|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hà Nội: Nhà hàng bán tại quán trong khi một số quán cà phê phải 'đóng ngoài, mở trong'

17:42 | 19/02/2021
Chia sẻ
Trong khi các quán cà phê trong nhà phải lén lút mời chào khách ghé thăm thì các nhà hàng trên địa bàn Hà Nội vẫn tiếp tục hoạt động.

Theo thông báo Kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 0h ngày 16/2 (mùng 5 Tết), tạm dừng mở cửa đón khách tại các khu di tích, cơ sở tôn giáo; tạm dừng hoạt động đối với các quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hè và quán cà phê đến khi có chỉ đạo mới của UBND.

Hà Nội: Nhà hàng được phép hoạt động trong khi một số quán cà phê lén lút 'đóng ngoài, mở trong' - Ảnh 1.

Một cửa hàng cà phê trên phố Tống Duy Tân (quận Ba Đình) đăng biển chỉ phục vụ mang về. (Ảnh: Tường Vy).

Tuy nhiên, trong văn bản này cũng nêu rõ: Đối với nhà hàng ăn phục vụ trong nhà, yêu cầu thực hiện công tác vệ sinh khử khuẩn, thực hiện giãn cách tối thiểu 2m giữa người với người hoặc giữ khoảng cách tối thiểu 1m và có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà.

Điều này dẫn đến việc các nhà hàng ăn phục vụ trong nhà vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh trong khi đó các quán, cửa hàng cà phê, chủ yếu phục vụ đồ uống phải tạm ngừng hoạt động cho tới khi có chỉ thị mới.

Trên thực tế, theo ghi nhận của chúng tôi, một số quán cà phê vẫn mời chào khách vào quán phục vụ tại bàn trong những ngày đầu tiên sau Tết Nguyên Đán. Một chủ quán cà phê trên phố Trần Phú (quận Ba Đình) cho biết quán vẫn mở cửa và có phục vụ khách trong nhà, nếu phục vụ mang đi khách hàng chịu phí vận chuyển riêng.

Nhà hàng được phép hoạt động trong khi quán cà phê 'đóng ngoài, mở trong' gây bức xúc - Ảnh 2.

Một quán cà phê vẫn phục vụ khách trong nhà. (Ảnh: Tường Vy).

Đa số quán cà phê khác rơi vào tình trạng bàn ghế trống trơn do không có khách ghé thăm do phải thực hiện giãn cách xã hội. Để giải quyết tình hình, các cửa hàng cà phê đã lựa chọn cách không phục vụ tại bàn mà chuyển qua hình thức phục vụ mang đi hoặc bán hàng online.

Trong khi đó các hãng trà, cà phê lớn có thương hiệu  đã ra thông báo lịch hoạt động của hệ thống ngay sau khi có chỉ thị từ UBND TP.

Cụ thể, hãng trà và cà phê Phúc Long hôm 17/2 cho biết một số điểm sẽ được quy định chỉ tối đa 30 người hiện hữu trong cửa hàng, cụ thể tại Hà Nội là Phúc Long Vincom Nguyễn Chí Thanh. Các điểm còn lại ở Hà Nội đa số chỉ phục vụ mua mang về theo từng thời gian cụ thể hoặc tạm ngừng phục vụ.

Nhà hàng được phép hoạt động trong khi quán cà phê 'đóng ngoài, mở trong' gây bức xúc - Ảnh 3.

Nhân viên hãng trà và cà phê Phúc Long IPH (phố Xuân Thủy) tất bật phục vụ đồ uống mang đi cho khách. Cửa hàng này từ chối phục vụ tại bàn do chỉ thị giãn cách xã hội. (Ảnh: Tường Vy).

Hôm 18/2, The Coffee House đã thông báo lịch hoạt động hệ thống mới nhất, theo đó tại Hà Nội chỉ 25 cửa hàng áp dụng chính sách phục vụ mua mang về hoặc đặt trước và tự đến lấy, các cửa hàng còn lại đóng cửa, ngưng hoạt động đến khi có thông báo mới nhất.

Đối với Highland Coffee, hãng chưa có thông báo gì về việc đóng/mở cửa hàng. Tuy nhiên theo ghi nhận của chúng tôi tại Highland Coffee ở các địa điểm như Cột Cờ Hà Nội, IPH (phố Xuân Thủy) và Mỹ Đình Plaza (phố Nguyễn Hoàng), tất cả bàn ghế phục vụ khách tại chỗ đều được xếp gọn, có rào chắn ngăn cách, nhân viên cho biết chỉ phục vụ mang đi, đồng thời yêu cầu khách đứng giãn cách 2m.

Các hãng cà phê khác như Aha Cafe, Kafa Cafe hay Starbucks cũng lần lượt ra thông báo đóng cửa, chỉ phục vụ mang về và đặt hàng qua ứng dụng hoặc giao hàng qua Grab, Now.

Trong đợt dịch trước đó bùng phát tại Đà Nẵng vào tháng 8/2020, để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan tại Thủ đô, UBND TP Hà Nội đã ra chỉ thị từ 0h ngày 19/8, trong đó cả nhà hàng, quán bia, cà phê ở Thủ đô phải thực hiện việc ngồi giãn cách, tối thiểu 1m, tổ chức đo thân nhiệt cho khách và bố trí nước sát khuẩn.

Còn đợt giãn cách xã hội đầu tiên ở Hà Nội vào tháng 4 năm ngoái, Chủ tịch UBND TP khi đó đã đề nghị tất cả các cửa hàng dịch vụ không thiết yếu trừ xăng dầu, thuốc chữa bệnh, các mặt hàng thiết yếu còn lại đều phải đóng cửa đến 5/4/2020. Điều đó đồng nghĩa với việc cả quán cà phê và nhà hàng đều phải tạm ngưng hoạt động.

Từ đó cho thấy, đây có thể là lần đầu tiên có sự phân biệt giữa "nhà hàng" và "quán cà phê" trong chỉ thị đóng cửa hàng quán nhằm chống dịch COVID-19 tại Hà Nội.

Nếu bóc tách rõ hơn thì có thể thấy, nhà hàng chủ yếu phục vụ nhu cầu ăn uống của khách hàng, trong khi các quán cà phê thường sẽ phục vụ nhu cầu "uống" nhiều hơn dù có thể nhiều chuỗi cũng kinh doanh kèm cả đồ ăn.

Theo một thống kê của Grab, ứng dụng chiếm thị phần giao đồ ăn lớn nhất tại Việt Nam vào tháng 5/2020, trong giai đoạn giãn cách xã hội toàn quốc, trà sữa đã soán ngôi cơm trở thành mặt hàng được đặt nhiều nhất qua nền tảng GrabFood. Trà, cà phê cũng lọt top 5.

Từ đó cho thấy, nhu cầu đặt hàng từ các "quán cà phê" trên ứng dụng di động đã tăng rất nhanh trong giai đoạn cửa hàng không thể phục vụ tại quán. Hay cụ thể hơn, nhu cầu đặt đồ uống qua ứng dụng đạt tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với nhu cầu đặt đồ ăn.

Tường Vy - Tiểu Phượng