những phân tích đó, ông Chung khuyên: “Tôi khuyến cáo tất cả các cửa hàng, nếu thực sự không cần thiết thì nên đóng cửa, trừ trường hợp các cửa hàng xăng, thuốc, siêu thị và lương thực thực phẩm.

Mọi người không có nhiệm vụ thì từ nay đến 31/3, cố gắng ở nhà càng nhiều càng tốt. Thực sự chúng ta đang bước vào giai đoạn thử thách, nguồn lây nhiễm đang ẩn nấp ở cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm rất cao”, ông Chung nói ngày 18/3.

Đến ngày 21/3, phát biểu tại buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 quận Bắc Từ Liêm, Chủ tịch thành phố Hà Nội tiếp tục nhấn mạnh: Tất cả chúng ta phải nhận thức được nguy cơ trong 2 tuần tới là thời gian quyết định với Việt Nam và Hà Nội có bị dịch hay không, mặc dù, chặng đường chúng ta đi đã được hơn 2 tháng.

Và trong 2 tuần tới, bệnh dịch có biểu hiện rất phức tạp vì số công dân nhập cảnh từ ngày 6/3 đến ngày 20/3 trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều.

Liên quan đến số người nhập cảnh vào Hà Nội trước 22/3, UBND thành phố Hà Nội vừa có công văn yêu cầu chủ tịch UBND các quận huyện thị xã chỉ đạo cơ quan công an, cơ quan y tế, ủy ban nhân dân xã phường, thị trấn rà soát lập danh sách tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam chưa qua cách ly tập trung, đang cư trú trên địa bàn từ ngày 7/3 đến nay để tổ chức cách ly.

Thành lập các tổ công tác tại cơ sở, thành phần tổ công tác bao gồm: Công an xã phường, thị trấn (chủ trì), cán bộ y tế, tổ trưởng tổ dân phố hoặc trưởng thôn, bản, ban công tác mặt trận khu dân cư và tình nguyện viên (nếu có) tổ chức vào từng ngõ, gõ từng nhà, các cơ sở lưu trú, rà từng đối tượng, lập danh sách những người nhập cảnh vào Việt Nam từ 7/3 đến nay để thực hiện giám sát, theo dõi y tế và kịp thời cách ly theo quy định.

Trong quá trình rà soát, lập danh sách, nếu phát hiện trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài về có biểu hiện ho, sốt, khó thở thì chuyển ngay tới Bệnh viện của thành phố theo hướng dẫn của ngành y tế.

Tổ chức cách ly tại nhà và nơi cư trú đối với đối tượng trên theo quy định. Đối với trường hợp dương tính chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 - Đông Anh để điều trị, đồng thời tổ chức các biện pháp xử lý ổ dịch theo quy định; tiến hành rà soát các đối tượng tiếp xúc gần (F1), tiếp xúc với tiếp xúc gần (F2) để tổ chức cách ly theo quy định.

 Đối với trường hợp âm tính thì tiếp tục cách ly tại nhà, nơi cư trú đến hết thời gian 14 ngày theo quy định. Thời gian hoàn thành các nội dung công việc trên chậm nhất trước ngày 25/3.

Trường Phong