Hà Nội quyết thu hồi nhà dưới 30 m2 để hạn chế nhà siêu mỏng, siêu méo
Sáng nay (ngày 16/8), tại phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi nói về trách nhiệm của địa phương trong thực hiện quy hoạch đô thị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cùng trình bày hàng loạt vấn đề đang tồn tại ở hai đô thị lớn nhất cả nước.
Hà Nội hiện còn 132 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo
Chủ tich UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. (Ảnh: VGP) |
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định, dù quá trình phê duyệt quy hoạch được làm đúng nhưng tình trạng các chủ đầu tư vi phạm quy hoạch chi tiết (về mật độ xây dựng, chiều cao…) có tồn tại.
“Trách nhiệm trước tiên thuộc về cơ quan quản lý thành phố, tiếp đó mới là chủ đầu tư. Vừa qua, Hà Nội phối hợp với cơ quan trung ương thanh tra, giao nhiệm vụ cho địa phương và cơ quan chuyên môn quản lý, giám sát và đã xử lý trách nhiệm của 18 cán bộ vi phạm”, ông Chung nói.
Việc xử lý sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực cũng còn chậm. Hiện tòa nhà đã cắt ngọn xong tầng 19, các tầng dưới xử lý giật cấp nên cần có phương án kỹ thuật. Hà Nội đang phối hợp với Bộ Xây dựng, trình thẩm định phương án kỹ thuật để xử lý tòa nhà đảm bảo an toàn.
Về vấn đề chỉnh trang đô thị, khắc phục tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, ông Chung cho biết: trước năm 2015, toàn thành phố có trên 300 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo, hiện còn 132 trường hợp. Thành phố sẽ kiên quyết thu hồi hoặc tiến hành cho các chủ hộ hợp khối, hợp thửa những nhà có diện tích dưới 30 m2 để hạn chế không làm phát sinh thêm các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo mới.
Trước tình trạng đô thị còn nhếch nhác, Hà Nội sẽ triển khai các giải pháp như: hạ ngầm hệ thống điện, cáp viễn thông (năm 2016 hạ được 19 tuyến, từ đầu năm 2017 đến nay đã hạ được 72 tuyến); thay thế hệ thống chiếu sáng tiết kiệm điện; chỉnh trang lại mặt tiền các tuyến phố; sau đó mới tiến hành việc lát lại vỉa hè, khắc phục tình trạng vừa làm xong lại đào lên…
Hà Nội: Tái xuất hơn 200 nhà siêu mỏng, siêu méo ở các phố mới mở |
Hà Nội hoàn chỉnh đồ án Thiết kế đô thị hai bên tuyến đường vành đai 2 và vành đai 3 |
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội còn nhắc đến vấn đề lấn chiếm đất đai ở các vùng bến bãi. Hà Nội có hơn 5.000 ha và đã giao cho cơ sở quản lý, nhưng vừa qua vẫn có tình trạng vi phạm lấn chiếm đất để canh tác, xây dựng các khu du lịch sinh thái… Thành phố đã lập các đoàn kiểm tra, xử lý trên 200 trường hợp và sẽ kiên quyết giải tỏa các công trình vi phạm.
Vấn đề quản lý công ty công viên cây xanh, giải quyết tình trạng lấn chiếm bán hàng rong, xây dựng sai phép các công trình kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, Hà Nội sẽ thông nhất giao một đầu mối quản lý để rõ ràng trách nhiệm. Còn về tình trạng ngập lụt trong các quận nội thành, Hà Nội sẽ triển khai các dự án thoát nước, xây thêm 25 hồ chứa, thu gom xử lý nước thải sông Tô Lịch, triển khai các dự án nạo vét 128 hồ ở các quận nội thành…
Quy hoạch đến 2025 TP HCM có 10 triệu người, hiện đã có khoảng 13 triệu người
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong (Ảnh: VGP) |
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhận định, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2025 đã được Chính phủ phê duyệt, đây là cơ sở để triển khai công tác quản lý chung trên địa bàn. Tuy Đồ án đã thể hiện được vấn đề quy hoạch giao thông nội đô và các quận ngoại thành, quy mô dân số… nhưng vẫn còn tồn tại những bất cập.
“Theo Đồ án, đến năm 2025 TP HCM dự đoán có khoảng 10 triêu dân, nhưng số người thường sống và làm việc tại thành phố thực tế hiện nay đã lên đến khoảng 13 triệu người (con số thống kê chỉ là 8,4 triệu). Thành phố hiện có khoảng 7,6 triệu xe gắn máy và 700.000 ô tô, trung bình mỗi ngày có 1.000 phương tiện đăng ký mới…”, ông Phong đưa ra những số liệu chứng minh việc áp lực hạ tầng TP quá lớn.
TP HCM là trung tâm giao lưu kinh tế nên lượng phương tiện đến thành phố rất lớn, dù thành phố đang triển khai nhiều dự án giao thông nhưng không đáp ứng kịp. Hiện thành phố đang xây dựng các tuyến đường vành đai, đường sắt đô thị…, nguồn vốn chủ yếu từ ODA. Tuy nhiên, vấn đề giao thông sẽ chỉ được giải quyết khi phát triển giao thông công cộng, kết hợp với các biện pháp dãn dân để giảm dân số ở khu vực trung tâm.
Chủ tịch UBND TP HCM thông tin: “Hai khu vực đang được thành phố tập trung triển khai nhất là các dự án xung quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và dự án dọc tuyến Tân Cảng - Cát Lái (bởi lượng hàng hóa tuyến này rất lớn, trung bình có khoảng 24.000 lượt di chuyển/ngày). Ngoài ra thành phố còn có 37 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông khác cần phân luồng, phân tuyến”.
Về vấn đề chống ngập, ông Phong nói “muốn trị bệnh thì phải đoán được bệnh”, tình trạng ngập úng tại TP hiện do nhiều nguyên nhân như: do thủy triều dâng cao, do mưa lũ từ cuối năm 2016 đến nay lớn; do lún và do vấn đề quản lý cũng như ý thức của một bộ phận người dân còn kém...
Vừa rồi thành phố có triển khai dự án chống ngập do thủy triều dâng nhưng mới chỉ giải quyết được một phần, thành phố vẫn đang tiếp tục triển khai các giải pháp, trước mắt là vận động người dân không xả rác, tiếp đến là giao trách nhiệm đến các cơ quan địa phương, kết hợp với những giải pháp mang tính chất công trình…
Điểm mặt những dự án BĐS đang 'bủa vây' sân bay Tân Sơn Nhất Ùn tắc giao thông trên các tuyến đường dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất đã tồn tại lâu nay, nhất là vào giờ cao ... |
TPHCM: Dành 67.000 tỷ đồng cho các dự án dân sinh Chủ trương của Đảng và Nhà nước tạo cơ chế tài chính đặc thù giúp TPHCM có nguồn lực để phát triển kinh tế đang ... |
TP Hồ Chí Minh vẫn cần 72.000 tỷ đồng chống ngập trong 5 năm tới Theo báo cáo của thành phố, dự kiến nhu cầu đầu tư các dự án chống ngập giai đoạn 2016 - 2020 là 71.951 tỷ ... |