|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hà Nội huy động 360 nghìn tỉ đồng cho 51 dự án trọng điểm

10:28 | 05/10/2016
Chia sẻ
Nhiều giải pháp chỉ đạo quyết liệt đã được lãnh đạo thành phố Hà Nội đề ra nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án, đặc biệt là các công trình trọng điểm giao thông cấp bách.
ha noi huy dong 360 nghin ti dong cho 51 du an trong diem
Ảnh minh họa (Nguồn: Vietstock.vn)

Theo thông tin từ Cổng giao tiếp điện tử Chính phủ, Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm và các tổ công tác liên ngành nhằm tháo gỡ khó khăn với từng dự án, đồng thời đẩy nhanh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, riêng nhóm 7 công trình cấp bách theo cơ chế đặc thù được Chính phủ chấp thuận đã khởi công được 2. Cụ thể, công trình Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái, sẽ hoàn thành trước 31/12/2016 và công trình nút giao Cổ Linh, hoàn thành trước Tết Nguyên đán năm 2017.

Các công trình sử dụng vốn đối tác công – tư (PPP) hoặc các dự án ODA đặc biệt được chú trọng đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư. Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, hai hình thức đầu tư này không phải sử dụng nguồn vốn đầu tư công nhưng thủ tục lại rất phức tạp, mất nhiều thời gian. Ví dụ, 1 dự án PPP nhóm A nếu làm đủ 10 bước thủ tục, mất từ 750 – 780 ngày mới xong, như vậy sẽ có dự án đến gần hết giai đoạn 2016 – 2020 mới xong thủ tục; Còn các dự án ODA thì phải vận dụng cả luật trong nước và hiệp định quốc tế. Thực tế, trong 9 tháng đầu năm, kết quả thực hiện 2 loại dự án này đang chậm hơn các dự án có vốn ngân sách.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, vốn ngân sách, kể cả hỗ trợ từ Trung ương, luôn không đạt 50% tổng nhu cầu của toàn thành phố. Vì vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phải quyết liệt huy động nguồn vốn ODA cho những dự án có quy mô lớn và yêu cầu kỹ thuật cao, như hệ thống công trình về đường sắt đô thị. Còn các dự án hạ tầng giao thông có khả năng hoàn vốn phải vận hành theo hình thức BOT.

Ngoài vấn đề vốn đầu tư thì công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng cần đẩy nhanh. Bởi dù đủ nguồn lực đầu tư nhưng chưa hoàn thành công tác GPMB thì vẫn khó đạt kế hoạch đề ra. Một số dự án chậm triển khai GPMB như: Dự án Khu Liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn; Dự án tiếp nước song Tích; Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa…

Muốn đẩy nhanh GPMB thì công tác chuẩn bị quỹ nhà tái định cư phải đi trước một bước, tạo điều kiện cho công tác bồi thường qua việc xây dựng khu tái định cư. Ngoài ra, cần thực hiện việc GPMB theo quy hoạch để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm.

Theo ông Tứ, còn tồn tại thêm một vấn đề khác, trong 9 tháng đầu năm đã có 3 - 4 công trình chậm giải ngân, gây chậm tiến độ. Ông phân tích: ở giai đoạn đầu tiên có thể khó khăn trong công tác chuẩn bị đầu tư, nhưng khi mặt bằng đã có mà các nhà thầu không đẩy mạnh giải ngân thì giai đoạn thực hiện sẽ không đạt được mục tiêu.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, để huy động nguồn lực cho các công trình trọng điểm, cần thực hiện các giải pháp cụ thể như tiết kiệm cho phí dịch vụ công, tạo quỹ đất tập trung tại các quận mới thành lập, thu hút nguồn vốn ODA…

Đặc biệt, thành phố Hà Nội sẽ kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng cho hưởng một số cơ chế đặc thù trong các dự án PPP và dự án sử dụng ngân sách. Ví dụ như với dự án ODA, thành phố kiến nghị được giải ngân theo tiến độ triển khai dự án và khả năng giải ngân; Với các dự án đầu tư theo hình thức PPP, kiến nghị Chính phủ cho phép Thành phố Hà Nội lựa chọn nhà đầu tư theo cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư…

Trong số 51 công trình trọng điểm được xác định giai đoạn 2016 – 2020, có 11 công trình chuyển tiếp từ giai đoạn 2011-2015 và 40 dự án mới giai đoạn 2016-2020. Phân theo hình thức đầu tư, có 31 dự án sử dụng vốn ngân sách và ODA, 20 dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Linh Lê